Việt Nam không thể phát triển nếu chỉ ỷ lại vào doanh nghiệp nước ngoài

Việt Nam không thể phát triển nếu chỉ ỷ lại vào doanh nghiệp nước ngoài

(ĐTCK) Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2014 (VDPF 2014) với chủ đề “Cải cách thể chế kinh tế, tăng cường khả năng tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam” vừa diễn ra sáng nay 5/12 tại Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện các quốc gia, tổ chức là nhà tài trợ, đối tác của Việt Nam. 

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết trong hơn 20 năm qua Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ từ đối tác phát triển, đặc biệt là nguồn lực vốn ODA cho Việt Nam.

Sau diễn đàn VDPF 2013, đã có 22 chính sách với 88 hành động được đưa ra. Hiện Việt Nam đã hoàn thành 18 chính sách, đặc biệt về các vấn đề giảm nghèo, phát triển nông thông, đào tạo nghề và nâng cao kỹ năng.

Theo Bộ trưởng, Diễn đàn năm nay với chủ đề cải cách thể chế kinh tế thị trường và phát triển doanh nghiệp tư nhân, đây là hai vấn đề quan trọng để định hướng thể chế, hòa nhập kinh tế thế giới và vượt qua những thách thức của nước đối mặt với bẫy thu nhập trung bình.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá, đây là năm thứ ba Việt Nam đạt được ổn định kinh tế vĩ mô, giữ lạm phát ở một con số, xuất khẩu tăng mạnh; có dấu hiệu bắt đầu thời kỳ tăng trưởng mới. Đặc biệt, việc tăng bậc trong xếp hạng tín nhiệm quốc gia giúp Việt Nam phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, khi Việt Nam đạt nước thu nhập trung bình đúng thời điểm kinh tế thế giới gặp khủng hoảng, và Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt, doanh nghiệp ngày càng khó khăn, số doanh nghiệp đóng cửa ngày càng tăng.

“Không nước nào có thể phát triển nếu chỉ dựa và ỷ lại vào doanh nghiệp nước ngoài”, bà Victoria Kwakwa nói. Theo đó, yêu cầu bắt buộc các quốc gia phải cải cách để tăng trưởng và hội nhập.

Bà Victoria Kwakwa cho rằng, trong cải cách thể chế Việt Nam cần tập trung phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ trong thực hiện pháp luật và chính sách; tăng cường minh bạch và hướng đến thị trường hơn nữa trong thực thi các chính sách tiền tệ, hối đoái, trong đó có sự độc lập của Ngân hàng Nhà nước; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần tập trung hướng tới chất lượng thay vì chỉ chú trọng vào số lượng, chấm dứt ưu đãi vốn và đất đai, nên áp ngân sách cứng lên doanh nghiệp nhà nước; nếu không có quyết tâm giải quyết nợ xấu thì ngân hàng vẫn đang miễn cưỡng cho vay với doanh nghiệp tư nhân…

Đặc biệt, theo khuyến nghị của WB, cải cách phải giảm bớt tham nhũng và sử dụng không đúng mục đích của nguồn tài chính công. Để làn sóng cải cách thành công, các nhà lãnh đạo cần suy xét lại kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường, tăng quản lý kinh tế vĩ mô.

Đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, năm 2014, Việt Nam phải đối mặt và vượt qua nhiều khó khăn thách thức. Đặc biệt, tình hình phức tạp trên Biển Đông đe dọa hòa bình và tác động rất lớn tới phát triển ổn định của Việt Nam.

Tuy vậy, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khá toàn diện trên cả lĩnh vực phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, hội nhập quốc tế, cải thiện môi trường kinh doanh…

Năm 2015, Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẽ tập trung hoàn thiện nhà nước pháp quyền và thể chế kinh tế thị trường; đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân theo Hiến pháp; cải thiện thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh. Đồng thời, Chính phủ VN tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu đạt tăng trưởng GDP ở mức 6,2%, kiểm soát lạm phát mức 5%, giảm bội chi ngân sách từ 5,3% xuống 5%; đảm bảo nợ công trong giới hạn an toàn; tiếp tục tăng dự trữ ngoại tệ; giữ ổn định tiền đồng và tỷ giá hối đoái.

Bên cạnh đó, năm 2015, sẽ kết thúc đàm phán với EU, Hàn Quốc, liên minh hải quan Nga và sớm kết thúc hiệp định TPP. Việt Nam cũng sẽ tích cực tham gia hình thành cộng động ASEAN vào cuối năm 2015.

Trên cơ sở đó Việt Nam cam kết tạo mọi thuận lợi để khuyến khích thúc đẩy mạnh thương mại và thu hút FDI vào Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, tập trung tái cơ cấu đầu tư công; giảm mạnh tỷ lệ vốn nhà nước trong các doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, tái cơ cấu thị trường, theo hướng phát triển mạnh thị trường trong nước và đà dạng hóa thị trường ngoài nước, không để phụ thuộc lớn vào bất kể thị trường nào.

Chính phủ Việt Nam cũng tập trung các giải pháp đồng bộ để phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng.

Tại Diễn đàn, đại diện các quốc gia, tổ chức là nhà tài trợ, đối tác của Việt Nam đều đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam trong việc vượt qua những thách thức và tiếp tục giữ ổn định, khôi phục tăng trưởng kinh tế vĩ mô, đồng thời khẳng định các cam kết tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2015 và giai đoạn tới.

Các đại diện cũng đưa ra các khuyến nghị trọng tâm trong vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế và cải thiện hệ thống tài chính công, ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh công cuộc cải cách thể chế, tăng cường quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân và nâng cao vai trò và sự tham gia của các tổ chức xã hội.

Tin bài liên quan