Ảnh Internet

Ảnh Internet

Việt Nam đang đối diện với 4 thách thức lớn

(ĐTCK) Việt Nam đang đối diện với 4 thách thức lớn, đặc biệt là nguy cơ nguồn lực suy giảm khi trở thành quốc gia thu nhập trung bình, đòi hỏi cần có các chương trình quốc gia nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững và đối phó với những thách thức này.

Đó là khuyến nghị được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo: “Từ mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) tới mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam và sự tham gia của các tổ chức nhân dân” do Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp với ActionAid Việt Nam tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội.

Theo ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Lao động Văn hóa xã hội (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), một trong những mục tiêu thiên niên kỷ đã được Việt Nam thực hiện khá thành công thời gian qua là hợp tác toàn cầu vì tăng trưởng và phát triển kinh tế. Cụ thể, giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam tính theo triệu USD trong giai đoạn 1990 - 2015 đã tăng mạnh với xuất khẩu tăng 62 lần, trong khi nhập khẩu tăng 53 lần.

Đặc biệt, với việc Việt Nam gia nhập WTO và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam thời gian qua đã gia tăng rất mạnh, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cũng tăng trưởng mạnh mẽ trong 2 thập kỷ qua với sự tài trợ của nhiều nhà tài trợ và đối tác toàn cầu trong hội nhập, trở thành một trong những nguồn vốn đầu tư quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam với tỷ lệ chiếm tới 11,4% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hôi. 

Cùng với đó, các mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo, phát triển xã hội, y tế và đảm bảo bền vững môi trường cũng đạt được nhiều thành quả đáng kể, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng quốc gia toàn diện.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Quang Anh, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao), trong bối cảnh nền kinh tế xã hội toàn cầu gần đây diễn biến phức tạp, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm và gặp nhiều khó khăn, Việt Nam đang ngày càng đối diện với nhiều thách thức lớn đặt ra trong việc hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ và phát triển bền vững.

Cụ thể, ông Quang Anh đã chỉ ra 4 thách thức lớn đang đặt ra đối với Việt Nam trong tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trọng tâm của quốc gia, đó là thách thức về nguồn lực suy giảm khi Việt Nam trở thành một quốc gia thu nhập trung bình, thách thức về giảm nghèo, chênh lêch mức sống và biến đổi khí hậu toàn cầu.

Để đối phó với những thách thức này, ông Quang Anh khuyến nghị cần lồng ghép, nội luật hóa các mục tiêu phát triển bền vững vào các chương trình quốc gia về phát triển bền vững. Đồng thời, cần đẩy mạnh sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ quốc tế và huy động tối đa nguồn lưc từ các hình thức đối tác. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và dân sự trong việc triển khai thực hiện các chương trình này.

Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện tổ chức ActionAid tại Việt Nam đánh giá cao sự phối hợp tích cực giữa các tổ chức dân sự, xã hội và cộng đồng doanh nghiệp cùng Chính phủ trong định hướng thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

“Nếu có các nguồn lực tài chính phù hợp từ các nhà tài trợ, cộng đồng doanh nghiệp và từ nguồn thuế của Chính phủ, với kinh nghiệm thực hiện thành công mục tiêu thiên niên kỷ, Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những quốc gia đầu tiên hoàn thành những mục tiêu quan trọng này”, bà Thảo nhấn manh.

Tin bài liên quan