Tác động tích cực hay tiêu cực từ việc gia nhập WTO được quyết định bởi năng lực cạnh tranh của Việt Nam

Tác động tích cực hay tiêu cực từ việc gia nhập WTO được quyết định bởi năng lực cạnh tranh của Việt Nam

Việt Nam hậu WTO: Đâu là mặt trái của tấm huy chương?

(ĐTCK-online) Sau một năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), có lẽ còn quá sớm để nhận định một cách thấu đáo về ảnh hưởng của việc thực thi cam kết nhưng việc tham gia tổ chức này đã bắt đầu thể hiện rõ nét sự tác động hai chiều đến nền kinh tế Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo “Tác động từ việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới đến kinh tế và xã hội Việt Nam” do Bộ Công Thương phối hợp với Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn II (Mutrap II) tổ chức mới đây cho rằng, tác động lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2007 là sự chuyển biến của các quy định pháp luật và chính sách kinh tế theo hướng minh bạch hơn, ít phân biệt đối xử hơn giữa các thành phần kinh tế và hướng tới môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.

Kết quả là Việt Nam đã thăng tới 13 bậc trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của các nước trên thế giới do Ngân hàng Thế giới công bố… Xuất khẩu mặc dù không có bước tiến nhảy vọt nhưng tốc độ tăng trưởng cũng rất đáng khích lệ, phù hợp với dự báo của Chính phủ trước khi gia nhập (mức tăng đạt 21,5%, nếu chỉ tính những mặt hàng không phải dầu thô thì lên tới 25,5%).

Sau khi vào WTO, lạm phát và nhập siêu của Việt Nam đã tăng lên mức báo động, nhưng TS. Lê Đăng Doanh lại khẳng định, lạm phát không phải do WTO. Theo ông Doanh, dù Việt Nam không gia nhập WTO thì vẫn phải nhập khẩu xăng dầu, giá vẫn lên, giá gạo và các thứ khác cũng tăng lên. Tuy nhiên, tập trung phân tích các tác động của việc gia nhập WTO trên các phương diện khác nhau, các chuyên gia cho rằng, thời gian qua đã có những dấu hiệu cho thấy, tỷ trọng hàng tiêu dùng nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á và Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng cao. Ngoài ra, việc gia nhập WTO cũng gây tác động không nhỏ tới lạm phát, chính sách tiền tệ và tỷ giá. Đáng chú ý, khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam vẫn được duy trì chủ yếu do sự mất giá của đồng USD với các đồng tiền của các bạn hàng thương mại chính của Việt Nam, do việc gắn đồng nội tệ với USD. Nhưng nếu lạm phát vẫn tiếp tục ở mức cao, Việt Nam sẽ mất khả năng cạnh tranh về giá đối với các đối thủ chính trong khu vực, nhất là khi đồng USD phục hồi giá trị so với các ngoại tệ mạnh khác.

Ông Claudio Dordi, Trường đại học Bocconi (Ý), chuyên gia của Mutrap nhận định: “Những cải cách do yêu cầu của WTO góp phần làm nền kinh tế Việt Nam tự do hơn nhưng cũng tạo ra những tác động tiêu cực, tựa như mặt trái của tấm huy chương”. Đồng thời, rõ ràng là càng tự do hoá (mở cửa), nền kinh tế càng nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc bên ngoài (lạm pháp, nhập siêu) và cạnh tranh tăng lên.

TS. Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cũng băn khoăn, vì vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam đang thiếu sự cân bằng, có đến 80% trong số này được đổ vào lĩnh vực bất động sản. Ông Thành cũng lo ngại về hệ thống giám sát của ngân hàng đối với thị trường tài chính - tiền tệ đã tỏ ra lạc hậu so với thị trường.

Ngoài ra, các chuyên gia của Mutrap đã đưa ra cảnh báo về tốc độ tiêu dùng của Việt Nam đang tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2008, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đã lên tới 250 triệu USD. Cuối năm 2006 và năm 2007 Việt Nam xuất hiện một lớp người giàu lên nhanh chóng nhờ đầu tư chứng khoán, bất động sản… nhưng ý thức tiết kiệm thì lại giảm đi. Theo các chuyên gia Mutrap, trong 4 năm lại đây, tỷ lệ tiết kiệm trong nước/GDP chỉ là 30%.

Các chuyên gia từ dự án Mutrap II khuyến nghị, WTO chỉ cung cấp khuôn khổ pháp lý và thể chế. Tác động tích cực hay tiêu cực từ việc gia nhập WTO được quyết định bởi bối cảnh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các nước thành viên khác. Mặt khác, tác động của phần lớn cải cách kinh tế, thương mại chỉ có thể được đánh giá chính xác trong dài hạn, tức là sau khi quá trình điều chỉnh cơ cấu kinh tế hoàn thành. Tuy nhiên, nếu không đẩy nhanh cải cách về thể chế và pháp luật, thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì các khó khăn mới sẽ xuất hiện và tác động tiêu cực đến nền kinh tế - xã hội của Việt Nam là điều khó tránh khỏi.