4 năm tái cấu trúc, PVX vẫn… mịt mờ

4 năm tái cấu trúc, PVX vẫn… mịt mờ

(ĐTCK) Bốn năm kể từ khi đề án tái cấu trúc đầu tiên được thông qua, bức tranh tài chính, kinh doanh của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) vẫn bề bộn. 

Trong khi đó, có thêm một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tổng công ty bị khởi tố, khiến gánh nặng “thế hệ trước” chưa vơi trên vai doanh nghiệp.

Ngày 20/9/2013, đề án tái cấu trúc đầu tiên của PVX được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phê duyệt theo Quyết định số 2034a/QĐ-DKVN.

Giữa những bộn bề tái cấu trúc, cổ phiếu PVX vẫn được giao dịch khá sôi động trên sàn niêm yết, với khối lượng khớp lệnh đạt bình quân 2,4 triệu đơn vị/phiên trong 9 tháng đầu năm 2017. Trong khi không ít cổ đông ngậm ngùi bán ra cắt lỗ thì vẫn có những nhà đầu tư kỳ vọng doanh nghiệp sẽ hồi phục.

Kết quả tái cấu trúc khiêm tốn

Từ vị thế doanh nghiệp hàng đầu ngành xây lắp dầu khí trên bờ của Việt Nam, với những công trình, dự án nghìn tỷ từ nhiệt điện, tổng kho LPG đến thi công giàn khoan, lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng/năm, chỉ sau 2 năm thua lỗ đột biến 2012 - 2013, lỗ lũy kế của PVX đã tăng lên 3.075 tỷ đồng, tương đương 77% vốn điều lệ.

Trong bối cảnh đó, đề án tái cấu trúc toàn diện PVX được thông qua với kế hoạch thoái vốn tại các công ty con, công ty liên kết, đầu tư tài chính không hiệu quả, giải quyết triệt để quan hệ tín dụng, bảo lãnh tín dụng của Công ty mẹ với các đơn vị thành viên, kỳ vọng sẽ giúp Tổng công ty thoát khỏi thua lỗ và phục hồi năng lực tài chính.

Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện, tiến độ và hiệu quả đạt được khá hạn chế.

Cụ thể, về hoạt động thoái vốn, bán vốn, tính đến hết năm 2016, số đầu mối tại PVX mới giảm 8 đơn vị so với con số 40 thời điểm đề án tái cấu trúc được phê duyệt (tháng 9/2013). Trong đó, năm 2016, PVX hoàn thành thoái vốn tại PVL, Sopewaco và một phần vốn góp tại các đơn vị niêm yết, thu về 27,12 tỷ đồng/63,69 tỷ đồng giá trị đầu tư, giảm được 2 đầu mối so với cuối năm 2015 (34 đơn vị).

Nửa đầu năm 2017, PVX chỉ hoàn tất một thương vụ thoái vốn khỏi Công ty cổ phần Thương mại và Dầu khí Sông Đà (SDP); trong quý III vừa qua, chưa có thêm thông tin thoái vốn thành công nào được ghi nhận. Tính đến hết tháng 6/2017, PVX còn 9 công ty con, 11 công ty liên kết và gần chục khoản đầu tư tài chính dài hạn.

Về hiệu quả hoạt động, hầu hết các đơn vị thành viên tiếp tục có mức lợi nhuận rất thấp hoặc thua lỗ. Trong năm 2016, chỉ có 2/31 doanh nghiệp đầu tư chi trả cổ tức cho PVX, với tổng số tiền 9,78 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2017, riêng khối liên doanh, liên kết thua lỗ thêm 8,9 tỷ đồng, trong 779,8 tỷ đồng giá trị đầu tư thì lỗ lũy kế lên tới 90% vốn.

Tính đến ngày 30/6/2017, tổng giá trị trích lập dự phòng đầu tư là 1.471,6 tỷ đồng, bằng 49% vốn gốc, nhiều đơn vị đã phải trích lập dự phòng 100% giá trị đầu tư như PVC Hà Nội, PVC Thanh Hóa, PVC-ME, PVC-Mekong, PVC Miền Trung, PVC Sài Gòn, PVC-3C, Xi măng Hạ Long, Trang trí nội thất dầu khí.

Trích lập dự phòng lớn, nếu làm tốt công tác thu hồi, thoái vốn, PVX có thể thu về những khoản lợi nhuận đột biến, nhưng ngược lại, rủi ro tiếp tục phải trích lập dự phòng, tạo nên những khoản thua lỗ mới cũng luôn hiển hiện, bởi tình hình yếu kém của các đơn vị thành viên.

Về cơ cấu tài sản, nguồn vốn của PVX, lỗ lũy kế tới cuối quý II/2017 là 2.989 tỷ đồng, bằng 75% vốn điều lệ. Nợ phải trả chiếm 78,2% tổng nguồn vốn, gấp 3,6 lần vốn chủ sở hữu, chủ yếu là nợ ngắn hạn (chiếm 94% tổng nợ). Tài sản chủ yếu là các khoản phải thu và tồn kho, với tỷ trọng lần lượt 23,4% và 42,95%.

Đáng chú ý, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh nửa đầu năm 2017 âm 489 tỷ đồng do tồn kho và phải thu ngắn hạn tăng lần lượt 13,55% và 22,1% so với đầu năm; số dư tiền, tương đương tiền giảm mạnh từ 1.322 tỷ đồng thời điểm đầu năm xuống 840,9 tỷ đồng khi kết thúc tháng 6 (có 130,5 tỷ đồng đang bị Ngân hàng Nhà nước đình chỉ giao dịch). Trong khi đó, PVX có 299 tỷ đồng nợ vay quá hạn cùng 2.111 tỷ đồng vay ngắn hạn và vay dài hạn đến hạn, gây áp lực lớn lên dòng tiền và khả năng thanh toán.

Kết quả, tổng lợi nhuận sau thuế trong 3 năm tái cấu trúc, từ 2014 đến 2016 vỏn vẹn 125 tỷ đồng, dù doanh thu đạt hơn 29.600 tỷ đồng; ngoài biên lợi nhuận gộp thấp hơn mức trung bình ngành thì các khoản trích lập dự phòng, chi phí tài chính đã “bào mòn” lợi nhuận.

6 tháng đầu năm 2017, doanh thu hợp nhất đạt 1.721 tỷ đồng, bằng 1/3 cùng kỳ năm 2016. Lãi trước thuế đạt 17,9 tỷ đồng so với mức 166,2 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái và chủ yếu đến từ lợi nhuận khác (21,2 tỷ đồng), còn hoạt động kinh doanh chính thua lỗ hơn 3,2 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ vỏn vẹn 657 triệu đồng.

Chưa dừng lại ở đó, 3 ý kiến kiểm toán ngoại trừ, 6 ý kiến nhấn mạnh và 1 vấn đề khác được trình bày trong 2 trang giấy của đơn vị kiểm toán khiến nhà đầu tư quan ngại về chất lượng những tài sản còn lại, cũng như khả năng duy trì hoạt động, khả năng thanh toán của PVX và các đơn vị thành viên.

Trong bối cảnh tiến độ tái cơ cấu có tín hiệu chậm lại, tháng 3/2017, Hội đồng quản trị PVX đã ra nghị quyết với mục tiêu thoái vốn tại 23 công ty thành viên trong giai đoạn 2017-2020, riêng năm 2017, phấn đấu hoàn thành thoái vốn tối thiểu 10 đơn vị. Tuy nhiên, những số liệu trên cho thấy, tình hình đến nay chưa được cải thiện. Bởi lẽ, sức khỏe tài chính tại những đơn vị mà PVX dự kiến thoái vốn cũng không khá hơn phía Tổng công ty bao nhiêu, để tìm được người mua và đưa mức giá phù hợp là không dễ dàng.

Mòn mỏi chờ họp đại hội đồng cổ đông

Ngày 17/8/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thuộc PVN thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020 tại Văn bản số 1182/TTg-ĐMDN. Theo đó, PVX nằm trong danh mục mà PVN xác định thoái toàn bộ vốn (54,47%) trong giai đoạn 2018 - 2019.

Dự báo, các phương án mà PVN có thể lựa chọn nhằm hoàn tất mục tiêu thoái vốn tại PVX là đấu giá công khai, bán trọn lô cho nhà đầu tư chiến lược, hoặc hợp nhất, sáp nhập PVX với một đơn vị khác thuộc PVN trong định hướng thoái vốn trước, sau đó bán cả 2 cùng lúc nhằm tăng tính hấp dẫn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hoạt động quản trị, kinh doanh tại PVX kém hiệu quả, nhiều đơn vị thành viên thua lỗ, không đủ điều kiện tham gia dự thầu xây lắp khiến nguồn việc chủ yếu phụ thuộc vào các dự án chuyển tiếp được PVN/các đơn vị thuộc PVN chỉ định/hoặc giao như hiện nay, hoạt động thoái vốn của PVN có thể gặp khó khăn.

Yêu cầu trước tiên với PVX chính là tiếp tục tái cấu trúc, thu hồi vốn từ các khoản đầu tư không hiệu quả, cải thiện hệ số tài chính, tăng cường minh bạch, chứng minh đủ năng lực cạnh tranh trong trường hợp không còn sự hậu thuẫn của PVN nhằm thuyết phục cổ đông của doanh nghiệp khác đồng thuận “kết đôi”, hoặc nhà đầu tư/nhà đầu tư chiến lược “xuống tiền”.

Hướng đi cụ thể nào cho PVX? Ban lãnh đạo Tổng công ty mới có câu trả lời chính xác nhất. Hiện tại, cổ đông đang chờ đợi cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 được tổ chức để nghe và chất vấn Ban lãnh đạo về hoạt động quản trị, điều hành, đặc biệt là các giải pháp nhằm vực dậy doanh nghiệp.

Trong năm 2017, PVX đã 2 lần quyết định lập danh sách cổ đông nhằm tổ chức họp đại hội đồng cổ đông, nhưng sau đó bị hủy là ngày 31/3, sau đó là ngày 25/4, với lý do thay đổi thời gian và chưa hoàn thành công tác chuẩn bị tài liệu. Đến ngày 14/6, PVX thông báo lập danh sách mới theo cơ cấu cổ đông sở hữu tại ngày 28/6, nhưng đến nay chưa có thông tin mới nào về việc tổ chức đại hội được công bố.

Trong khi hoạt động tái cấu trúc vẫn bộn bề và cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 chưa được tổ chức thì ngày 29/9/2017, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can với ông Nguyễn Anh Minh, Tổng giám đốc PVX, làm dài thêm danh sách lãnh đạo cao cấp của Tổng công ty bị khởi tố.

Đây là vụ việc liên quan đến giai đoạn trước và những tin tức khởi tố về thiệt hại, trách nhiệm có lẽ không còn khiến cổ đông PVX bận lòng, mà điều họ quan tâm là doanh nghiệp còn lại gì và sẽ làm gì để sớm hồi phục.

Trong tháng 9/2016, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố 4 bị can nhằm điều tra, xác minh làm rõ các hành vi sai phạm để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại PVX gồm: Vũ Đức Thuận, nguyên ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc; Nguyễn Mạnh Tiến, Phó tổng giám đốc; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng giám đốc và Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng. Ngoài ra, Bộ Công an tiếp tục phát lệnh truy nã với nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVX Trịnh Xuân Thanh (tháng 7/2017, ông Thanh đã ra đầu thú).

Trong tháng 9/2017, Nguyễn Ngọc Quý, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị PVX bị khởi tố do có liên quan đến sai phạm các nguyên tắc về tài chính trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (dự án do PVN làm chủ đầu tư, PVC được giao làm tổng thầu xây lắp).

Vừa qua, ông Nguyễn Anh Minh, Tổng giám đốc PVX bị khởi tố do có sai phạm trong thời kỳ giữ các chức vụ quan trọng tại PVX và một số công ty con trước đó, liên quan đến dự án Nhiệt điện Vũng Áng - Quảng Trạch, các khoản tiền góp vốn giữa Công ty mẹ PVX và các đơn vị thành viên. 

Tin bài liên quan