Tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF), các đối tác phát triển đã cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới

Tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF), các đối tác phát triển đã cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới

VDPF: Thách thức trong sử dụng hiệu quả nguồn lực

Dù Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) giờ đây tập trung hơn vào đối thoại chính sách, song sau mỗi kỳ họp thường niên, thách thức sử dụng hiệu quả nguồn lực, trong đó có nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lại được đặt ra.

Cần phải nhắc lại rằng, đây là câu chuyện không mới, nhưng lại được các đối tác phát triển nhắc tới tại hầu hết các kỳ họp VDPF, cũng như tại Hội nghị Các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG). Năm nay cũng vậy, nhất là khi để hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững, thì như khuyến nghị chính sách từ các đối tác phát triển, Việt Nam phải tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược là thể chế kinh tế, cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực.

Không nói tới thể chế kinh tế và chất lượng nguồn nhân lực, chỉ riêng việc thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng cơ sở hạ tầng đã đặt ra cho Việt Nam quá nhiều thách thức trong tìm kiếm và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính. 

Số liệu thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tổng vốn ODA giải ngân giai đoạn 2010 - 2015 ước đạt 27,165 tỷ USD, bằng 88,7% tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết trong thời kỳ này.

Thách thức càng lớn hơn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng 5 năm tới là rất lớn, trong khi ngân sách nhà nước có hạn, vốn ODA dần ít đi, nợ công lại gia tăng.

Và như một lẽ đương nhiên, Việt Nam cần tận dụng hiệu quả hơn nữa nguồn vốn ODA sẵn có. Bởi khi trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, cơ hội tiếp cận với nguồn hỗ trợ vay ưu đãi từ các ngân hàng phát triển đa phương chắc chắn sẽ ít đi. Trong khi đó, dù đã có nhiều nỗ lực để cải thiện, song rõ ràng, khả năng tận dụng tối đa nguồn lực ODA của Việt Nam là khá hạn chế.

Minh chứng rõ nét nhất là giải ngân vốn ODA hiện chưa như kỳ vọng. Số liệu thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tổng vốn ODA giải ngân giai đoạn 2010 - 2015 ước đạt 27,165 tỷ USD, bằng 88,7% tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết trong thời kỳ này. Một tỷ lệ rất cao so với trước đây, nhưng đến nay vẫn có một ngân khoản ODA không nhỏ chưa được giải ngân.

Một câu chuyện khác được đề cập cách đây chưa lâu. Đó là hàng loạt dự án sử dụng vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới (WB) có nguy cơ bị hủy vốn một khi Việt Nam “tốt nghiệp” nguồn vốn vay từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) ưu đãi vào cuối năm 2017. Khi đó, ngân khoản IDA nào chưa được sử dụng sẽ bị trả lại nhà tài trợ, chứ không được chuyển đổi cho dự án khác. Việt Nam đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ và tái cơ cấu lại các dự án này, thậm chí có kế hoạch hành động để cải thiện tình hình, nhưng thực tế này cho thấy, chúng ta chưa tận dụng hết hiệu quả nguồn lực ODA quý báu.

Thách thức với Việt Nam không chỉ là tận dụng hiệu quả hơn nguồn lực ODA, mà là làm sao huy động mọi nguồn lực từ trong và ngoài nước đầu tư cho cơ sở hạ tầng - nền tảng cơ bản cho tăng trưởng và phát triển của Việt Nam. Chính vì thế, như khuyến nghị của các đối tác phát triển, Việt Nam phải xây dựng một kế hoạch trung hạn thu hút nguồn lực tài chính (bao gồm cả ODA) cho phát triển cơ sở hạ tầng. Cùng với đó cần nâng cao vai trò của mô hình đối tác công - tư (PPP) cũng như thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn.

Mặc dù có những cam kết trong phát triển PPP, nhưng như quan điểm của các đối tác phát triển, Việt Nam vẫn thiếu một chương trình PPP đáng tin cậy. Thậm chí, khu vực tư nhân đã tỏ ra quan ngại về cách tiếp cận “dừng và tiếp tục” của cơ quan quản lý đối với các chính sách, chương trình PPP.

Việc áp dụng các luật lệ không rõ ràng trong giải quyết tranh chấp cũng khiến nhà đầu tư e dè hơn khi rót vốn vào Việt Nam. Bên cạnh đó, thị trường tài chính và thị trường vốn chậm phát triển đã và đang làm cho Việt Nam mất đi nguồn đầu tư cần thiết.

Một thông tin đáng mừng là tại VDPF 2015 diễn ra vào cuối tuần qua, các đối tác phát triển đã cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ tốt nhất cho các nỗ lực của Việt Nam nhằm giải quyết những vấn đề trên, đồng thời nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng. Như vậy, vấn đề đặt ra với Việt Nam hiện nay là làm thế nào huy động và sử dụng hiệu quả hơn mọi nguồn lực nhằm đột phá về phát triển cơ sở hạ tầng.

Tin bài liên quan