Việt Nam không còn là “học sinh giỏi” của khối ASEAN

(ĐTCK) Nhìn lại tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, các chuyên gia kinh tế đều đưa ra những góc nhìn riêng. Ghi chép của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán tại buổi Tọa đàm Công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2017 do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thực hiện.

"Thực hiện tốt cổ phần hóa, chứng khoán còn tăng điểm hơn nữa"

Việt Nam không còn là “học sinh giỏi” của khối ASEAN ảnh 1

 Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

Để các doanh nghiệp phát triển tốt, thì phải cải cách chính sách, nhất là trong lĩnh vực kinh tế nhà nước.

Chính phủ đưa ra mục tiêu là giảm chi tiêu công, nhưng tôi chưa nhìn thấy giảm chi tiêu công ở đơn vị cụ thể nào, vẫn rất chung chung.

Do khó khăn về thu ngân sách, nhiều địa phương muốn tăng giá đất để tạo nguồn thu, dẫn đến sự biến động về giá bất động sản.

Thị trường chứng khoán có nhiều khởi sắc, nhưng nếu chúng ta thực hiện tốt cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thì chứng khoán còn tăng điểm hơn nữa, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sản xuất cũng sẽ phát triển tốt hơn.

"Bài toán dài hạn vẫn nằm ở câu chuyện cải cách"

Việt Nam không còn là “học sinh giỏi” của khối ASEAN ảnh 2

 Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Quý II/2017 có những tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế, tạo đà tăng trưởng mới để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm. Tuy nhiên, vẫn còn một số điều khó khăn mà tôi lo lắng.

Tăng trưởng quý II vẫn nhờ nhiều vào FDI và xuất khẩu. Nhập khẩu cũng tăng trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân còn khó khăn, các vấn đề đã đặt ra cách đây 20 năm và bây giờ vẫn… giống nhau, thậm chí bây giờ còn trầm trọng hơn.

Chẳng hạn như hoạt động thanh, kiểm tra vẫn làm phiền doanh nghiệp nhiều quá. Hiện nay, cùng một lĩnh vực mà có khi có đến 3 hay 4 đơn vị cùng quản lý. Chỉ khi nào mỗi đơn vị nắm một đầu việc thì doanh nghiệp mới đỡ khổ.

"Chúng ta đã tăng trưởng cận mức tiềm năng"

Việt Nam không còn là “học sinh giỏi” của khối ASEAN ảnh 3

 Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành

Trong thương mại, chúng ta quá quan tâm đến song phương nhưng như vậy là chưa đủ. Thương mại phải nhìn toàn cầu, Việt Nam thâm hụt rất lớn với Trung Quốc, nhưng lại thặng dư rất lớn với EU, Hoa Kỳ.

Vấn đề là tỷ lệ so sánh giữa xuất và nhập, thặng dư có cao lên không, giá trị gia tăng của Việt Nam có tăng được hay không. Trong thương mại, cần nhìn song phương bên cạnh toàn cầu, đằng sau là các vấn đề về dịch vụ, giá trị gia tăng.

Theo tôi, nếu tăng trưởng của Việt Nam còn dưới mức tiềm năng, thì chính sách kích cầu có vai trò cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, hiện chúng ta đã tăng trưởng cận mức tiềm năng, do đó, chính sách kích cầu chỉ là một yếu tố, chứ muốn phát triển triển thì phải cải cách nhiều.

Đóng góp của bất động sản và chứng khoán rất quan trọng, cần tạo sự phát triển của hai lĩnh vực này.

"Nên khuyến khích vay tiêu dùng"

Việt Nam không còn là “học sinh giỏi” của khối ASEAN ảnh 4

Chuyên gia tài chính, ngân hàng Cấn Văn Lực

Quý II/2017 có một số điểm sáng tích cực, đó là xuất, nhập khẩu đều tốt. Một điểm đáng lưu ý hỗ trợ cho xuất khẩu là tỷ giá. Trong khi đồng USD mất giá khoảng 6% (so với các loại ngoại tệ mạnh), thì đồng Việt Nam tăng khoảng 0,12%. Dù không nhiều, nhưng cũng đã mang lại những sự tích cực đáng kể.

Tuy nhiên, cũng còn những vấn đề vướng mắc, gây lo ngại. Đó là đầu tư công chưa hiệu quả, cán bộ, công chức các bộ, địa phương chậm cải tiến, môi trường kinh doanh chưa có nhiều chuyển biến tích cực.

Nghị quyết về xử lý nợ xấu có tác dụng tức thì, cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trong thời gian qua, đặc biệt, có những cổ phiếu tăng đến 50%.

6 tháng đầu năm, lo ngại về việc vốn tín dụng đổ vào chứng khoán đã không xảy ra do quy định về việc cho vay chứng khoán không quá 20% vốn điều lệ của ngân hàng.

Một vấn đề nữa, việc các ngân hàng ngoại thoái vốn khỏi Việt Nam cũng không đáng ngại. Thực ra, đến thời điểm hiện tại, ngân hàng và chứng khoán của Việt Nam vẫn đang hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là lĩnh vực bán lẻ (ngân hàng). Việc thoái vốn của một số ngân hàng ngoại chỉ là sự thay đổi chiến lược, tránh chồng chéo trong kinh doanh.

Mặt khác, bản thân các ngân hàng ngoại cũng đang thực thiện tái cơ cấu nên đây là điều dễ hiểu.

Theo tôi, chúng ta nên tập trung khuyến khích vay tiêu dùng. Hiện ở nước ta, tín dụng tiêu dùng hiện khoảng 640.000 tỷ đồng, tương đương 11,7% tổng dư nợ của nền kinh tế, trong khi ở các quốc gia khác, con số này cao hơn nhiều, Trung Quốc là: 19%, Mỹ là 51%.

"Để tăng trưởng cho 2017, phải trọng cầu"

Việt Nam không còn là “học sinh giỏi” của khối ASEAN ảnh 5

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh

Năm nay, thu ngân sách đảo chiều, năm ngoái chủ yếu nhờ thu nội địa, thu từ dầu thô kém, xuất nhập khẩu kém. Nửa đầu năm nay thu dầu thô đạt gần 55% dự toán, thu xuất nhập khẩu trên 50%, trong khi thu nội địa chỉ đạt trên 40%.

Chúng ta đang đặt ra các giải pháp tăng trưởng kinh tế dựa vào trọng cung, tăng khai thác, tăng sản xuất, tăng xuất khẩu. Theo tôi, để tăng trưởng cho 2017, chúng ta phải trọng cầu, còn trọng cung là dành cho kế hoạch trung, dài hạn với sự cơ cấu lại nền kinh tế. 

"Việt Nam không còn là “học sinh giỏi” của khối ASEAN"

Việt Nam không còn là “học sinh giỏi” của khối ASEAN ảnh 6

 TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

Việt Nam không còn là “học sinh giỏi” của khối ASEAN nữa, các quốc gia như Lào, Campuchia và Myanmar đã vươn lên dẫn đầu về tăng trưởng nhờ hội nhập sâu rộng và thu hút tốt vốn FDI.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, đầu tư nước ngoài vẫn tăng trưởng tốt chứ không như lo ngại trước đó do việc TPP bất thành. Tuy nhiên, để doanh nghiệp tư nhân phát triển phải cái cách hành chính một cách mạnh mẽ.

Hiện nay, có dấu hiệu của việc một số cơ quan, bộ ngành đang mượn cải cách hành chính để đưa ra những quy định, điều luật có lợi cho mình, đi ngược lại mục tiêu của việc cải cách.

Ngoài ra, cách chúng ta đối xử với Uber, Grab sẽ gây ra e ngại cho những người làm kinh doanh mới, nhất là những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ.

Tin bài liên quan