Theo số liệu nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, thuế, phí của Việt Nam hiện nay chiếm tới 32%/GDP, trong khi khuyến cáo của tổ chức này chỉ nên từ 18-20%/GDP mới đảm bảo tăng trưởng kinh tế cân bằng và bền vững.
Trước thực tế này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, nếu tính toán giải quyết bài toán thâm hụt ngân sách theo hướng tăng thu để bù chi như đề xuất gần đây của Bộ Tài chính thông qua biện pháp tăng thuế thì sẽ gây khó khăn rất lớn cho người dân và doanh nghiệp, tác động không tốt tới hoạt động sản xuất - kinh doanh, từ đó ảnh hưởng tới chính hoạt động thu ngân sách nhà nước.
“Tăng thuế ở thời điểm này là không phù hợp với tinh thần của Chính phủ là kích thích tiêu dùng, đảm bảo tăng trưởng, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, giảm chi phí sản xuất - kinh doanh.... Do đó, cần hết sức thận trọng với việc tăng thuế. Nếu tăng thì phải có lộ trình cụ thể”, ông Long nhấn mạnh.
Cũng theo ông Long, với cách thức luận giải cho đề xuất sửa đổi 6 luật thuế theo hướng tăng một loạt thuế, dường như Bộ Tài chính chỉ nhắm tới mục tiêu huy động nguồn thu ngân sách, mà chưa tính đến chính sách thuế phải tạo động lực cho phát triển kinh tế, tạo điều kiện để phát triển doanh nghiệp...
“Để tạo sức thuyết phục, khi đưa ra đề xuất điều chỉnh tăng mức thuế của một sắc thuế cần có những giải trình, dẫn chứng chi tiết hơn về tác động của đề xuất đối với hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh, tích lũy và tiêu dùng của doanh nghiệp và dân cư. Cùng với đó là việc hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, có giải pháp quyết liệt nhằm kiểm soát và tiết kiệm chi, chống nợ đọng và thất thu thuế, chống tham nhũng, thất thoát và lãng phí trong đầu tư công, chứ không chỉ tập trung đề xuất tăng thu để giảm thâm hụt”, ông Long nói.
Đồng quan điểm, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cũng cho rằng, với các mức thuế, phí hiện nay, người dân, doanh nghiệp đang chịu gánh nặng thuế lớn, tỷ lệ thu ngân sách/GDP ở Việt Nam đang ở mức cao so với bình quân chung trên thế giới. Tuy bù đắp thâm hụt ngân sách là điều phải làm, nhưng việc tăng thuế phải xuất phát từ thu nhập của người dân và trình độ phát triển của xã hội.
“Thu nhập người dân đang thấp, trình độ xã hội chưa cao, nên việc hoạch định chính sách lúc này phải dựa trên tinh thần 'bớt tăng thu, mà tăng giảm chi'. Đừng vội đưa ra dự thảo thuế tài sản và trong 3-5 năm tới không nên tăng thuế suất VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng không nên quá ưu đãi”, TS. Hồ đề xuất.
Việc tăng thuế sẽ tập trung vào người giàu
Về phía Bộ Tài chính, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho biết, hiện nay chỉ 20% dân số là người giàu, nhưng lại chi tiêu nhiều và nắm giữ tới 80% giá trị của cải trong nền kinh tế, trong khi 80% người nghèo chi tiêu mua sắm ít và chỉ nắm giữ 20% của cải xã hội. Đây chính là mục tiêu tăng thuế VAT theo nguyên tắc "khi cần tăng thuế là nhắm vào người giàu” mà Bộ Tài chính đang hướng tới.
Một con số khác được ông Phụng đưa ra cũng rất đáng chú ý, đó là có tới 99 % ưu đãi thuế hiện nay đang dành cho các nhà giàu, doanh nghiệp lớn... Số thuế thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi tập trung chủ yếu ở khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi chính sách ưu đãi thuế rất phức tạp do phạm vi ưu đãi rộng. Do đó, nếu tính một cách công bằng thì hầu như doanh nghiệp nhỏ và vừa, người thu nhập thấp... lại không được hưởng ưu đãi thuế.
"Để cân bằng lại tình trạng này, việc đề xuất sửa đổi thuế thu nhập doanh nghiệp là cần thiết để thực hiện đúng nguyên tắc của ưu đãi thuế là khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc tăng thuế sẽ tập trung vào người giàu, người có thu nhập cao và doanh nghiệp lớn", ông Phụng nói.
Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý, ông Nguyễn Văn Phụng cho biết, Bộ Tài chính đang cân nhắc nhiều yếu tố trong đề xuất điều chỉnh thuế, cụ thể là sửa đổi quy định về đối tượng không chịu thuế để điều chỉnh lại phạm vi đánh thuế.
Theo đó, cân nhắc các mặt hàng là đầu vào của nông nghiệp, thủy sản để tránh việc “ưu đãi” trở thành “khó khăn hơn” trong thực tiễn vận hành. Đồng thời, xem xét nên hay không áp thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với dịch vụ tài chính, ngân hàng, có hay không áp thuế đối với chuyển quyền sử dụng đất để thuận lợi cho kinh doanh bất động sản, tránh việc lợi dụng để "né" thuế.
Đối với thuế suất GTGT, chiến lược cải cách thuế đến năm 2020 đặt mục tiêu cơ bản áp dụng một mức thuế suất phổ thông (ngoài thuế suất 0% đối với xuất khẩu). Cân nhắc thời điểm giữ mức thuế phổ thông 10%, ưu tiên mở rộng cơ sở thuế hơn là sửa thuế suất, cũng như lộ trình thu gọn mức thuế 5% hiện hành để tiệm cận tới mức thuế phổ thông. Song song với đó, cân nhắc hoàn thuế GTGT đối với sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên thiên nhiên, dầu thô, hàng tạm nhập tái xuất; hoàn thuế cho trường hợp thuế VAT đầu ra và đầu vào...