Theo WB, tăng trưởng năng suất lao động tại Việt Nam có xu thế giảm từ cuối những năm 1990 và xuất hiện những hạn chế mang tính cơ cấu lao động. Tăng trưởng lực lượng lao động bình quân năm 2000-2015 là hơn 2,50%, dự báo giai đoạn 2015-2020 chỉ còn chưa đến 1%, giai đoạn 2020-2025 tăng trưởng lực lượng lao động còn được dự báo sẽ thấp hơn….
Lý giải nguyên nhân tăng trưởng năng suất giảm dần, WB cho rằng, do thiếu hiệu quả cả ở khu vực công và tư nhân. Các quyết định đầu tư công thiếu hiệu quả do các thể chể Nhà nước bị phân tán manh mún và quá trình ra quyết định thiếu sự phối hợp.
Doanh nghiệp Nhà nước vẫn là các đơn vị sản xuất thiếu hiệu quả, sử dụng nguồn lực khan hiếm không năng suất. Trong khi đó hiệu quả của khu vực ngoài quốc doanh đang giảm mạnh. Năng suất của khu vực tư nhân trong nước cũng không cao hơn khu vực công - tình trạng các thể chế của nhà nước bị thương mại hóa là yếu tố chính gây ra.
Tất nhiên vẫn có những yếu tố thuận lợi để Việt Nam hoàn thành mục tiêu 2035 như: các hiệp định thương mại song phương, khu vực và giữa các khối AEC, TPP, EU, FTA; có thể là RCEP và FTAAP...
Nhưng theo WB, cơ hội lớn nhất cho Việt Nam chính là tiếp tục hoàn thành chương trình hiện đại hóa kinh tế còn đang dang dở, dẫn đầu bởi khu vực kinh tế tư nhân và tập trung vào tăng năng suất lao động.
Trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hiệp Quốc về Phát triển bền vững nhấn mạnh vai trò của khu vực kinh tế tư nhân là nòng cốt trong việc nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Vấn đề này cũng đã được đề cập rất rõ trong “Báo cáo Việt Nam 2035” của Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa công bố gần đây là "Lấy Khu vực kinh tế tư nhân làm trung tâm".
Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Quang Vinh - Nguyên Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư nhìn nhận, hội nhập là động cơ để Việt Nam đổi mới cả về thể chế kinh tế lẫn chính trị. Đây là yếu tố tích cực để Việt Nam chơi trong sân chơi chung.
“Trong sân chơi này doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh và cũng có thể sẽ thua ngay trên sân nhà”, ông Vinh nói và cho biết, tính đến thời điểm hiện nay Việt Nam có 534 ngàn doanh nghiệp đang hoạt đông; trong số này có hơn 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mỗi năm Việt Nam có thêm 17 ngàn doanh nghiệp mới và cũng có 10 ngàn doanh nghiệp giải thế.
Trong sân chơi hội nhập, doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh và cũng có thể sẽ thua ngay trên sân nhà.
Ông Vinh cũng nhìn nhận, môi trường kinh doanh tại Việt Nam hiện nay còn có những khiếm khuyết và vẫn còn có một khoảng cách không nhỏ giữa các chỉ đạo Chính phủ đến các cấp thực hiện. “Tôi đã nghe rất nhiều doanh nghiệp lớn và nhỏ phàn nàn về vấn đề này. Những giấy phép con còn rất nhiều khiến doanh nghiệp bị thui chột khả năng sáng tạo kinh doanh và bị tăng thêm chi phí… Nhiều rào cản khiến doanh nghiệp tư nhân chân chính gặp khó khăn hơn”, ông Vinh nói.
Để quyết liệt giải quyết những khó khăn này, ngày 16/5/2015 Chính phủ đã chính thức ban hanh Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2010 với những quy định hỗ trợ từ khởi nghiệp, sáng tạo, môi trường đầu tư, đảm bảo quyền kinh doanh quyền tiếp cận nguồn lực của tất cả các doanh nghiệp, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp…
Theo ông Vinh đây là một nghị quyết khá toàn diện trong vấn đề phát triển doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.