Xử lý các trạm BOT nhìn từ việc Thái Bình đề xuất ngân sách mua lại Dự án BOT Quốc lộ 39B

Xử lý các trạm BOT nhìn từ việc Thái Bình đề xuất ngân sách mua lại Dự án BOT Quốc lộ 39B

Đề nghị mới đây của UBND tỉnh Thái Bình gửi Bộ Giao thông - Vận tải nhằm xử lý một số vướng mắc phát sinh trong quá trình thu giá hoàn vốn tại Dự án BOT Quốc lộ 39B (đoạn tránh thị trấn Thanh Nê) do tỉnh này trực tiếp là cơ quan nhà nước có thẩm quyền được xem là động thái đáng chú ý trong quản lý, triển khai dự án PPP giao thông.

Cụ thể, UBND tỉnh Thái Bình muốn Bộ Giao thông - Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tỉnh này 460 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương để hoàn trả 1 lần cho nhà đầu tư Dự án BOT Quốc lộ 39B đoạn tránh thị trấn Thanh Nê.

Nói một cách ngắn gọn, Thái Bình muốn xin người đứng đầu Chính phủ xuất ngân sách mua lại công trình, tiến tới xóa trạm thu giá tại Km13+250, Quốc lộ 39B hoàn vốn cho Dự án.

Trong trường hợp không bố trí được ngân sách Trung ương, tỉnh Thái Bình xin Chính phủ cho phép nhà đầu tư (là CTCP Tasco) được kéo dài thời gian thu giá dịch vụ tại trạm Tân Đệ, Quốc lộ 10 thêm 2 năm để hoàn vốn Dự án BOT Quốc lộ 39B đoạn tránh thị trấn Thanh Nê.

Cần phải nói thêm rằng, Dự án BOT Quốc lộ 39B đoạn tránh thị trấn Thanh Nê có tổng mức đầu tư 460 tỷ đồng, do UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, được đưa vào khai thác từ ngày 1/1/2017, với thời gian hoàn vốn là 18 năm.

Ngay từ khi bắt đầu thu giá, do người dân địa phương phản ứng về vị trí đặt trạm nên nhà đầu tư buộc phải miễn, giảm giá cho các hộ dân và doanh nghiệp trên địa bàn 2 huyện có dự án đi qua là Kiến Xương và Tiền Hải.

Điều này khiến doanh thu thu giá dịch vụ chỉ còn 40 triệu đồng/ngày, tương đương 14,6 tỷ đồng/năm, thấp hơn rất nhiều so với doanh thu theo phương án tài chính trong hợp đồng BOT là 55,6 tỷ đồng/năm.

Cần sửa luật

Có thể thông cảm với khó khăn của UBND tỉnh Thái Bình nhằm xử lý những bất cập tại Dự án BOT Quốc lộ 39B đoạn tránh thị trấn Thanh Nê. Nếu không có thêm đòn bẩy tài chính từ bên ngoài, thì dự án này chắc chắn bị phá sản, đẩy nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền đứng trước những hệ lụy pháp lý lớn.

Song ở chiều ngược lại, ngay cả khi có đủ nguồn lực, được ứng vốn ngân sách trung ương như đề xuất, thì sẽ phải điều chỉnh một số quy định, nhất là khi Luật Đầu tư công mới chính thức có hiệu lực hơn 2 năm.

Hơn thế, rất có thể sẽ thêm địa phương, nhà đầu tư khác có động thái tương tự. Quan trọng hơn, cần phải quản lý, kiểm soát chặt, đồng thời phải có biện pháp giải quyết những vấn đề phát sinh trong việc dùng trạm thu giá Tân Đệ đang hoàn vốn cho Dự án Mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 10 để hỗ trợ hoàn vốn cho tuyến tránh Quốc lộ 39B

Bởi ngoại trừ việc có chung nhà đầu tư, thì hai dự án này không còn bất kỳ mối liên quan nào, từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tuyến đường… đến địa bàn triển khai.

Rất khó để có một lời giải thỏa đáng, làm hài lòng tất cả các bên tại Dự án BOT Quốc lộ 39B, đoạn tránh thị trấn Thanh Nê, nhưng trách nhiệm xử lý các bất cập tại dự án này, trước hết thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư.

Nếu ngân sách địa phương không thể gánh hết, thì việc kéo dài thời gian thu phí tại Dự án là điều cần phải tính đến.

Đây có thể coi là sự chia sẻ rủi ro của nhà đầu tư, nhà tài trợ vốn, trước khi dồn gánh nặng lên Trung ương. Quan trọng hơn, qua trường hợp này, không chỉ địa phương, mà cả nhà đầu tư cần rút ra bài học chung.

Đó là chỉ áp dụng hình thức đầu tư BOT để gọi vốn khi đạt được sự đồng thuận cao của không chỉ chính quyền, mà của cả người dân địa phương, nhằm tránh phát sinh những hệ lụy về sau.

Tin bài liên quan