Buổi họp báo “Hội nghị xúc tiến đầu tư, an sinh xã hội vùng Tây Bắc và lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia Mộc Châu”

Buổi họp báo “Hội nghị xúc tiến đầu tư, an sinh xã hội vùng Tây Bắc và lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia Mộc Châu”

Với ngân hàng, Tây Bắc là “nàng công chúa” ngủ trong rừng

(ĐTCK) Mặc dù đã nhận được sự quan tâm của các bộ, ban, ngành và đặc biệt là hệ thống ngân hàng nhưng Tây Bắc có lẽ vẫn là “nàng công chúa ngủ trong rừng”…

Chia sẻ tại buổi họp báo “Hội nghị xúc tiến đầu tư, an sinh xã hội vùng Tây Bắc và lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia Mộc Châu”, do Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức chiều ngày 31/12/2014 tại Hà Nội, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho biết: Tính đến 31/12/2014, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn 12 tỉnh Tây Bắc ước đạt 110.959 tỷ đồng, tăng 19,49% so với cuối năm 2013, chiếm 2,45% tổng nguồn vốn huy động toàn nền kinh tế, đáp ứng 83,32% vốn cho nhu cầu đầu tư tín dụng tại vùng. Tổng dư nợ cho vay năm 2014 đạt 147.255 tỷ đồng, tăng 14,45% so với năm 2013, chiếm tỉ trọng 3,72% so với tổng dư nợ nền kinh tế.

Ngoài ra, chương trình cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/NQ-CP và Thông tư 06/2009/TT-NHNN tính đến 30/11/2014, doanh số cho vay (lũy kế từ đầu năm) của chương trình đạt 389.119 triệu đồng, dư nợ cho vay đạt 686.713 triệu đồng với 19.565 khách hàng còn dư nợ.

“Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn trong năm 2014, kết quả kinh doanh của các NHTM sụt giảm nhưng các NHTM vẫn dành 333 tỷ đồng để tài trợ ASXH cho khu vực Tây Bắc”, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Song song với đó, ông Trương Xuân Cừ, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Bắc chia sẻ, Tây Bắc là địa bàn có lợi thế về nhiều mặt, như nông lâm ngư nghiệp với hơn 8 triệu hecta rừng, 20 tỷ m3 nước, cây công nghiệp cao su cho sản lượng tốt; có nền văn hóa phong phú đậm đà bản sắc dân tộc, tuy nhiên hạ tầng và sản phẩm du lịch còn yếu kém…

“Nhưng tất các các thế mạnh trên đều đang ở dạng “thô”, để trở thành “sản phẩm” cần sự đầu tư và quan tâm của cả nước”, ông Trương Xuân Cừ nói.

Đánh giá về việc dù đã nhận được sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành, đồng thời với đó là khu vực đầy tiềm năng nhưng mức độ phát triển vẫn chưa tương xứng, ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho rằng: "Khó khăn về địa giới, các chính sách đầu tư vào du lịch còn ít, việc cải cách hành chính còn nhiều bất cập... Bên cạnh đó, công tác quảng bá về hình ảnh Mộc Châu Sơn La mặc dù đã được đẩy mạnh nhưng chưa được biết nhiều, còn có những bất cập... Đồng thời, kiến nghị ngành ngân hàng cần xem xét giảm lãi suất cho vay đối với các nhà đầu tư tại đây, cần có các chính sách ưu đãi, lãi suất thấp hơn các vùng khác..."

Ông Đào Minh Tú khẳng định: “Thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tín dụng và hoạt động ASXH vào vùng Tây Bắc để đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng chung theo kế hoạch toàn ngành với mục tiêu quan trọng nhất là giảm tỉ lệ đói nghèo... Duy trì tín dụng tối thiểu vùng đạt 15%, cao hơn mức chung của cả nước (13-15%), tập trung vốn cho các lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng…”

Tin bài liên quan