Nhà Công tử Bạc Liêu, điểm tham quan hấp dẫn của tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Duy Khương

Nhà Công tử Bạc Liêu, điểm tham quan hấp dẫn của tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Duy Khương

Về Bạc Liêu với hai vùng mặn, ngọt

Với hai vùng “ngọt” “mặn” rõ ràng, lại có bờ biển đẹp, rừng ngập mặn xanh tươi, được thiên nhiên ưu đãi mưa thuận gió hòa, sự kết hợp hài hòa, phong phú về bản sắc văn hóa của ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer, Bạc Liêu đang nỗ lực để trở thành địa chỉ đỏ thu hút đầu tư vào du lịch.

Vượt khó để thu hút đầu tư

Trong 6 tháng đầu năm 2015, tình hình phát triển kinh tế đất nước vẫn còn có những khó khăn, thách thức nhất định. Thị trường tiêu thụ hàng hóa về nông sản, thực phẩm trong nước và xuất khẩu thiếu ổn định và luôn có những biến động khó lường… Điều này,  gây nên những tác động không nhỏ đến quá trình hoạt động thu hút đầu tư phát triển của tỉnh Bạc Liêu.

Tuy nhiên, nhờ có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu cùng với cơ chế, chính sách thu hút đầu tư ngày một thông thoáng hơn; sự quyết tâm nỗ lực của các sở, ngành, các địa phương trong phối hợp thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo đúng trình tự thủ tục về đầu tư theo quy định… Trong 6 tháng đầu năm 2015 tỉnh đã tiếp nhận 26 dự án đăng ký đầu tư trong và ngoài nước (10 dự án chuyển sang từ cuối năm 2014). Tổng vốn đăng ký đầu tư trên 2.200 tỷ đồng và 1.150 triệu USD (2 dự án đầu tư của Hàn Quốc).

Đáng chú ý, cùng với gia tăng lượng vốn đầu tư, thì việc triển khai các dự án đang khá thuận lợi nên hầu hết các dự án đều đáp ứng tiến độ đề ra như: Xây dựng giai đoạn 2 Dự án Điện gió Bạc Liêu (52 trụ turbin); hoàn thành và đưa vào hoạt động Chợ Bạc liêu A; Nhà máy Chế biến gạo xuất khẩu Vĩnh Lộc… Tỉnh đang triển khai xây dựng siêu thị Nguyễn Kim và một số dự án khác. Một số dự án đầu tư đã hoàn thành hiện đi vào hoạt động tốt.

Hoạt động xúc tiến thương mại kết hợp du lịch cũng được thường xuyên quan tâm. Đặc biệt, tổ chức thành công Hội chợ Khuyến mãi hàng tiêu dùng Xuân Bạc Liêu 2015, quy tụ trên 300 gian hàng của hơn 150 doanh nghiệp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP.HCM tham gia. Ngoài ra, còn tích cực tham gia và hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh tham gia hầu hết các kỳ hội chợ, triển lãm thuộc chương trình xúc tiến thương mại quốc gia được tổ chức tại các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL và TP.HCM. Qua đó, tạo điều kiện, cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp trong tỉnh tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, giao lưu tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhất là giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh của tỉnh nhằm hỗ trợ tích cực kênh thông tin thu hút đầu tư, trong đó, đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển du lịch.

Du lịch: Ngành kinh tế mũi nhọn

Ngành du lịch Bạc Liêu được xem là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, được chọn là bước đột phá trong quá trình phát triển kinh tế của tỉnh hiện nay. Về tổng thể, tuy có những nhân tố thiếu thuận lợi, do vị trí xa các trung tâm kinh tế lớn của khu vực và cả nước; hệ thống giao thông nội bộ cũng như các tuyến kết nối trong khu vực còn yếu và thiếu đồng bộ; điểm xuất phát của nền kinh tế thấp; tỷ lệ lao động qua đào tạo còn hạn chế; cơ sở hạ tầng phát triển chậm đã có những tác động nhất định đến quá trình thực hiện chính sách thu hút đầu tư phát triển của tỉnh Bạc liêu.

Tuy vậy, Bạc Liêu là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế, thời tiết thuận lợi, ít khi bị ảnh hưởng bởi bão lũ, hạn hán. Cơ cấu đất đai được quy hoạch theo từng lĩnh vực sản xuất cũng được hình thành một cách tự nhiên, khi Quốc lộ 1A đi qua địa phận tỉnh phân chia làm 2 vùng đặc thù kinh tế rõ rệt.

Đó là, vùng “mặn” nằm phía Nam, gắn liền với 56 km chiều dài bờ biển, rất thích hợp phát triển nghề nuôi trồng thủy sản và khai thác biển khơi. Theo đánh giá của các nhà kinh tế, Bạc Liêu là một trong những tỉnh có thế mạnh về kinh tế biển và công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đứng đầu cả nước. Vùng “ngọt” nằm ở phía Bắc, thích hợp phát triển nông nghiệp toàn diện, đặc biệt sản xuất lúa hàng hóa, trồng cây ăn quả và nuôi trồng các loài thủy sản nước ngọt. Đặc biệt, tuyến ven biển Bạc Liêu với dãy rừng ngập mặn xanh tươi là tiềm năng to lớn thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái và đầu tư phát triển điện gió.

Một điểm cộng nữa cho đầu tư phát triển ngành du lịch tỉnh Bạc liêu chính là nét đặc thù của vùng đất có sự kết hợp hài hòa, phong phú về bản sắc văn hóa của ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer cùng sinh sống, hòa quyện với nhau từ lâu đời. Là quê hương của bài “Dạ cổ hoài lang” và là một trong những chiếc nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Ngoài ra, trong những năm gần đây, du lịch tâm linh tại Bạc Liêu cũng phát triển khá mạnh.

Từ những kết quả đạt được trong thời gian qua cho thấy, tiềm năng phát triển kinh tế của tỉnh là rất lớn, tuy còn phải tiếp tục khắc phục những điểm yếu liên quan về điều kiện địa lý, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Bạc Liêu đã ý thức được tầm quan trọng về khai thác tiềm năng sẵn có cũng như khắc phục những mặt khó khăn, thách thức trong  lĩnh vực thu hút đầu tư. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2011 - 2015) cũng đã xác định, cần thiết có sự triển khai quyết liệt, đồng bộ những giải pháp thiết thực để tiếp tục nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư.

Theo đó, thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc lập lại các quy hoạch chuyên ngành, lĩnh vực theo hướng phát triển bền vững. Trước mắt, tập trung hoàn thành các thủ tục pháp lý bổ sung quy hoạch và chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện dự án xây dựng Khu kinh tế Gành Hào (bao gồm các dự án động lực tiêu biểu như: cảng biển Gành Hào (cảng nước sâu), khu công nghiệp tập trung, khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, kết cấu hạ tầng khu kinh tế, các trung tâm hoạt động dịch vụ có liên quan…). Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển du lịch, hệ thống hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi kết nối giao thương trong khu vực; tăng cường công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với đặc thù của địa phương và nhu cầu của các nhà đầu tư; hoàn thành xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp Láng Trâm và Ninh Qưới để tạo mặt bằng sạch mời gọi đầu tư .

Cũng cần nói thêm rằng, kết quả thu hút đầu tư vào tỉnh Bạc Liêu thời gian qua đã nói lên sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong lĩnh vực hoạt động xúc tiến của tỉnh, thể hiện tốt vai trò chủ động của Trung tâm Xúc tiến đầu tư - Thương mại và Du lịch Bạc Liêu trong thực thi nhiệm vụ là cơ quan đầu mối của tỉnh trong những nỗ lực tìm kiếm đối tác, kết nối với nhà đầu tư trong suốt quá trình từ xây dựng ý tưởng đến triển khai công tác chuẩn bị đầu tư và đưa dự án vào hoạt động. Công việc này cũng tạo nên mối quan hệ gắn bó với các nhà đầu tư đến với tỉnh Bạc Liêu, để thu hút đầu tư đạt hiệu quả cao nhất.

Từ những kết quả đạt được và những nhiệm vụ đã và đang được thực thi nhằm duy trì và đẩy mạnh hoạt động của công tác xúc tiến, trong thời gian tới tỉnh Bạc Liêu sẽ tạo ra sức hút đủ mạnh để các nhà đầu tư đến với vùng đất này với số lượng và quy mô các dự án ngày càng tăng, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư phát triển mà tỉnh Bạc Liêu có nhiều tiềm năng và lợi thế.

Tin bài liên quan