Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vào cuộc cắt mạnh chi phí cho doanh nghiệp

Dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình Hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn tất và dự kiến trình Chính phủ trong tháng 4/2018, đặc biệt, có một đầu mục dành riêng cho yêu cầu giảm phí không chính thức.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết dự thảo Nghị quyết đang được lấy ý kiến có thể coi là thông điệp tiếp theo của Chính phủ trong cam kết cắt giảm chi phí cho DN mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra trong 2 năm qua.

Theo đó, hàng loạt yêu cầu cắt giảm thủ tục liên quan đến đăng ký thành lập DN, thủ tục về lương, bảo hiểm xã hội, các thủ tục liên quan đến phí, lệ phí, tiền thuê đất được liệt kê chi tiết, với các quy định cần phải sửa đổi. Đặc biệt, có một đầu mục dành riêng cho yêu cầu giảm phí không chính thức.

“Đây là các phần việc phải làm ngay trong năm nay, để cùng với các kế hoạch cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong các nghị quyết khác, chi phí hoạt động của DN phải giảm được thực sự”, ông Nguyễn Đình Cung nói.

Nhiều khoản chi quá sức DN

“Điều đáng quan ngại tại Việt Nam là chính sách có thể hay, đường lối chỉ đạo rất phù hợp nhưng thực hiện lại chưa đồng đều, chưa sát thực tế khiến DN vẫn gặp nhiều khó khăn, chi phí vẫn cao”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế thuộc VCCI nhận định.

Điển hình như phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản đã giảm từ 700.000 đồng/lần xuống còn 630.000 đồng/lần. Tuy nhiên, theo tính toán của một DN chế biến cá ngừ thì trong 1 năm, DN này cần tới 1.200 lần xác nhận với chi phí thẩm định là 756 triệu đồng/năm, quá sức chịu đựng của DN.

Tương tự, theo phản ánh của DN, các chi phí kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm cũng như chi phí giám sát quá trình từ nuôi trồng, khai thác đến chế biến, xuất khẩu thủy sản vẫn còn cao và chồng chéo.

Cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá và DN phải mất phí, nhưng chứng nhận đó chỉ có giá trị trên mẫu. Nhưng do hàng mẫu ít và không phải là sản phẩm xuất khẩu nên khi đối tác nhập khẩu yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng thì hầu hết sản phẩm đều phải kiểm định lại. Chi phí của DN vì thế đội lên rất nhiều.

Trường hợp khác là gánh nặng trong chi phí kiểm nghiệm chất lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Theo quy định hiện hành, mỗi năm, một DN sản xuất mặt hàng này phải chi khoảng 300 triệu đồng cho việc kiểm nghiệm chất lượng nguyên liệu.

Ngay cả với những nguyên liệu đã được kiểm nghiệm, xác nhận từ Mỹ hay các nước G7, cơ quan quản lý cũng không chấp nhận. Do thời gian kiểm tra thực tế thường kéo dài từ 2 - 3 ngày, nên ngoài phí kiểm nghiệm, DN còn phải chịu khoản chi phí lưu kho, lưu bãi rất lớn.

Bên cạnh đó, DN Việt còn bị “ám ảnh” về những khoản chi phí không chính thức. Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 của VCCI còn cho thấy, còn đến 59% DN cho biết vẫn còn phải chi trả các chi phí không chính thức.

Theo CIEM, DN còn phải đóng rất nhiều loại phí khác như phí giao thông, phí kiểm tra chuyên ngành… Các loại thuế, phí này được xếp vào nhóm chi phí tuân thủ pháp luật và cần được cắt giảm. Như vậy, dư địa để cắt giảm chi phí kinh doanh cho DN vẫn còn khá rộng.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Phát triển DN (VCCI) cho biết ngoài các khoản thuế, trong thực tế, DN còn phải đóng góp hàng trăm loại phí khác, như các loại thuế, phí, lệ phí như phí giao thông, phí kiểm tra chuyên ngành, phí kiểm dịch, chi phí liên quan đến quyền sử dụng đất…

Trong kiến nghị góp ý cho dự thảo Nghị quyết, VCCI đã liệt các khoản chi phí trên vào nhóm chi phí tuân thủ pháp luật, bên cạnh các nhóm chi phí đầu vào sản xuất - kinh doanh và chi phí không chính thức nảy sinh trong quá trình hoạt động.

“Chúng tôi đã đề nghị mục tiêu trọng tâm của nghị quyết này là cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho DN, vì đây là nhóm liên quan đến thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, việc tập trung cắt giảm chi phí tuân thủ cũng sẽ có tác động đáng kể tới giảm chi phí không chính thức cũng như nhóm chi phí đầu vào trong sản xuất - kinh doanh của DN”, bà Hằng nêu ý kiến mà VCCI đã góp ý chính thức.

Cắt giảm chi phí không chính thức

Ông Đặng Quang Vinh, Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của CIEM cho biết trong dự thảo Nghị quyết, gánh nặng chi phí không chính thức mà giới kinh doanh đang phải chịu đã được nhìn thận một cách chính thức và nghiêm túc.

“Chúng tôi đã rà soát thực tế, thấy rằng, chi phí không chính thức có thể phát sinh ở mọi công đoạn kinh doanh và trong tất cả quá trình thực thi pháp luật, chính sách và thủ tục hành chính. Nhưng chi phí này rất khó xác định, khó tiên liệu và không thể định lượng”, ông Vinh nói với báo Đầu tư.

Loại chi phí này có thể tính bằng tiền, nhưng có thể dưới dạng tiêu tốn thời gian (do gây khó khăn), làm tăng chi phí cơ hội, tăng gánh nặng chi phí cho DN mà lẽ ra không đáng có, có thể dẫn đến mất cơ hội kinh doanh. Chi phí không chính thức cũng có thể khiến DN không sẵn sàng đầu tư, mở rộng quy mô...

“Phải thẳng thắn, chi phí không chính thức xuất phát từ sự thiếu minh bạch trong thực thi quy định của pháp luật. Nên, để giải quyết, cần cơ chế công khai, minh bạch trong các quy định pháp luật, trách nhiệm giải trình của các cơ quan chức năng và trách nhiệm hỗ trợ DN của các hiệp hội DN”, ông Vinh nói.

Chẳng hạn, DN hay phàn nàn về những phiền nhiễu, thậm chí có tình trạng “cưa đôi tiền phạt” trong các cuộc thanh tra DN. Việc này sẽ chấm dứt nếu có cơ chế công khai kết quả thanh tra, cơ quan thanh tra phải giải trình và chịu trách nhiệm với kết quả đó. Hiệp hội DN được tham gia với vai trò giám sát…

Chỉ cách này mới giải quyết dứt điểm lỗi của DN nếu có, tránh tác hại lớn tới xã hội do DN không tuân thủ đúng quy định. Hơn thế, cách này cũng chấm dứt tâm lý ăn xổi của DN, chọn trả chi phí không chính thức thay vì tuân thủ quy định nghiêm túc.

“Như vậy, vấn đề được đặt ra không phải là xử lý, mà là cơ chế để không có đất cho các loại chi phí này phát sinh. Các chế tài sẽ phải được quy định tới từng cá nhân liên quan. Đây là yêu cầu mà Dự thảo Nghị quyết sẽ đề cập. Khó có thể loại bỏ hoàn toàn, nhưng có nhiều giải pháp đem lại hiệu quả.

Cùng với các nghị quyết khác về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chúng tôi tin, cuộc chiến với chi phí không chính thức dù gay cấn, nhưng sẽ sớm có kết quả tích cực.”, ông Vinh nhận định.

Theo đó, giải pháp bao trùm vẫn là cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, vì mục đích cuối cùng là xóa bỏ bất hợp lý về thể chế, từ quy định pháp luật đến bộ máy thực thi.

Chỉ khi chi phí tuân thủ được xây dựng trên các quy định hợp lý, dễ tuân thủ; hoạt động quản lý nhà nước được công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình của các cơ quan thực thi thực sự nghiêm túc; kỷ cương thực thi được đảm bảo… thì mới không còn đất dung dưỡng các loại chi phí không chính thức.

Tại Nghị quyết số 117/NQ-CP năm 2017, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình hành động cắt giảm chi phí cho DN.

Trước đó, sau Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với DN tháng 5/2017, chủ đề của năm 2017 được chọn là “giảm chi phí cho DN”. Một số DN, hiệp hội DN kiến nghị năm 2018 tiếp tục đặt trọng tâm vào vấn đề giảm chi phí cho DN để tác động đối với cộng đồng DN sẽ rõ nét hơn và phát huy các kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã triển khai năm trong 2017.

“Chính phủ vẫn tiếp tục thực hiện mạnh mẽ chủ trương “giảm chi phí cho DN” trong năm 2018”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định. 

Trong dự thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính được giao các nhiệm vụ cụ thể, bên cạnh các phần việc chung giao cho các bộ, ngành, địa phương.

Tin bài liên quan