Kinh tế Việt Nam bắt đầu hồi phục (ảnh dân trí)

Kinh tế Việt Nam bắt đầu hồi phục (ảnh dân trí)

UBGS: Lạm phát 11 tháng thấp không phải do thiểu phát

(ĐTCK) Báo cáo tình hình kinh tế tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2015 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS) vừa đưa ra cái nhìn khá lạc quan về nền kinh tế. Riêng về lạm phát thấp, UBGS cho rằng đây không phải tình trạng thiểu phát mà do giá hàng hóa thế giới và chi phí sản xuất giảm:

Theo UBGS, hoạt động sản xuất phục hồi khá, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 11 tháng đầu năm 2015 tăng 9,7%, cao hơn nhiều so với mức 7,5% của cùng kỳ năm 2014; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1% (so với mức 8,6% của cùng kì 2014).

Bên cạnh đó, chỉ số PMI tháng tăng nhẹ lên mức 50,1, từ mức dưới 50 điểm trong tháng 9. Nhìn chung, PMI bình quân năm 2015 đạt gần 52 điểm, xấp xỉ mức bình quân năm 2014 (52,4 điểm). 

Lĩnh vực xuất khẩu tăng trưởng khá với kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2015 tăng 8,3% so với cùng kỳ 2014, cao hơn nhiều mức tăng xuất khẩu ước tính cho năm 2015 của thế giới (5,1%) cũng như của ASEAN-5 (8,0%) và Trung Quốc (6,8%).

Tuy nhiên, xuất khẩu tăng trưởng khá là nhờ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài khi xuất khẩu của khu vực trong nước 11 tháng đầu năm 2015 giảm 2,6% so với cùng kì 2014 (cùng kì 2014 tăng 10,6%).

Tính chung 11 tháng, tỷ lệ nhập siêu/tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ở mức 2,5%, tỷ lệ này có xu hướng giảm dần so với các tháng trước đó và thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra của Quốc hội là 5%.

Tình hình doanh nghiệp tiếp tục cải thiện, đặc biệt nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cụ thể, doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng năm 2015 tăng 28,1% về lượng và 37,7% về vốn (so với cùng kỳ 2014). Trong khi đó, số doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2014.

Doanh thu bình quân doanh nghiệp phi tài chính trong 9 tháng/2015 tăng 26,37% so với cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ năm 2014 ở mức âm 10,43%). Hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng được cải thiện đáng kể.

Xuất khẩu tăng trưởng khá là nhờ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài khi xuất khẩu của khu vực trong nước 11 tháng đầu năm 2015 giảm 2,6% so với cùng kì 2014

Trong 9 tháng 2015, ROA, ROE lần lượt đạt 4,61% và 10,76% tăng 0,79 và 1,33 điểm % so với cùng kỳ 2014. Trong đó, ROA, ROE của các doanh nghiệp SMEs tương ứng là 2,37% và 5,46% (cùng kỳ năm 2014 là -1% và -1,64%)

Lạm phát thấp do giá hàng hóa thế giới và chi phí sản xuất giảm. Mặc dù tháng 11 là tháng thứ 3 liên tiếp lạm phát (so cùng kì năm trước) ở mức xấp xỉ 0% (0,34%), nhưng lạm phát cơ bản vẫn ổn định ở khoảng 2-3%.

Trong bối cảnh tổng cầu (đầu tư và tiêu dùng) tăng trưởng tốt thì lạm phát thấp không phải tình trạng thiểu phát mà do giá hàng hóa thế giới và chi phí sản xuất giảm: 9 tháng năm 2015 chỉ số giá bán sản phẩm của hàng sản xuất hàng công nghiệp giảm 0,74% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong mảng đầu tư, tính đến giữa tháng 11/2015, tổng tín dụng đối với nền kinh tế tăng 13,98% so với cuối năm 2014, đạt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tại Q3/2015 đạt 31,9% GDP, mức cao nhất kể từ 2012, trong đó, đầu tư khu vực kinh tế tư nhân tăng khá, chiếm 37,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Đối với tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tính chung 11 tháng 2015 (đã loại trừ yếu tố giá) tăng 8,3% so với cùng kỳ, mức cao nhất so với cùng kỳ của 5 năm qua. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng – CCI tháng 10 do ANZ công bố tăng mạnh, ở mức 141,4 điểm, tăng 6,1 điểm so với tháng trước và tăng 6 điểm so với cùng kỳ năm trước.  

Dự báo của UBGS cho rằng, trong năm 2015 tổng thu ngân sách nhà nước vẫn đạt và vượt dự toán. Lũy kế đến 15/11 tổng thu NSNN đạt 807,04 nghìn tỷ đồng, bằng 88,6% dự toán, tăng 6,2% so cùng kỳ (cùng kỳ 2014 đạt 97,1% dự toán, tăng 15,5%).

Trong đó, thu nội địa, thu từ dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu so với dự toán lần lượt đạt 93,7%; 62,8% và 83,3%. Mặc dù thu từ dầu thô giảm nhưng được bù đắp bởi thu nội địa nên tổng thu ngân sách nhà nước năm 2015 ước đạt 927,5 nghìn tỷ đồng, vượt 1,8% so dự toán và tăng 7,4% so cùng kỳ 2014.

Báo cáo của UBGS đánh giá, khu vực ngân hàng ổn định thanh khoản, tăng trưởng tín dụng tốt, trích lập DPRR tăng. Tháng 11, khả năng thanh khoản của khu vực ngân hàng khá tốt, tỷ lệ LDR (cho vay/huy động) duy trì ở mức dưới 80%; với huy động và tín dụng ngoại tệ, LDR cũng ở mức trên 80%; những tỷ lệ này nằm trong giới hạn an toàn về thanh khoản.

Cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn chuyển dịch theo hướng giảm các khoản vay ngắn hạn. Mặc dù tăng trưởng tín dụng khá, hệ số NIM tăng nhẹ, nhưng do trích lập dự phòng rủi ro tăng khiến mức sinh lời của khối NHTM giảm.

Tin bài liên quan