TS. Nguyễn Đức Khương

TS. Nguyễn Đức Khương

Việt Nam sẽ thịnh vượng và đủ sức bảo vệ bờ cõi của dân tộc

Năm 2014, TS. Nguyễn Đức Khương được Dự án Nghiên cứu kinh tế học RePEc bầu chọn vào vị trí thứ 12 trong danh sách 200 nhà kinh tế hàng đầu thế giới. Trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư, anh mong Việt Nam sẽ sớm thịnh vượng và đủ sức để bảo vệ chủ quyền bờ cõi của dân tộc.

Thưa anh, nếu về Việt Nam  sống và làm việc, thì anh cần những điều kiện gì để có thể đóng góp hết mình?

Tất cả các trí thức, người Việt đều luôn mong muốn có được những điều kiện thuận lợi để có thể phát huy hết khả năng, đóng góp tốt cho đất nước. Cái tôi thật sự muốn làm và giúp ích thiết thực cho Việt Nam là tham gia xây dựng một môi trường giáo dục - đào tạo nhân sự chất lượng, cùng môi trường đầu tư, phát triền kinh tế nhằm tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên  trường quốc tế. 

Những việc anh đang làm, cả về học thuật lẫn thực tiễn sẽ giúp ích gì cho đất nước?

Thời điểm mà tri thức đang làm nền tảng, động lực cho đổi mới công nghệ và phát triển kinh tế, thì các nghiên cứu khoa học có vai trò quan trọng cho các đề xuất chính sách điều phối. Ví dụ, các nghiên cứu về mở cửa thị trường, hội nhập tài chính từ những năm 80 của thế kỷ trước trở lại đây (cũng là chủ đề luận án tiến sỹ của tôi) chỉ ra rằng, mở cửa thị trường tài chính nội địa thông qua việc xóa bỏ các rào cản dịch chuyển vốn giữa các quốc gia, cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu trong nước, giúp cho các DN tiếp cận với thị trường vốn quốc tế, giảm chi phí vốn và nâng cao hiệu quả phân bổ vốn.

Tuy nhiên, mở cửa thị trường nội địa cùng hàm chứa nhiều rủi ro, nguy cơ, trong đó có thể kể đến giá chứng khoán biến động thường xuyên, thị trường dễ bị tác động xấu từ các cú sốc bên ngoài...

Trong thời kỳ toàn cầu hóa, việc mở cửa thị trường là không tránh khỏi, nhưng thời điểm, cách thức và các bước tự do hóa tài chính cần phải có những tính toán, cân nhắc kỹ càng. Thị trường tài chính Việt Nam vẫn thuộc loại thị trường non trẻ và đang đối mặt với  thách thức liên quan đến mở cửa và hội nhập quốc tế. 

Song Việt Nam đang có nhiều động thái tái cấu trúc thị trường tài chính, mua bán - sáp nhập (M&A) hệ thống ngân hàng, cổ phần hóa DN nhà nước. Anh có đánh giá gì về các động thái này?

Xu hướng M&A ngân hàng, DN là tự nhiên. Thị trường có các cơ chế đánh giá năng lực sản xuất - kinh doanh của các DN và các nhà đầu tư có nhiều hình thức để điều chỉnh danh mục đầu tư của họ, trên nguyên tắc vốn sẽ được di chuyển đến các dự án  đầu tư có hiệu quả nhất.

Các DN kém hiệu quả không thể tồn tại được lâu và chính là các đối tượng cho các thương vụ M&A. Quá trình tái cơ cấu, sáp nhập này sẽ tạo ra một số DN có quy mô lớn, lĩnh vực kinh doanh đa dạng, lợi ích kinh tế theo quy mô và có năng lực cạnh tranh cao hơn. 

Còn thị trường vốn Việt Nam sẽ có triển vọng phát triển ra sao?

Thị trường vốn ở nước ta có mức phát triển dưới các thị trường mới nổi, như Trung Quốc, Malaysia... một bậc. Thuật ngữ chuyên ngành gọi là “các thị trường tiền mới nổi” (frontier emerging markets). Nguồn vốn chủ yếu đến từ ngân hàng, vốn hóa của thị trường chứng khoán so với thu nhập quốc dân thấp, thị trường có tính thanh khoản thấp, ít minh bạch... Tuy nhiên, để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn theo hướng tích cực, thì phải tìm ra các giải pháp, chính sách làm tăng hiệu quả, sự ổn định, hấp dẫn của thị trường chứng khoán. 

Các nước mới nổi đang bộc lộ những hạn chế về mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào tín dụng, tỷ lệ nợ trên GDP cao… Nếu Việt Nam cũng bộc lộ những yếu tố này, thì cần giải quyết như thế nào, thưa anh?

Đây là đặc điểm chung của nhiều nền kinh tế trên thế giới trong hơn 1 thập kỷ qua, nhất là sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và khủng hoảng nợ công ở châu Âu nổ ra. Việt Nam có một lợi thế lớn là nằm trong khu vực kinh tế phát triển năng động, có lực lượng lao động trẻ, có khả năng hội nhập tốt.

Những chính sách kinh tế gần đây cho thấy, Chính phủ và Quốc hội đang có những bước đi chiến lược tạo nền móng cho một nền kinh tế tự chủ, bền vững. Các quan hệ đối tác chiến lược và các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đang mở ra nhiều cơ hội làm ăn cho các DN trong nước.

Trong điều kiện này, chính sách phù hợp để giải quyết hai thách thức chủ yếu là năng suất lao động và năng lực cạnh tranh để nền kinh tế tiếp tục đi lên và hạn chế được những tác động tiêu cực từ những bất ổn bên ngoài. Có cơ chế để tạo động lực cho mỗi người làm việc hăng say, hết mình. Đồng thời, việc sử dụng các nhân lực bậc cao, phát triển các lĩnh vực mũi nhọn, khác biệt.  

Anh có cảm thấy phần nào tủi thân khi gặp ánh mắt dè chừng của người nước ngoài chỉ vì họ chưa biết đến vị trí của Việt Nam?

Tủi thân thì không, tôi ít gặp các ánh mắt dè chừng hoặc coi thường. Tuy nhiên, cũng như nhiều người Việt ở nước ngoài, nhiều lúc tôi thấy trăn trở và tự ái dân tộc khi Việt Nam chưa được nhắc nhiều trong mảng giáo dục, nghiên cứu, công nghệ, tiềm lực kinh tế. Người Việt ở khắp nơi cần đoàn kết hơn nữa để nước ta có vị trí cao và thuyết phục hơn trên trường quốc tế. Là con dân đất Việt, chúng ta ai cũng quan tâm đến tương lai nước nhà. Lý tưởng nhất là nước ta sớm trở thành một quốc gia thịnh vượng, thái bình và đủ sức để bảo vệ chủ quyền bờ cõi của dân tộc.n

Tin bài liên quan