Xóa đói giảm nghèo bền vững với cây mắc ca

Xóa đói giảm nghèo bền vững với cây mắc ca

(ĐTCK) Những tranh luận xung quanh vấn đề có trồng được mắc ca tại Việt Nam hay không đã chấm dứt khi thực tế cho thấy, nhiều vùng trong nước ta đã thử nghiệm thành công. Thậm chí còn đang trở thành điểm nóng khi nhiều vùng muốn đưa cây mắc ca vào sản xuất lớn với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo…

Trong câu chuyện, GS. Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam cho biết, Chủ tịch huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi đã đặt cược uy tín của mình để vận động nông dân mạnh dạn trồng mắc ca ngay tại huyện. Rất nhiều bà con các dân tộc ở Tây Nguyên và Tây Bắc cũng đã chủ động tìm tới các đơn vị nghiên cứu để hỏi thăm thêm về cây mắc ca. Hàng loạt DN lớn tại các thành phố đã lên đường tìm đất ở những vùng hoang vắng để mong muốn tổ chức trồng loại cây này.

“Phải chăng, một cuộc cách mạng mới trên những vùng đồi núi xa xôi của chúng ta về việc đưa cây mắc ca vào canh tác tới lúc chín muồi? Vì vậy, việc xúc tiến trao đổi về cây mắc ca là vấn đề cần làm ngay”, GS. Nguyễn Lân Hùng nói.

Phát biểu khai mạc Hội thảo chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Kinh tế Trung ương Đảng, Tỉnh ủy-UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp tổ chức, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đảng chia sẻ, Việt Nam đã trồng khảo nghiệm cây mắc ca từ năm 1994 tại Ba Vì, Đăk Lăk, Sơn La và Phú Thọ. Kết quả cho thấy, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển loại cây trồng đặc biệt này, trồng xen kẽ với các cây công nghiệp truyền thống, chủ đạo như cà phê và phát triển trên diện tích rộng, trong đó có 2 vùng tự nhiên rất phù hợp là Tây Bắc, Tây Nguyên.

“Tuy vậy, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có chiến lược phát triển toàn diện cây mắc ca để phát triển bền vững và để tránh bẫy trở thành quốc gia cung cấp nhiên liệu giá rẻ”, ông Vương Đình Huệ nói.

Các điểm yếu trong việc phát triển cây mắc ca được ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT CTCP Him Lam, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank chỉ ra là, tâm lý người dân vẫn là tiểu nông với mong muốn “sở hữu đất đai trọn đời”, nên rất khó cho chính quyền, cũng như DN trong việc quy hoạch vùng đất. Vấn đề khá muôn thuở là thiếu vốn, nhưng chủ yếu do công nghệ cao chủ yếu là nhập khẩu từ nước ngoài với chi phí lớn. Bên cạnh đó là sự thiếu đồng bộ trong tổ chức sản xuất dẫn đến khó thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp.

“Mặc dù đã có chủ trương của Chính phủ trong việc hỗ trợ các DN ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nhưng vẫn chưa có một chính sách cụ thể ưu tiên DN”, ông Minh nói.

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng, hiện thực hóa mục tiêu đưa mắc ca thành cây công nghiệp chiến lược mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc khu vực Tây Nguyên, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng sớm đề xuất Chính phủ bổ sung cây mắc ca là cây công nghiệp chiến lược mới. Đồng thời ban hành các chủ trương, chính sách khuyến khích việc trồng, tiêu thụ sản phẩm của loại cây này.

Cụ thể, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thúc đẩy nhanh việc xây dựng Chương trình quốc gia về phát triển cây mắc ca trên cơ sở phối hợp với các địa phương có tiềm năng như các tỉnh Tây Nguyên… Bộ Công thương nghiên cứu, sớm ban hành chính sách khuyến khích, thu hút DN đầu tư vốn, công nghệ sản xuất và chế biến sản phẩm từ cây mắc ca… NHNN cần xây dựng chính sách ưu đãi về nguồn vốn để triển khai các sản phẩm tín dụng cho việc phát triển cây mắc ca… Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong việc chọn giống, trồng và chế biến sản phẩm…