Những cơ hội để hoàn thành mục tiêu
Với thông điệp “sẽ không bỏ ai lại phía sau”, Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc tại New York, Mỹ tháng 9/2015 đã thông qua việc thực hiện các mục tiêu toàn cầu mới hoàn thiện hơn và tham vọng hơn so với mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs).
Các mục tiêu đã được xây dựng cho cả các nước phát triển và đang phát triển. Với các mục tiêu này, quan hệ đối tác mới giữa các quốc gia với nhau, cũng như giữa các lợi ích trong nội bộ mỗi quốc gia bao gồm nhà nước, doanh nghiệp và xã hội dân sự đang được xây dựng, thúc đẩy.
Để thực hiện Đóng góp quốc gia tự quyết (NDC) của Việt Nam (VNDC), được cam kết tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) và Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững (SDGs), Việt Nam đã cụ thể hóa 169 mục tiêu Liên hợp quốc thông qua trở thành 115 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam (VSDGs) tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh thông qua Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh có liên quan chặt chẽ, hỗ trợ thực hiện 60% VSDGs và 65% hành động của VNDC.
TS. Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Trong quá trình triển khai Chiến lược và Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam đối mặt không ít những thách thức, nhưng đó cũng chính là những cơ hội để Việt Nam nỗ lực vượt qua và hoàn thành mục tiêu.
5 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh: Thành tựu và thách thức
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (2012) và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh (2014), tạo cơ sở “xanh hóa” Chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 qua các bước lồng ghép tăng trưởng xanh theo 3 mục tiêu chiến lược là giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Đánh giá một cách tổng thể, đây là đóng góp thiết thực của trụ cột kinh tế vào hợp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường trong Chiến lược quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới các mục tiêu tổng thể phát triển bền vững của Việt Nam, chung tay với cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Việc lồng ghép tăng trưởng xanh thời gian qua đã được triển khai trên những bình diện quan trọng: xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao nhận thức, năng lực thực hiện cho các bên liên quan; xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của bộ, ngành, tỉnh, thành phố và các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng, trong đó bao gồm cả công tác giám sát và đánh giá thực hiện; huy động nguồn lực trong nước và quốc tế để đáp ứng nhu cầu triển khai thực tế.
Qua 5 năm triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh đã thu được một số kết quả ban đầu đáng khích lệ. Về xây dựng thể chế đã đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật là: Trung ương ban hành Nghị quyết 24 (6/2013) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2015 đã đưa thêm chương IV về ứng phó với biến đổi khí hậu; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (2010); Quy hoạch điện 7 sửa đổi; nội dung giảm phát thải khí nhà kính đã được lồng ghép vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và các giai đoạn tới.
Bảy bộ và cơ quan ngang bộ đã ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh gồm: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Công thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch phát triển đô thị xanh Việt Nam đến năm 2030 (1/2018). Đến nay, có 34 tỉnh, thành phố xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh, thành phố.
Tuy vậy, còn một số hạn chế trong triển khai. Một là, có sự trùng lắp về mục tiêu, nhiệm vụ giữa một số chiến lược và chương trình liên quan đến phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu.
Hai là, trong các văn bản hướng dẫn lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm và kế hoạch đầu tư công 5 năm, hàng năm, phần hướng dẫn về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh còn mang tính chất định hướng.
Ba là, các chỉ tiêu về tài nguyên, môi trường, tăng trưởng xanh trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch chưa được xem xét trên cơ sở khả năng cân đối nguồn lực thực hiện của Nhà nước và các thành phần kinh tế nên còn mang tính hình thức.
Bốn là, Luật Đầu tư công chưa quy định cụ thể yêu cầu về sử dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn “xanh” vào lập hồ sơ dự án đầu tư; chưa quy định xem xét, thẩm định xu hướng tăng trưởng xanh của các dự án đầu tư công trong quy trình lập, thẩm định và quyết định đầu tư.
Nỗ lực cần có để hoàn thành mục tiêu
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam được kỳ vọng hỗ trợ 60% mục tiêu của VSDGs và liên quan 65% hành động của VNDC.
Thực hiện tăng trưởng xanh là cơ hội để Việt Nam đạt được SDGs của mình và giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với xu hướng phát triển toàn cầu. Để đạt được mục tiêu này, cần triển khai những ưu tiên sau.
Thứ nhất, hoàn thiện khung chính sách kế hoạch và đầu tư: hoàn thiện và khẩn trương ban hành bộ chỉ tiêu đo lường tăng trưởng xanh cấp quốc gia của Việt Nam; bổ sung một số chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2019 hoặc 2020; chuẩn bị sẵn sàng để hoàn thiện và áp dụng bộ chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; hướng dẫn lồng ghép các nội dung về tăng trưởng xanh vào nội dung thẩm định dự án đầu tư công, đánh giá các khía cạnh tăng trưởng xanh, xem xét mức đóng góp vào tăng trưởng xanh của các dự án đầu tư công trong quy trình thẩm định dự án đầu tư công.
Thứ hai, hoàn thiện khung chính sách tài chính tăng trưởng xanh: xây dựng khung chính sách phân bổ và quản lý ngân sách quốc gia phục vụ thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh; hoàn thiện xây dựng khung chính sách tài chính (bao gồm thuế, phí, trợ giá, các quỹ, chế tài, các tiêu chí xanh, phát triển bền vững với doanh nghiệp niêm yết) liên quan tới thúc đẩy thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh; ban hành quy chế mua sắm công xanh, trong đó các khoản chi mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước phải ưu tiên hàng hóa có dán nhãn sinh thái, hàng hóa có khả năng tái chế; nghiên cứu triển khai các chính sách về thuế và tín dụng để tái cơ cấu nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao và ít tiêu hao năng lượng.
Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu ban hành các định mức, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xanh.
Thứ tư, tăng cường thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho tăng trưởng xanh.
Xanh hóa nền kinh tế đòi hỏi nguồn lực tài chính (ước khoảng 30 tỷ USD) và nguồn nhân lực cũng như cách thức điều phối hiệu quả của các hoạt động được đề ra trong Chiến lược và Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh. Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh nêu rõ, 70% kinh phí cho tăng trưởng xanh sẽ được huy động từ khu vực tư nhân, bên cạnh nguồn ngân sách trung ương và nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đầu tư cho các dự án tăng trưởng xanh.
Trong bối cảnh hạn chế từ nguồn ngân sách nhà nước và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế đang giảm dần khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình, đây vừa là thách thức, nhưng cũng sẽ là cơ hội để huy động sự tham gia tích cực, trực tiếp của cộng đồng, nhất là doanh nghiệp tham gia vào quá trình xanh hóa nền kinh tế, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.
Việc tham gia vào quá trình xanh hóa sản phẩm và sản xuất buộc các doanh nghiệp phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Về lâu dài, điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp giảm chi phí về năng lượng và chi phí sản xuất, từ đó gia tăng lợi nhuận.
Lợi thế cạnh tranh, danh tiếng của doanh nghiệp cũng sẽ tăng thêm khi tham gia vào chuỗi sản xuất xanh toàn cầu. Mặc dù thách thức về vốn đầu tư ban đầu, nhưng doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh sẽ có cơ hội lớn trong thu hút vốn từ các nhà đầu tư, gia tăng lượng khách hàng, mở rộng khả năng tiếp cận các thị trường khó tính, từ đó làm gia tăng giá trị của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang thúc đẩy mạnh mẽ thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng để tiếp cận nguồn tài chính khí hậu quốc tế như Quỹ khí hậu xanh.
Trong thời gian qua, Việt Nam là một trong 3 nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á được tiếp nhận khoản tài trợ trị giá 29,5 triệu USD từ Quỹ khí hậu xanh thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho dự án “Tăng cường năng lực chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dân cư ven biển tại Việt Nam”. Dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Xây dựng đồng thực hiện.
Tóm lại, thúc đẩy thực hiện tăng trưởng xanh để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững là con đường đã được lựa chọn, giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững. Bên cạnh những khó khăn, thách thức nhất định, Việt Nam cần nắm bắt cơ hội để các mục tiêu xanh được hiện thực hóa trong đời sống và giúp đất nước hội nhập với nền kinh tế xanh toàn cầu.