Quá trình triển khai các chính sách đúng đắn ở các cấp thừa hành đang là vấn đề mấu chốt

Quá trình triển khai các chính sách đúng đắn ở các cấp thừa hành đang là vấn đề mấu chốt

Xóa bỏ rào cản kinh doanh, trăn trở của doanh nhân Việt

(ĐTCK) Năm 2016, cùng với Nghị quyết 19/2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. 

Đây là những quyết sách được đặt nhiều kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực đổi mới, gia tăng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào sự đồng hành, sát cánh của Nhà nước, các cấp ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tại chương trình tọa đàm nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, câu chuyện về xóa bỏ rào cản kinh doanh lại được nhắc đến như một trong những tâm tư lớn nhất của các doanh nhân Việt.

Theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group, những rào cản xuất phát từ phía cơ quan quản lý nhà nước hiện nay là rất lớn, nhất là khi Nhà nước đang can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp thông qua các quy định, luật lệ.

“Doanh nghiệp luôn có cảm giác nơm nớp lo sợ vi phạm luật, rất muốn làm cho đúng nhưng không biết thế nào là đúng. Chúng tôi đề xuất, khi ban hành luật, Nhà nước chỉ nên nêu chủ trương, tạo một hành lang đủ thẳng, đủ rộng để chúng tôi thực hiện theo, còn vấn đề giải pháp để doanh nghiệp tự quyết”, ông Hưng chia sẻ và nêu ví dụ, quy định chung cư phải có 3 tầng hầm, diện tích căn hộ phải ra sao. Các quy định này đi quá sâu vào giải pháp, điều đáng lẽ phải để doanh nghiệp tự làm, tự chọn lựa.

Chia sẻ thêm về vấn đề xây dựng luật trong kinh doanh, Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH cho biết, luật pháp được sinh ra để phục vụ cho hoạt động thực tiễn. Nhưng thực tế hiện nay, nhiều luật lại không xuất phát từ thực tiễn và quá sách vở.

Chẳng hạn với ngành nông nghiệp công nghệ cao mà TH Truemilk đang hoạt động, Tập đoàn được nhận những ưu tiên về công cụ lao động là đặc thù của ngành này, tuy nhiên, cơ quan thuế lại không chấp thuận mà tìm cách để tận thu thuế với Công ty. Điều này cho thấy sự chồng chéo giữa các quy định của pháp luật.

Ở lĩnh vực kinh doanh vàng bạc đá quý, ông Dương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Doji chia sẻ những điểm bất hợp lý giữa việc ban hành và thực thi luật. Theo đó, Nghị định 24/2012 của Chính phủ và Thông tư 22/2013 của Bộ Khoa học Công nghệ đều hướng đến mục tiêu là làm lành mạnh thị trường vàng bạc đá quý của Việt Nam. Mặc dù vậy, trên thực tế, khả năng thực thi của các quy định này là không cao. Cụ thể, với quy định về vốn, số tiền nộp thuế hàng năm, lượng chi nhánh tại các thành phố lớn… để được kinh doanh vàng miếng, chỉ có khoảng 100 doanh nghiệp đáp ứng được, trong khi cả nước có hàng nghìn cơ sở kinh doanh vàng vẫn hoạt động bình thường.

Bên cạnh đó, quy định về xác định tuổi vàng được đưa ra chi tiết, tuy nhiên mấu chốt là các cơ sở kinh doanh vàng không đủ thiết bị để thực hiện, mặt khác cơ quan quản lý cũng không thể kiểm tra hết. Theo ông Tuấn, quy định khi đã đưa ra thì phải thực tiễn và khả thi, nếu không thể thực hiện thì không nên ban hành.

Ở một khía cạnh khác, nhiều doanh nhân không băn khoăn về chính sách mà cho rằng, mấu chốt của việc thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nằm ở việc lan tỏa tinh thần đó tới các cấp, ngành và cán bộ công chức. Trong đó nhấn mạnh đến vấn đề đạo đức của công chức.

Ông Phí Ngọc Trịnh, Phó Tổng giám đốc CTCP May Hồ Gươm cho rằng, tại Việt Nam, có hiện trạng là “trên rải thảm, dưới rải đinh”, bởi các chính sách chưa đi sâu vào từng cấp ngành, từng cán bộ công chức. Ông Trịnh cho biết, May Hồ Gươm có nhà máy tại 9 tỉnh, cán bộ thuế mỗi nơi có phong cách làm việc khác nhau, khiến doanh nghiệp đau đầu để đối phó. Vấn đề đạo đức công chức có được cải thiện thì mới cởi trói và xóa bỏ các rào cản kinh doanh cho doanh nghiệp phát triển.

Đồng quan điểm này, nói về hoạt động của cơ quan thuế, Bà Hương Vũ, Phó Tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ thuế và tư vấn Ernst & Young Việt Nam cho hay, có nhiều doanh nghiệp đa quốc gia với khối lượng hoạt động và giao dịch khổng lồ đã áp dụng xử lý dữ liệu trên máy tính, tuy nhiên vẫn bị cơ quan thuế bắt buộc phải in toàn bộ tài liệu ra giấy mới được hoàn thuế, hay yêu cầu các thủ tục thanh lý hợp đồng bằng giấy tờ…

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần phải nâng cao chất lượng về cán bộ thuế, trong bối cảnh doanh nghiệp và cán bộ thuế vẫn có tính chất đối kháng. Cần thay đổi tư tưởng này để hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Thực tế, việc thực thi Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 bước đầu đã cho thấy các tác động tích cực như số lượng doanh nghiệp thành lập tăng mạnh và theo một số khảo sát, doanh nghiệp đang có cái nhìn lạc quan nhất về triển vọng tương lai trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều cần phải tiếp tục được cải thiện, để các doanh nhân Việt bớt nỗi âu lo về các rào cản trong môi trường kinh doanh.       

Tin bài liên quan