WB đề nghị Việt Nam cần một kế hoạch củng cố tài khóa đáng tin cậy trong trung hạn

WB đề nghị Việt Nam cần một kế hoạch củng cố tài khóa đáng tin cậy trong trung hạn

WB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2015 ở mức 6-6,2%

(ĐTCK) Nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) về triển vọng trung hạn của Việt Nam trong báo cáo mới nhất vẫn gồm hai vế: nền kinh tế nhìn chung là tích cực, nhưng tùy thuộc vào nhiều rủi ro. Đặc biệt, WB khá dè dặt khi dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2015 thể hiện qua con số ước tính 6-6,2%, thấp hơn kỳ vọng 6,5% của nhiều chuyên gia kinh tế.

Rõ ràng, tiến độ cải cách, đặc biệt là tiến độ tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và một phần trong lĩnh vực ngân hàng chưa tương xứng với kỳ vọng là một trong những nguyên nhân khiến WB chưa thể đưa ra những đánh giá lạc quan hơn về tiềm năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Hơn thế, WB còn cho rằng, những rủi ro cả về khách quan lẫn chủ quan mà kinh tế Việt Nam đang đối mặt là không nhỏ.

WB hoàn toàn có cơ sở khi đánh giá rằng, về khách quan, tăng trưởng kinh tế toàn cầu còn bất ổn sẽ tác động tới Việt Nam thông qua những mối liên kết thương mại lớn. Ngoài ra, giá gạo và các mặt hàng nông sản tiếp tục giảm có thể ảnh hưởng tiêu cực tới thu nhập và tiêu dùng tại các hộ gia đình ở nông thôn, qua đó có thể làm tăng khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn.    

Về chủ quan, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm lại trong năm 2015 đã khiến WB phải đặt câu hỏi về tính khả thi của mục tiêu hoàn thành cổ phần hóa 289 doanh nghiệp nhà nước trong năm nay. Đó là chưa kể những vấn đề liên quan tới tính minh bạch trong cổ phần hóa, trong hoạt động thoái vốn nhà nước tại những doanh nghiệp quy mô lớn vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Bên cạnh đó, mặc dù quá trình hợp nhất trong ngành ngân hàng được đẩy nhanh trong 6 tháng đầu năm 2015, song công tác xử lý nợ xấu chưa tiến triển đáng kể. Việc Công ty Quản lý tài sản (VAMC) thiếu quyền sở hữu hợp pháp những khoản nợ xấu này cùng sự thiếu vắng khung pháp lý đầy đủ cho phép phá sản, sở hữu tài sản và tịch thu tài sản bảo đảm, đồng thời bảo vệ VAMC trước các nghĩa vụ pháp lý đã cản trở nỗ lực giải quyết nợ xấu trên sổ sách của đơn vị này.

Trong số các quan ngại, cân đối ngân sách của Việt Nam tiếp tục được WB nhắc đến, theo đó nợ công tăng nhanh trong những năm gần đây và chi phí trả nợ có thể sẽ là gánh nặng ngày càng tăng cho ngân sách ...

Tất nhiên, vế tích cực mà Báo cáo của WB nhắc tới vẫn đang chi phối cơ bản bức tranh tổng thể về kinh tế Việt Nam. WB tái khẳng định, kinh tế Việt Nam tiếp tục hồi phục với mức tăng GDP ước đạt 6,28% trong nửa đầu của năm 2015 - là mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm cao nhất của Việt Nam trong vòng 5 năm qua.

Trợ lực cho tốc độ tăng trưởng này là cầu trong nước tiếp tục phục hồi, đầu tư, tiêu dùng cá nhân tiếp tục cải thiện. Trong bối cảnh lạm phát thấp, chính sách tiền tệ có dư địa để nới lỏng, hỗ trợ trực tiếp các hoạt động kinh tế, đồng thời điều chỉnh tỷ giá để đảm bảo tính cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt, thâm hụt ngân sách dự kiến được điểu chỉnh thông qua các nỗ lực cắt giảm chi tiêu để tránh gia tăng hơn nữa nợ công. Lượng kiều hối ổn định cũng sẽ giúp duy trì thặng dư tài khoản vãng lai mặc dù ở mức thấp hơn nhiều so với năm ngoái...

Trong bối cảnh đó, WB đề nghị một kế hoạch củng cố tài khóa đáng tin cậy trong trung hạn cùng những biện pháp nghiêm túc nhằm lành mạnh hoá tình hình tài chính của doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng. Đây được xem là yếu tố có vai trò quan trọng, giúp Việt Nam có thể giảm áp lực về nợ công, đồng thời gia tăng niềm tin của khu vực tư nhân. Đây còn là một trong những biện pháp mà Việt Nam có thể tham khảo để giữ vững và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Tin bài liên quan