500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam: Lợi nhuận ngân hàng - tài chính tụt bậc

Ngày mai (27/1), 500 doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) năm 2014 sẽ được vinh danh.

Trong 500 DN được vinh danh trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2014, có 140 DN được xướng danh trong 8 năm liên tiếp

Trong 500 DN được vinh danh trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2014, có 140 DN được xướng danh trong 8 năm liên tiếp

Doanh nghiệp lớn duy trì tăng trưởng

Trong VNR500, có gần 140 doanh nghiệp (DN) được xướng danh trong 8 năm liên tiếp. Theo các chuyên gia xếp hạng của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), đây là một con số ấn tượng.

“Trong giai đoạn 2007 - 2014, khi kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động khó lường, thì việc liên tục đạt mức doanh thu cao của các DN này giống như ngọn lửa ấm có sức mạnh làm tan băng khủng hoảng”, ông Phùng Hoàng Cơ, Phó chủ tịch HĐQT Vietnam Report nhận định.

Sự trưởng thành của nhóm DN lớn tại Việt Nam có thể nhìn thấy qua chỉ tiêu doanh thu hàng năm. Nếu như năm 2011 - 2012, tăng trưởng doanh thu của các DN VNR500 giảm tốc mạnh, thậm chí có dấu hiệu tăng trưởng âm, thì năm 2013-2014, nhóm DN này duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh thu ở mức 10 - 20%.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ loại hình DN, ông Cơ cho biết, tăng trưởng doanh thu của khối DN nhà nước có dấu hiệu giảm dần qua các năm công bố, từ 65,2% trong Bảng xếp hạng năm 2008 còn 59,4% trong lần xếp hạng năm 2014. Trái lại, khối DN FDI có xu hướng lấn sân khi tăng tỷ lệ doanh thu tăng lên 22% trong công bố năm 2014, so với mức dưới 20% của các năm trước đó.

Điểm đáng chú ý, tăng trưởng của khối DN nhà nước và tư nhân trong nước có dấu hiệu tỷ lệ thuận với tăng trưởng toàn Bảng xếp hạng VNR500 từ năm bắt đầu được công bố (2010) đến nay.

“Nguyên nhân do số đông DN VNR500 thuộc 2 khối DN này. Khối DN FDI lại ít phụ thuộc vào biến động toàn Bảng xếp hạng, một phần do số lượng DN FDI không nhiều (chỉ chiếm trung bình 15%), một phần do hiệu quả hoạt động của khối DN này đang tốt hơn so với các khối khác”, ông Cơ nói.

Thực phẩm - đồ uống giữ vững tiềm năng

Trong 8 năm công bố VNR500, ngành khoáng sản - xăng dầu luôn dẫn đầu về doanh thu. Đây cũng là những DN luôn có mặt trong tốp đầu những DN lớn nhất Việt Nam qua các năm.

Trong VNR500 năm 2014, khoáng sản - xăng dầu cũng là ngành có lợi nhuận sau thuế cao nhất, đạt xấp xỉ 106.800 tỷ đồng. Ngành điện đứng vị trí thứ 2 xét cả về tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế.

Ngành tài chính - ngân hàng đứng thứ 3 về doanh thu, nhưng bị tụt xuống vị trí thứ 4 về lợi nhuận sau thuế, do sự vươn lên của ngành viễn thông - tin học - công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, đánh giá về tăng trưởng, ông Cơ cho biết, điện là ngành tăng trưởng tốt nhất trong 2 năm gần đây, kế đến là ngành thực phẩm - đồ uống.

Ngành thực phẩm - đồ uống tiếp tục được đánh giá là ngành tiềm năng lớn của Việt Nam. Đây cũng là ngành ghi nhận sự cạnh tranh mạnh mẽ do sự gia nhập mạnh mẽ của các thương hiệu ngoại.

Sức bền của các DN trong VNR500 năm 2014 đang được kỳ vọng là tạo đà cho khả năng tận dụng nhanh và mạnh các cơ hội sẽ đến vào năm 2015, khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do mới sẽ được ký kết ngay trong quý I/2015.

Tin bài liên quan