Cao tốc Nội Bài - Lào Cai là một trong những dự án cao tốc đang bị thiếu hụt dòng tiền. Ảnh: Đức Thanh

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai là một trong những dự án cao tốc đang bị thiếu hụt dòng tiền. Ảnh: Đức Thanh

VEC xin tự bù phần hụt 20.000 tỷ đồng ở các dự án cao tốc

Nhà nước sẽ không phải hỗ trợ thêm 30.887 tỷ đồng nếu doanh nghiệp đầu tàu phát triển đường cao tốc quốc gia được phép hòa chung dòng tiền các dự án trong giai đoạn vận hành, khai thác.

Dòng tiền các dự án tự bù đắp

Đó là một trong những nội dung trong phương án tài chính cập nhật 5 dự án đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư nhằm xử lý dòng tiền thiếu hụt tại các dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa được VEC đề xuất.

Cụ thể, VEC kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép Tổng công ty được chủ động sử dụng nguồn thu từ công trình có hiệu quả tài chính cao bù đắp cho công trình có hiệu quả tài chính thấp nhằm đảm bảo trạng thái cân bằng về dòng tiền trong suốt dòng đời các dự án.

Nếu phương án này được chấp thuận, VEC sẽ tự cân đối được 20.360 tỷ đồng từ dòng tiền ở 3 dự án khác cho phần hụt dòng tiền của các dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Nội Bài - Lào Cai.

Được biết, sau khi cập nhật lại số liệu tài chính, mức thiếu hụt dòng tiền tại các dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (2022 - 2038) và Nội Bài - Lào Cai (2025 - 2030) là 22.050 tỷ đồng, giảm 8.837 tỷ đồng so với tính toán được đưa ra trong năm 2014.

“Lưu lượng xe và doanh thu phí tại 3 tuyến đường đang khai thác là Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đều vượt xa dự tính trước đó, nên đã cải thiện đáng kể dòng tiền của Tổng công ty”, ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VEC cho biết.

Phần thiếu hụt còn lại sau khi tổng hợp dòng tiền 5 dự án là 1.690 tỷ đồng sẽ được thu xếp từ nguồn phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc vay ngân hàng.

Việc được phép “bù chéo” dòng tiền các dự án không chỉ giúp VEC hoạt động đúng bản chất một doanh nghiệp, mà còn gỡ gánh nặng cho Nhà nước khi không phải bù đắp hơn 1 tỷ USD cho dòng tiền bị thiếu tại 2 công trình trọng điểm quốc gia nói trên.

“Phương án bù dòng tiền mà VEC đề xuất là lối thoát tối ưu rất cần nhận được sự đồng thuận của các bộ, ngành để đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu đầu tàu phát triển đường cao tốc đang quản lý hơn 5 tỷ USD vốn đầu tư”, một chuyên gia nhận định.

Ưu tiên cổ phần hóa công ty mẹ

Hai điều kiện quan trọng nhất để VEC triển khai phương án này là chưa thành lập các công ty cổ phần dự án trong giai đoạn này và cho phép kéo dài thời gian khai thác 5 dự án do VEC làm chủ đầu tư.

Theo tính toán của VEC, thời gian hoàn vốn (cho nguồn vốn VEC huy động) đối với Dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình là 23 năm, Nội Bài - Lào Cai là 31 năm, Dự án TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là 19 năm, Bến Lức - Long Thành là 23 năm, Đà Nẵng - Quảng Ngãi là 22 năm - đây là khoảng thời gian mới đủ để VEC trả hết nợ vay cho hai nhà tài trợ chính là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu VEC sẽ được thay đổi khi trong giai đoạn trước mắt, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ tiến hành cổ phần hóa công ty mẹ VEC, chưa tiến hành cổ phần hóa các dự án cao tốc do VEC làm chủ đầu tư.

“Khi xây dựng phương án cổ phần hóa, VEC sẽ bán bớt phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoặc thoái vốn. Số tiền thu được sẽ hoàn trả cho ngân sách nhà nước”, ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Giao thông - Vận tải) khẳng định.

Trước đó, trong văn bản cho ý kiến về điều chỉnh tăng vốn điều lệ và tái cơ cấu mô hình tổ chức của VEC gửi Văn phòng Chính phủ vào tháng 6/2015, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu khẳng định: quy mô thiếu hụt dòng tiền như vậy là quá lớn, vượt quá khả năng hỗ trợ của Nhà nước.

Cần phải nói thêm rằng, khác với các tổng công ty nhà nước thuộc Bộ Giao thông - Vận tải, quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa VEC gắn liền với việc tái cơ cấu các dự án do đơn vị này được giao huy động vốn, đầu tư.

Theo Quyết định số 2072/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu nguồn vốn 5 dự án cao tốc do VEC làm chủ đầu tư, Nhà nước sẽ đầu tư trực tiếp vào 5 dự án với số tiền 71.602 tỷ đồng, trong đó, vốn vay ODA là 50.726 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước 20.876 tỷ đồng, số còn lại (53.970 tỷ đồng) do VEC huy động và vay thương mại. Trong quyết định này, Chính phủ cho phép nguồn vốn ODA và ngân sách nhà nước là đầu tư trực tiếp của Nhà nước vào 5 dự án, VEC chỉ huy động nguồn vốn và thu phí để hoàn phần vốn VEC huy động.

Hiện các bộ, ngành đã đạt được sự thống nhất cao liên quan đến quy mô vốn điều lệ của VEC dự kiến lên tới 22.161 tỷ đồng. Với quy mô vốn này, VEC kiến nghị cho phép ký hợp đồng khai thác đồng thời 5 dự án với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời gian 42,5 năm.

“VEC đang có vốn điều lệ là 1.018,7 tỷ đồng, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu khoảng 53 lần. Do vậy, việc tăng vốn điều lệ cho VEC là cần thiết để đảm bảo an toàn tài chính, tạo thuận lợi cho việc huy động vốn cho các dự án đường cao tốc khác trong tương lai”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông thống nhất.

Tin bài liên quan