Việc cần làm là giải quyết thách thức  về năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam

Việc cần làm là giải quyết thách thức về năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam

WB: Chính phủ cần giảm chỉ đạo và tăng kiến tạo

(ĐTCK) Theo WB, để hiện thực hóa khát vọng, Chính phủ cần đầu tư có lựa chọn vào một số hàng hóa và dịch vụ công, đồng thời khuyến khích nông dân và các DN tư nhân đầu tư và phát huy sáng kiến. Nói ngắn gọn, Chính phủ cần giảm chỉ đạo và tăng kiến tạo.

Một nghiên cứu của Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy thuộc Trường Đại học Harvard về vai trò của nông nghiệp trong phát triển cho biết, đây là ngành chiếm tỷ trọng lớn trong GDP ở các nước đang phát triển và tỷ trọng của nông nghiệp trong GDP giảm dần khi kinh tế phát triển. Thực tế ngành nông nghiệp Việt Nam đã và đang diễn biến đúng như vậy.

Báo cáo Phát triển Việt Nam 2016 - Chuyển đổi Nông nghiệp Việt Nam: “Tăng giá trị giảm đầu vào” vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 27/9 nhận định, việc đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất lúa gạo của hộ nông dân nhỏ trong thập kỷ 1990 và sau đó đã góp phần quan trọng giúp xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và ổn định xã hội. Nhiều nước đang tìm cách học tập kinh nghiệm Việt Nam về đảm bảo an ninh lương thực. Xuất khẩu nông nghiệp Việt Nam cũng bùng nổ, đưa Việt Nam vào nhóm 5 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới về các mặt hàng nông sản, từ tôm, cà phê tới hạt điều, gạo và hồ tiêu…

Tuy vậy, ông Steven Jaffee, chuyên gia kinh tế trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp WB cho biết, trong vòng 10 - 15 năm nữa, một loạt yếu tố về nhân khẩu học, kinh tế cùng với các yếu tố khác sẽ làm thay đổi môi trường cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam. Đô thị hóa sẽ tiếp tục diễn ra tại Việt Nam, đạt tỷ lệ khoảng 50% vào năm 2025 và tầng lớp trung lưu sẽ phát triển mạnh.

Tiêu dùng thực phẩm sẽ thay đổi theo hướng giảm tiêu thụ gạo, tăng tiêu thụ thịt, hoa quả, rau và thực phẩm chế biến sẵn. Biến đổi khí hậu sẽ làm cho thời tiết biến động bất thường hơn. Các hiệp định thương mại tự do sẽ làm cho nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu hơn trong khu vực và thế giới.

Trong bối cảnh đó, WB cho rằng, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ phải chuyển đổi cơ cấu theo các hướng: trong 2 thập kỷ tới, tỷ trọng nông nghiệp sơ cấp trong GDP dự kiến sẽ giảm với tốc độ khoảng 0,5% hàng năm. Sang thập kỷ 2030, nông nghiệp sơ cấp sẽ chiếm khoảng 8 - 9% GDP của Việt Nam. Tuy nhiên, WB kỳ vọng, ngành công nghiệp thực phẩm cùng với dịch vụ phân phối, kho vận và các dịch vụ khác liên quan đến thực phẩm sẽ chiếm tỷ trọng gấp đôi mức này, tức là khoảng 15% GDP. Hay nói cách khác, tổng sản phẩm khối ngành kinh doanh nông nghiệp sẽ vẫn chiếm khoảng 1/4 GDP.

Giai đoạn 2025 - 2030, WB đặt ra mục tiêu tham vọng, với tăng trưởng nông nghiệp sẽ chấm dứt thời kỳ 10 năm suy giảm và quay trở lại mức tăng 3,0 - 3,5% hàng năm như những năm đầu thập kỷ 2000. Nguyên nhân nhận định này là nhờ vào việc suy giảm chấm dứt và sự bắt đầu tăng trở lại của tăng trưởng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP).

Thực trạng và hình ảnh không thân thiện với môi trường của nông nghiệp Việt Nam sẽ thay đổi cơ bản. Việt Nam sẽ thuộc nhóm 10 - 20% các nước đang phát triển đứng đầu về tỷ trọng các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu có chứng chỉ hoặc được công nhận đạt các chuẩn quốc tế về môi trường và xã hội.

Trên 50% kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam sẽ là sản phẩm chế biến và các sản phẩm giá trị gia tăng, giúp tăng gấp 2 lần kim ngạch xuất khẩu so với hiện nay. Sẽ có trên 20 DN Việt Nam có thương hiệu và sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp được công nhận trên các thị trường lớn trên thế giới và khu vực.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng: “Sản lượng đầu ra ngành nông nghiệp cần được tính toán cả cái giá phải trả cho môi trường. Hiện tại, việc kinh doanh không còn đơn thuần là lựa chọn một lĩnh vực có sự tăng trưởng, bởi nó phải đối diện với những tác động từ khí hậu và đồng thời cũng tác động ngược lại tới môi trường. Những thay đổi chúng ta thực hiện sẽ giúp vượt qua các thách thức này, đảm bảo sự tăng trưởng trong tương lai của ngành nông nghiệp và đáp ứng được kỳ vọng của người dân Việt Nam”.

Bên cạnh những khuyến nghị về các bước đi để đạt mục tiêu trong nâng cao năng suất và phát triển bền vững ngành nông nghiệp, WB cũng đưa ra lời khuyên nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Theo đó, cần tăng cường các hành động tập thể nhằm xây dựng chuỗi giá trị cạnh tranh và bao trùm; tăng cường năng lực cả khu vực công và khu vực tư nhân nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm; xác định lại vị thế và xây dựng lại hình ảnh của nông nghiệp Việt Nam nhằm thúc đẩy thương mại trong ngành thực phẩm và các ngành nông nghiệp khác.

Ông Steven Jaffee nhấn mạnh: “Nhìn chung, trong thời gian tới, việc cần làm đầu tiên là phải giải quyết thách thức dài hạn về năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững nông nghiệp. Điều này đòi hỏi phải có sự can thiệp đa ngành của Chính phủ và phối hợp hành động của các bộ. Các biện pháp cải cách chính không thể chỉ được thực hiện riêng bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thứ hai, để hiện thực hóa khát vọng, Chính phủ cần đầu tư có lựa chọn vào một số hàng hóa và dịch vụ công, đồng thời khuyến khích nông dân và các DN tư nhân đầu tư và phát huy sáng kiến. Nói ngắn gọn, Chính phủ cần giảm chỉ đạo và tăng kiến tạo”.

Tin bài liên quan