WB: Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam gấp hơn 2 lần GDP là điều quan ngại

WB: Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam gấp hơn 2 lần GDP là điều quan ngại

(ĐTCK) Báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam, đánh giá bán thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB) về các nền kinh tế đang phát triển của khu vực vừa công bố hôm qua (13/4) cho thấy, nhưng những rủi ro đã biết vẫn còn đó.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhận định, triển vọng của Việt Nam trong trung hạn vẫn thuận lợi. Tăng trưởng GDP dự kiến tăng dần trong các năm 2017 - 2019, chủ yếu do sức cầu mạnh trong nước và các hoạt động chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu.

Áp lực lạm phát nhìn chung ở mức thấp do giá năng lượng và giá thương phẩm toàn cầu đang giảm.

Về ngân sách, tình hình ngân sách sẽ được củng cố phần nào trong thời gian tới, bên cạnh đó quá trình thoái vốn sẽ tăng nhanh, nhưng sẽ được triển khai dần dần nhằm kiềm chế tăng nợ công.

WB: Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam gấp hơn 2 lần GDP là điều quan ngại ảnh 1

Tuy nhiên, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam lại chia sẻ những quan ngại về tăng trưởng tín dụng, nợ công.

Cụ thể, theo vị chuyên gia này, mặc dù lãi suất chính sách vẫn không thay đổi nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn tăng cao. Tăng trưởng tín dụng lên đến khoảng 19% (so với cùng kỳ năm trước) vào tháng 12/2016.

Tốc độ tăng tín dụng - trên gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP (theo giá hiện hành) - cho thấy có lý do cần quan ngại, đặc biệt vì tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam – trên dưới 120% vào tháng 12/2016 - hiện đã rất cao trong khi áp lực nợ xấu trong quá khứ còn chưa được giải tỏa đủ.

Bên cạnh đó, bội chi ngân sách cao và kéo dài trong những năm qua. Bội chi ngân sách bình quân ở mức 5,5% GDP trong giai đoạn 2011 - 2016, so với 2,2% GDP trong giai đoạn 2006 - 2010. Số liệu sơ bộ cho thấy ngân sách vẫn tiếp tục chịu áp lực trong năm 2016, với mức bội chi ước tính khoảng 6,5% GDP (bao gồm cả các khoản chi ngoài ngân sách).

Bội chi ngân sách cao và kéo dài là lý do chính khiến cho nợ công tăng lên, dự kiến sẽ chạm mức trần quy định là 65% GDP vào cuối năm 2016.

WB: Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam gấp hơn 2 lần GDP là điều quan ngại ảnh 2

Báo cáo của WB cho biết thêm, mặc dù triển vọng của Việt Nam vẫn tích cực, nhưng những rủi ro đã biết vẫn còn đó. Nhìn từ trong nước, chậm trễ trong triển khai cải cách ngân sách và chuyển đổi cơ cấu có thể làm tăng nguy cơ dễ tổn thương về kinh tế vĩ mô và giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng.

Nhìn từ bên ngoài, kinh tế thế giới biến động mạnh có thể tác động qua các kênh thương mại và đầu tư khiến cho triển vọng tăng trưởng của Việt Nam ảm đạm hơn. Xử lý khả năng dễ tổn thương với các cú sốc -  về thiên tai, môi trường và khí hậu trong những năm gần đây -  vẫn là một thách thức trong cải thiện phúc lợi hộ gia đình, đặc biệt ở các vùng nông thôn.

Tin bài liên quan