Vững bước trên con đường đổi mới

Vững bước trên con đường đổi mới

(ĐTCK) Sáng 21/1/2016, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức khai mạc, trở thành một trong những sự kiện được quan tâm nhất đối với giới đầu tư. 

Bởi Đại hội sẽ mang lại những bước tiến lớn cho công cuộc đổi mới của Việt Nam và nền kinh tế nói riêng.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong diễn văn khai mạc Đại hội đã nhấn mạnh, Đại hội XII sẽ đi sâu kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, nhìn lại 30 năm đổi mới, rút ra những bài học; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong 5 năm tới.

Điều mà người dân và doanh nghiệp trông chờ là sau Đại hội, một bộ máy chính trị mới được thành lập với các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực lãnh đạo, bản lĩnh và trí tuệ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bên cạnh đó, đất nước sẽ có những quyết sách quan trọng liên quan đến sự phát triển kinh tế - xã hội, nền tảng quan trọng nhất của một thị trường vốn phát triển.

Một thông điệp quan trọng mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Mục tiêu này đã được xác định từ Đại hội VIII của Đảng và trên thực tế, 20 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu thực hiện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan nên nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu trên không đạt được. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trong 5 năm tới, phải phấn đấu quyết liệt hơn, phát triển kinh tế nhanh, bền vững để sớm đạt được mục tiêu này.”

Việt Nam sẽ đi trên những con đường nào để đến đích? Đó là tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức; hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Động lực quan trọng nhất và cũng là điều kiện để đổi mới mô hình tăng trưởng là đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo.

Việt Nam sẽ cơ cấu lại đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, từng bước cơ cấu lại ngân sách nhà nước; cơ cấu lại và giải quyết có kết quả vấn đề nợ xấu, bảo đảm an toàn nợ công; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.

Một nội dung  được các thành viên thị trường vốn quan tâm trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng  là nền kinh tế Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển.

Chủ đề chính của Đại hội lần thứ XII là “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới ở Việt Nam” được kỳ vọng sẽ đem đến những quyết sách mới để nền kinh tế tiến những bước dài, tận dụng tốt các cơ hội mà tiến trình hội nhập quốc tế đem lại, cũng như kế thừa và phát huy tính tích cực từ công cuộc Đổi mới lần đầu đem lại. Những chính sách và hành động nhằm cải cách thể chế mạnh mẽ, khuyến khích việc thành lập doanh nghiệp tư nhân, thu hút các dòng vốn nước ngoài… sẽ tiếp tục đem lại những thành quả tăng trưởng kinh tế tích cực trong tương lai.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một đại biểu dự Đại hội đã phân tích một nội dung rất quan trọng. Đó là khi Văn kiện của Đảng chính thức ghi nhận “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế” và “tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”. Đây sẽ là thông điệp vô cùng quan trọng thúc đẩy toàn dân làm kinh tế, thúc đẩy thể chế bảo vệ các hoạt động kinh doanh của người dân.

Tin bài liên quan