Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan

Việt Nam góp phần thúc đẩy tiến trình tự do hóa, mở rộng thị trường APEC

Trong bề dày các hoạt động đóng góp vào công cuộc hội nhập cả về kinh tế và ngoại giao của đất nước mà nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan từng tham gia, thúc đẩy hay trực tiếp đàm phán như việc gia nhập ASEAN, WTO, hoàn tất BTA, thì sự kiện gia nhập Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) là một dấu ấn lớn.

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan trao đổi về tiến trình Việt Nam đàm phán gia nhập APEC, cũng như vai trò, vị trí, đóng góp của Việt Nam trong APEC gần 2 thập niên qua.

Thưa ông, quá trình đàm phán về việc Việt Nam gia nhập APEC được xem là khá thuận lợi, ông có thể khái quát lại bối cảnh Việt Nam gia nhập APEC tháng 11/1998?

Có thể nói, việc chúng ta gia nhập APEC không gặp trở ngại nào đáng kể. Có được điều đó là vì 4 nguyên nhân.

Một là, tới cuối những năm 90 thế kỷ trước, nước ta đã tiến hành công cuộc Đổi mới gần 15 năm, với nhiều thành tựu lớn. Nước ta đã thực hiện thành công quá trình chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế kinh tế thị trường.

Tốc độ tăng trưởng hàng năm thuộc loại cao hàng đầu thế giới, thậm chí trong thời kỳ khủng hoảng khu vực bùng phát năm 1997, kinh tế nước ta cũng không bị suy giảm đáng kể, giá trị xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài đều tăng cao, công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Hai là, nước ta đã mở rộng mạnh mẽ quan hệ quốc tế. Tới năm 1995, sau khi nước ta và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao, thì Việt Nam đã thiết lập được quan hệ hợp tác tốt đẹp về nhiều mặt với tất cả các nước và các trung tâm hàng đầu thế giới.

Ba là, nước ta đã thực hiện thành công những bước đi đầu tiên trên con đường hội nhập khu vực và quốc tế, với việc gia nhập ASEAN, năm 1998 hoàn thành tốt đẹp vai trò nước chủ nhà Hội nghị Cấp cao ASEAN, đã tham gia AFTA, là một trong những nước sáng lập Diễn đàn Á - Âu (ASEM), thúc đẩy quá trình đàm phán gia nhập WTO và lúc ấy hầu như đã hoàn tất cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ (BTA)...

Với những thành tựu đó, cả lực và thế của nước ta đã lớn mạnh hơn bao giờ hết.

Bốn là, châu Á - Thái Bình Dương nổi lên là một khu vực phát triển năng động hàng đầu thế giới mà APEC là tập hợp những nền kinh tế cũng lớn hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Canada, Australia, Mexico, Chile... Xu thế toàn cầu hóa, hợp tác đa phương đang nở rộ.

Tóm lại, bối cảnh nước ta gia nhập APEC là đúng thời điểm, hội tụ thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Chỉ có một dự định để việc gia nhập APEC hoàn hảo hơn là nước ta và Hoa Kỳ hầu như đã hoàn tất đàm phán về BTA và dự định chính thức ký tại Aukland, nơi diễn ra Hội nghị Cấp cao APEC với sự chứng kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống B.Clinton, song do có một số chi tiết ta muốn làm rõ thêm nên chưa ký được. Sau đó, hai bên đã hoàn tất vào tháng 7/2000.

Việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên của APEC có ý nghĩa như thế nào về kinh tế, về đối ngoại trong thời điểm đó và việc tiếp tục đàm phán, gia nhập các tổ chức, khung khổ hợp tác đa phương và song phương khác sau này, thưa ông?

Việc trở thành thành viên APEC có ý nghĩa lớn lao về nhiều mặt.

Về kinh tế, nước ta có thể tranh thủ được những điều kiện thuận lợi mới để mở rộng thị trường sang một khu vực trọng yếu của thế giới, tranh thủ được đầu tư của các nền kinh tế có trình độ phát triển cao, là sân tập quan trọng để gia nhập WTO.

Về chính trị, việc tham gia APEC càng củng cố và nâng cao vị thế quốc tế của nước ta.

APEC là Diễn đàn Hợp tác kinh tế, trong đó có những thành viên là những nền kinh tế lớn, phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…, cùng với cơ chế hoạt động của APEC, Việt Nam đã lựa chọn cách thức hợp tác như thế nào để phát huy được vai trò của mình trong APEC, cũng như phát huy được hiệu quả từ Diễn đàn cho sự phát triển của đất nước?

Nước ta chủ trương tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Việc tham gia APEC cũng được tiến hành theo hướng này, nghĩa là từng bước chúng ta phát huy tinh thần tích cực, chủ động, chứ không thụ động.

Theo tinh thần đó, chúng ta đã có thái độ tích cực, chủ động trong việc thúc đẩy việc thực hiện Mục tiêu Bogor (tức là tự do hóa thương mại thông qua lộ trình giảm hàng rào quan thuế), thuận lợi hóa kinh doanh, mở rộng thị trường, thúc đẩy hợp tác khoa học - công nghệ, khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển… Thái độ và cách thức đó giúp Việt Nam ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong APEC.

Tin bài liên quan