WB hạ tăng trưởng kinh tế Việt Nam xuống 6,2% trong năm 2016

WB hạ tăng trưởng kinh tế Việt Nam xuống 6,2% trong năm 2016

(ĐTCK) Theo Báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á Thái Bình Dương vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố sáng nay, cầu trong nước và xuất khẩu sản phẩm chế tạo của Việt Nam sẽ tăng mạnh nhưng rủi ro vẫn tồn tại do còn bị sức ép tài khóa và thực hiện tái cơ cấu khá chậm...

Các diễn biến thời gian qua

Nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua được biến động toàn cầu một cách ngoạn mục nhờ cầu trong nước tăng và nền công nghiệp chế tạo hướng tới xuất khẩu đạt thành tích tốt.

Sau giai đoạn suy giảm năm 2012 và 2013, nền kinh tế đã tăng trưởng trở lại đạt mức 6% năm 2014 và tiếp tục tăng lên 6,7% năm 2015. Về phía cầu, lạm phát thấp và niềm tin người tiêu dùng củng cố trở lại đã dẫn đến tăng tiêu dùng cá nhân. Đồng thời, đầu tư cũng tăng nhờ tăng đầu tư nước ngoài trực tiếp và tăng trưởng tín dụng trong nước phục hồi trở lại. Chi Chính phủ cũng tăng mạnh, riêng chi thường xuyên đã tăng 11% trong năm 2015.

Tăng trưởng xuất khẩu đã giảm xuống mức 8% (mức tăng năm 2014 là 13,8%) do giá thực phẩm và giá nguyên vật liệu giảm, chỉ được bù trừ phần nào nhờ tăng xuất khẩu sản phẩm chế tạo. Trong khi đó, nhập khẩu lại tăng nhanh dẫn đến kim ngạch xuất khẩu ròng bị giảm nhẹ.

Về phía sản xuất, tăng trưởng GDP chủ yếu dựa trên các ngành công nghiệp chế tạo và xây dựng với mức tăng trưởng 11% năm 2015, đã đóng góp trên 1/2 tổng mức tăng trưởng GDP. Thị trường bất động sản phục hồi dần, tăng đầu tư công vào các dự án hạ tầng cùng các quy định thông thoáng hơn đối với đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản đã góp phần vào tăng trưởng trong ngành xây dựng.

Song song với đó, trong khi doanh số bán lẻ tăng mạnh nhờ tiêu dùng cá nhân tăng thì tăng trưởng ngành du lịch chậm lại, nên tổng mức tăng ngành dịch vụ đạt 6%. Sản xuất nông nghiệp năm 2015 bị suy giảm do giá nông sản toàn cầu suy giảm và điều kiện thời tiết không thuận lợi dưới tác động của El Nino

“Những lợi thế lớn có được và có thể tiếp tục kế thừa, phát huy đặc biệt là tính hấp dẫn như một điểm đến đầu tư FDI tôi muốn nhấn mạnh trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo”, ông Sudhir Shetty, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á Thái Bình Dương, WB nói.

Rủi ro và thách thức

Theo Báo cáo Cập nhật của WB, mặc dù viễn cảnh tích cực nhưng rủi ro tiêu cực vẫn tồn tại.

Tốc độ tái cơ cấu chậm gây rủi ro cho tăng trưởng trung hạn. Rủi ro tài khóa cũng là vấn đề cần quan tâm giải quyết. Cần thực hiện ổn định tài khóa, tăng cường linh hoạt tỷ giá và nâng dự trữ ngoại tệ để giảm nhẹ nhưng yếu tố dễ bị tổn thương này.

Ông Sudhir Shetty khuyến nghị. “Việt Nam làm sao phải kết nối được khu vực FDI đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo và DN trong nước tốt hơn để khu vực DN trong nước đạt năng suất cao hơn”.

Bên cạnh đó, hành động cần thiết đối với Việt Nam là cần tăng cường các nỗ lực cắt bỏ rào cản thương mại, trong đó tập trung đặc biệt vào các rào cản phi thuế quan và các rào cản quản lý nhà nước, kể cả rào cản đối với thương mại dịch vụ. Đồng thời, cần tiếp tục tập trung tự do hóa thương mại, đặc biệt là hội nhập ở mức sâu hơn các hiệp định thương mại trước đây nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế và khuyến khích tạo việc làm…

“Một diễn biến quan trọng gần đây là việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Malaysia và Việt Nam là hai trong số các thành viên. TPP sẽ giảm thuế nhiều hơn nữa, giải quyết các vấn đề phi thuế quan, tăng cường ổn định quản lý nhà nước và mở cửa thị trường thương mại dịch vụ. TPP có thể sẽ tiếp thêm động lực để hoàn tất một Hiệp định Thương mại khu vực rộng hơn và có thể bao hàm các điều khoản tham vọng hơn”, Báo cáo nhấn mạnh.

Ông Sudhir Shetty nhấn mạnh thêm: “Đây là thời gian đầy biến động trong nền kinh tế toàn cầu, do vậy các quốc gia cần thận trọng, không có nhiều dư địa để đưa nhiều chính sách kinh tế vĩ mô. Cần xây dựng lại vùng đậm tài khóa đề phòng các cú sốc trong thời gian tới. Bên cạnh đó là một chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt để có thể điều chỉnh trước các cú sốc; cải cách cơ cấu khả thi, cố gắng để triển vọng trong tương lai tăng tối đa”.

Tin bài liên quan