Công nghệ viễn thông phát triển như vũ bão là mảnh đất tốt cho dịch vụ tín dụng cá nhân

Công nghệ viễn thông phát triển như vũ bão là mảnh đất tốt cho dịch vụ tín dụng cá nhân

Việt Nam là câu chuyện về tăng trưởng của châu Á

(ĐTCK) Cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng và ngày một đa dạng hơn. Các nhà kinh tế thuộc Khối Nghiên cứu toàn cầu của HSBC gọi Việt Nam là câu chuyện về tăng trưởng của châu Á. 

Các ngân hàng nước ngoài đang dần thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế, từ việc góp phần củng cố tiềm lực ngân hàng nội địa đến tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài, vốn là nhân tố chính cho sự tăng trưởng kinh tế đột phá của Việt Nam.

Khi Việt Nam mở cửa…

Ngành ngân hàng Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. 16 năm trước, hệ thống ngân hàng Việt Nam còn mang tính đơn giản thì hiện nay, mạng lưới ngân hàng và tổ chức tài chính đã phát triển rất đa dạng, đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy kinh tế Việt Nam đi lên.

Người dân và DN hiện có rất nhiều sự lựa chọn khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết năm 2015, có 46 ngân hàng và 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, từ những ngân hàng quốc doanh lớn, ngân hàng thương mại cổ phần, đến ngân hàng nước ngoài. Tất cả đều góp phần phục vụ nhu cầu sử dụng ngân hàng đang tăng nhanh tại Việt Nam.

Việt Nam chính thức “mở cửa” cho các ngân hàng nước ngoài vào năm 1990, thông qua việc cho phép thành lập các ngân hàng liên doanh giữa Việt Nam và nước ngoài, cũng như cho phép ngân hàng nước ngoài mở chi nhánh tại đây. Bên cạnh đó, việc ngân hàng nước ngoài có thể mua cổ phần của các ngân hàng nội địa dưới hình thức đối tác chiến lược có ý nghĩa quan trọng, vì điều này cho phép các ngân hàng nội địa tiếp cận công nghệ, quy trình hoạt động trình độ cao, sản phẩm, kiến thức quản trị cùng những kinh nghiệm của các ngân hàng nước ngoài, giúp trình độ cả ngành ngân hàng dần được nâng cao.

Thị trường ngân hàng được mở cửa từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007. Điều này tạo điều kiện cho HSBC trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên thành lập ngân hàng con 100% vốn tại Việt Nam và đưa các chi nhánh cùng phòng giao dịch đi vào hoạt động. Các ngân hàng nước ngoài khác cũng nhanh chóng đi theo con đường này. Hiện có 6 ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Ông Winfield Wong, Quyền Giám đốc toàn quốc Khối ngân hàng DN, HSBC Việt Nam 

FDI tăng cao mang đến nhiều cơ hội cho ngân hàng ngoại

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng và ngày một đa dạng hơn. Các nhà kinh tế thuộc Khối Nghiên cứu toàn cầu của HSBC gọi Việt Nam là câu chuyện về tăng trưởng của châu Á. Nguồn vốn FDI gia tăng là yếu tố then chốt giúp Việt Nam đạt con số tăng trưởng ấn tượng, với số vốn FDI được giải ngân tăng từ 12,5 tỷ USD năm 2014 lên mức kỷ lục 14,5 tỷ USD vào năm 2015, góp phần đưa mức tăng trưởng GDP năm vừa qua lên mức trên 6% (theo báo cáo của HSBC tại Hội thảo Triển vọng thương mại và kinh tế, Triển vọng kinh tế Việt Nam từ năm 2016 về sau).

Các nhà kinh tế thuộc Khối Nghiên cứu toàn cầu của HSBC gọi Việt Nam là câu chuyện về tăng trưởng của châu Á.

Chính sách của Việt Nam trong thời gian qua đã khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn FDI vào Việt Nam cũng như góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế. Đây cũng là một phần của chiến lược phát triển toàn diện nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư tại đây. Các chính sách của Chính phủ đã giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam với các nước khác trong khu vực ASEAN.

Việc ký kết các hiệp định tự do thương mại (FTA) đã kết nối Việt Nam với hơn 55 quốc gia trên thế giới, mới nhất phải kể đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký vào tháng 2/2016, FTA EU - Việt Nam vào năm 2015, FTA với Hàn Quốc năm 2014… và trở thành thành viên Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào ngày 31/12/2015.

Những bước tiến này đã và đang mang lại nguồn vốn và cơ hội giao thương tự do cho Việt Nam mà trong đó, các ngân hàng nước ngoài sẽ góp phần là chiếc cầu nối giúp dòng vốn đầu tư chảy thuận lợi hơn. Mô hình ngân hàng toàn cầu của HSBC là một ví dụ. Với mạng lưới tại 71 quốc gia khắp thế giới, ngân hàng có thể hỗ trợ giao thương và đầu tư, cũng như đi theo dòng chảy vốn và của cải trên thế giới.

Một lợi ích khác mà FDI và FTA mang lại chính là khả năng củng cố năng lực của các DN trong nước. Để có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu với các đối thủ quốc tế, DN Việt Nam cần từ bỏ lối kinh doanh truyền thống của mình. Các DN này cần bước vào thị trường tài chính thế giới và tiếp cận với những giải pháp tài chính tinh tế hơn nhằm phục vụ cho nhu cầu tài chính ngày càng phức tạp.

Tôi vui mừng khi thấy các công ty Việt Nam đang rất chú trọng các gói giải pháp này và các ngân hàng nước ngoài như HSBC có điều kiện phù hợp để cung cấp cho họ những sản phẩm và dịch vụ, từ tài chính thương mại, bảo lãnh, tư vấn, bảo hiểm rủi ro, cấp vốn thông qua các tổ chức tín dụng xuất khẩu.

Trong thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều dự án mua bán và sáp nhập (M&A) tại thị trường Việt Nam. Tại Diễn đàn Mua bán và Sáp nhập Việt Nam 2015, do Báo Đầu tư tổ chức, các chuyên gia dự báo giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam trong giai đoạn 2014 - 2018 ước đạt 20 tỷ USD.

Cũng tại diễn đàn này, Giáo sư Christopher Kummer, Chủ tịch Viện Mua bán, Sáp nhập và Kết hợp (IMAA) cho biết, Việt Nam đang đứng thứ 20 trên toàn cầu về số lượng các thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp.

Các ngành công nghiệp chính thu hút hoạt động M&A gồm may mặc, hàng tiêu dùng, bất động sản, tài chính và ngân hàng. Các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan đều mong muốn mua lại các dự án và doanh nghiệp Việt Nam. Một lần nữa, các ngân hàng nước ngoài như HSBC luôn sẵn lòng cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính và thậm chí, chúng tôi còn có thể giới thiệu và liên kết những nhà đầu tư với các đối tác tiềm năng nhờ sự am hiểu cặn kẽ đối với thị trường.

Dịch vụ ngân hàng cá nhân mới được khai thác một phần

Tại Việt Nam, mảnh đất dịch vụ ngân hàng cá nhân màu mỡ vẫn còn để ngỏ. Theo NHNN, chỉ 20% người dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng. GDP bình quân đầu người của Việt Nam vào năm 2015 là 2.109 USD, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam. Con số này tuy khá khiêm tốn nhưng hoàn toàn có triển vọng tăng trưởng liên tục trong những năm kế tiếp.

Theo báo cáo của Tổ chức Thống kê số liệu Internet quốc tế, năm 2015, có 50,1% dân số Việt Nam sử dụng mạng internet, cao hơn hẳn mức trung bình của châu Á (40,2%), đưa Việt Nam xếp thứ 6 trong nhóm những nước sử dụng Internet nhiều nhất châu Á.

Báo cáo của Ericsson Mobility Report cho biết, tỷ lệ thuê bao di động sử dụng smartphone đã đạt đến 40% trong năm 2015 và được dự báo sẽ tăng mạnh lên khoảng 70% vào năm 2018. Việt Nam cũng là thị trường tăng trưởng smartphone nhanh nhất Đông Nam Á với sản lượng smartphone bán ra trong nửa đầu năm 2015 đạt 8 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái (theo GfK), giúp quốc gia này trở thành thị trường smartphone lớn thứ ba khu vực.

Theo Báo cáo ngành Ngân hàng Việt Nam 2015 do Công ty Quản lý quỹ Duxton thực hiện, tính đến tháng 12/2014, Việt Nam có 43 ngân hàng cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến và 32 ngân hàng hỗ trợ dịch vụ ngân hàng qua điện thoại, trong đó tổng số tài khoản ngân hàng qua điện thoại tạo mới chỉ bằng một nửa số tài khoản ngân hàng trực tuyến.

Với định hướng rõ ràng từ NHNN, ngành ngân hàng tại Việt Nam đang chứng kiến sự chuyển hướng từ thói quen thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán qua thẻ. Từ năm 2009 đến năm 2013, tỷ lệ giao dịch qua thẻ tăng gần 200% và số lượng thẻ giao dịch trên thị trường tăng từ 21,7 triệu lên 67,8 triệu thẻ. Giá trị giao dịch qua thẻ được ước tính sẽ tăng hơn 50% vào năm 2018.

Một trong những yếu tố chủ yếu giúp tỷ lệ thanh toán qua thẻ có tốc độ tăng trưởng cao là do sự gia tăng số lượng dân số sử dụng loại hình thương mại điện tử, bắt nguồn từ số người dùng internet không ngừng tăng cao. Do đó, các ngân hàng cần phải tiếp cận khách hàng thông qua internet và các kênh thanh toán trực tuyến. HSBC đã giới thiệu ứng dụng ngân hàng trên thiết bị di động tại Việt Nam và đã hợp tác với những website bán hàng trực tuyến như Lazada hay Tiki và cả phương thức di chuyển mới nhất như Uber. Đây là cách chúng tôi tận dụng các cơ hội.

Tăng trưởng tự thân hay tìm kiếm đối tác chiến lược

Mặc dù cam kết của AEC yêu cầu các quốc gia thành viên phải mở cửa tất cả các ngành dịch vụ với mức sở hữu nước ngoài lên đến 70%, nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng tối đa là 30%, đối với lĩnh vực bảo hiểm và chứng khoán là 49%.

Chúng tôi nhận thấy, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra những quy định và điều luật hướng đến thị trường, phù hợp với thực tiễn, quy luật kinh doanh quốc tế tốt nhất và góp phần khuyến khích các tổ chức tài chính nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, có lẽ giới hạn sở hữu nước ngoài chính là rào cản cuối cùng mà Chính phủ đặt ra để bảo hộ ngành ngân hàng.

Nếu mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không tăng lên thì các ngân hàng nước ngoài sẽ không có hứng thú mua lại ngân hàng địa phương. Các ngân hàng ngoại có thể sẽ chọn hướng phát triển tự thân và cạnh tranh bằng chính khả năng của mình.

Ông Winfield Wong, Quyền Giám đốc toàn quốc Khối ngân hàng DN, HSBC Việt Nam

Tin bài liên quan