Tự do kinh doanh - Cánh cổng to, con đường hẹp

Tự do kinh doanh - Cánh cổng to, con đường hẹp

(ĐTCK) Sau một năm thực thi, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những đổi mới của Luật Doanh nghiệp 2014. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quy định chưa đạt được hiệu quả như mong muốn khi đi vào thực hiện. Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc phỏng vấn luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO xung quanh giá trị quan trọng của Luật -  tinh thần tự do kinh doanh.

Nguyên tắc quan trọng trong Luật Doanh nghiệp 2014 là được tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Ông đánh giá thế nào về thực tế triển khai?

Luật Doanh nghiệp 2014 có một tư tưởng đổi mới rất cơ bản, đó là thay chọn – cho bằng chọn – bỏ, nghĩa là pháp luật cho phép những doanh nghiệp, cá nhân được kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, khi triển khai vào thực tế thì lại vấp phải sự khập khiễng của hệ thống pháp luật.

Có 6 lĩnh vực cấm, 268 ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư trong Luật Doanh nghiệp. Đáng nhẽ, mọi giới hạn, hạn chế trong kinh doanh chỉ được phép nằm ở đây. Ngoài các lĩnh vực cấm, hạn chế kinh doanh nêu trên, thì doanh nghiệp được quyền lựa chọn bất cứ ngành nghề nào để kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn tồn tại một văn bản dưới luật quy định chỉ vài chục nghìn ngành nghề đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp lựa chọn. Một khi còn vẫn còn cái dây buộc này, thì tự do kinh doanh vẫn bị trói. Như vậy, ngay tại cửa ngõ đầu tiên của môi trường kinh doanh, tự do kinh doanh của doanh nghiệp đã bị hạn chế.

Chính phủ đang hàng ngày nỗ lực để tư tưởng tự do kinh doanh hiện thực hóa như xem xét cắt giảm hàng loạt giấy phép con, hạn chế tình trạng hình sự hóa án kinh tế… Nhưng những nỗ lực thường vấp phải hàng loạt rào cản pháp lý như bỏ được giấy phép con này, lại có đạo luật mới thông qua một cơ chế điều kiện kinh doanh mới. Tội kinh doanh trái phép vừa được loại trừ thì Điều 292, Bộ luật Hình sự 2015 lại gây xôn xao giới khởi nghiệp về nguy cơ hình sự hóa kinh doanh trên mạng…

Luật sư Trần Minh Hải 

Nhưng, các cơ quan có trách nhiệm đã rất nỗ lực rà soát, từ đó loại bớt những điều kiện kinh doanh và gút lại danh sách các ngành nghề kinh doanh bị cấm và có điều kiện, thưa ông?

Hiện vẫn tồn tại một số điểm mờ trong quy định cấm kinh doanh chưa được giải quyết triệt để. Có những ngành nghề không nằm trong danh mục hàng hóa bị cấm và ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư, nhưng thực tế vẫn không được kinh doanh vì đang bị cấm ở một số văn bản luật và dưới luật khác dưới dạng cấm thực hiện hành vi.

Ví dụ, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định 8 hành vi bị cấm như sử dụng vốn huy động và tiền ứng trước không đúng mục đích theo cam kết. Khai thác khoáng sản không nằm trong danh mục cấm kinh doanh theo Luật Đầu tư nhưng Luật Khoáng sản năm 2010 lại đang cấm việc lợi dụng thăm dò để khai thác khoáng sản. Trong khi đó, kinh doanh thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng Luật Dược năm 2005 chỉ quy định cấm kinh doanh một số loại thuốc như “thuốc thuộc danh mục thuốc cấm nhập khẩu” hay “thuốc mẫu dùng để đăng ký hoặc giới thiệu cho thầy thuốc”.

Nếu doanh nghiệp thực hiện các hành vi bị cấm này, thì có thể bị khởi tố hình sự do Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định rất nhiều tội áp dụng cho pháp nhân liên quan đến việc thực hiện các hành vi bị cấm thực hiện trong quá trình kinh doanh.

Tôi cho rằng, chưa có sự đột phá trong việc loại bỏ và ban hành mới các quy định về ngành nghề kinh doanh bị cấm và có điều kiện. Bởi điều này vượt qua ngoài phạm vi nỗ lực của Chính phủ. Cần xử lý hàng loạt văn bản luật, mà thẩm quyền thuộc về Quốc hội.

Biểu hiện đầu tiên được nhắc tới về tự do kinh doanh chính là việc bỏ đăng ký ngành nghề kinh doanh. Đã có doanh nghiệp cho rằng, việc bỏ đăng ký ngành nghề kinh doanh đã làm khó cho họ. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ quy định không ghi ngành nghề trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhưng việc đăng ký ngành nghề kinh doanh vẫn là nghĩa vụ của doanh nghiệp. Theo luật định, doanh nghiệp vẫn phải đăng ký ngành nghề kinh doanh khi thành lập và thông báo cập nhật khi thay đổi ngành nghề kinh doanh. Thậm chí, thông tin ngành nghề kinh doanh vẫn phải cập nhật, đăng tải trên trang Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.

Việc bỏ thông tin ngành nghề trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như một hành động quyết tâm cải tiến về mặt thủ tục hành chính. Nhưng hiệu quả đối với cộng đồng doanh nghiệp thì lại là một bước tiến lùi vì nhiều bất tiện, phiền toái.

Trước đây, doanh nghiệp làm ăn với đối tác chỉ cần kiểm tra ngành nghề đăng ký kinh doanh dựa vào thông tin ghi nhận trên giấy chứng nhận. Bởi giấy chứng nhận thể hiện cả một quá trình cơ quan nhà nước đã thẩm định các điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp. Nay thì trên giấy chứng nhận không còn thông tin, khiến cho doanh nghiệp đối tác phải tự lần mò kiểm tra các thông tin về ngành nghề của doanh nghiệp trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia. Họ sẽ phải tự thẩm tra các điều kiện kinh doanh của đối tác có thuộc nhóm 268 ngành nghề hạn chế hay không.

Ví như ngân hàng, họ vẫn cần phải biết ngành nghề của doanh nghiệp để bảo đảm không cho vay vốn trái mục đích. Quy định mới khiến ngân hàng gặp khó khăn trong việc thẩm tra điều kiện kinh doanh từ khách hàng. Bản chất của sự thay đổi thủ tục này là sự chuyển dời trách nhiệm thẩm định điều kiện kinh doanh từ cơ quan đăng ký kinh doanh sang cho doanh nghiệp đối tác. Điều này mang lại nhiều bất tiện hơn là thuận tiện cho doanh nghiệp.

Xem xét pháp luật về doanh nghiệp trong mối liên hệ với pháp luật hình sự, ông đánh giá thế nào về giá trị tự do kinh doanh?

Sự phát triển và thịnh vượng của mỗi nền kinh tế luôn dựa trên nền tảng số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp. Trong khi đó, sự bền vững của doanh nghiệp lại dựa trên nền tảng của giá trị tự do kinh doanh. Một khi tự do kinh doanh bị đe dọa, doanh nghiệp khó mà phát triển bình thường và nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng xấu.

Thử nhìn môi trường kinh doanh của Việt Nam, đôi lúc tự do kinh doanh bị đặt vào ranh giới nguy hiểm giữa pháp luật hình sự và pháp luật về doanh nghiệp. Lằn ranh giữa hai hệ thống pháp luật này quá mờ nhạt. Doanh nghiệp đụng đâu sai đó, có thể vi phạm hình sự bất cứ lúc nào. Hãy hình dung về việc sa thải lao động, một bài toán hóc búa thiếu lời giải cho các doanh nhân. Cứ mười vụ tranh chấp lao động về sa thải, thì có đến chín vụ phần sai sẽ bị xác định dành cho doanh nghiệp. Vậy mà ở Việt Nam, theo Bộ luật Hình sự, người sử dụng lao động có thể dễ dàng đi tù nếu sa thải người lao động trái pháp luật.

Điều đáng nói là ranh giới cấu thành tội phạm này theo Bộ luật Hình sự khá dễ dàng. Hay chỉ cần đóng thiếu tiền bảo hiểm ở một mức khá đơn giản đã có thể bị đi tù về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động. Có những ngành nghề đã bị nâng thành tội phạm hình sự như kinh doanh vàng tài khoản trực tuyến,cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng máy tính viễn thông trái phép… Trong khi đó, nghịch lý là những việc kinh doanh này không nằm trong nhóm 6 ngành nghề pháp luật doanh nghiệp cấm. Điều này đương nhiên ảnh hưởng đến giá trị tự do kinh doanh. Giá trị này còn bị suy giảm nhiều trong quá trình doanh nghiệp có sự tiếp xúc với các cơ quan quản lý Nhà nước về thuế, tài chính, lĩnh vực khác. Ở đó, khi có quan điểm trái chiều phần lợi thế diễn giải thuộc về các cơ quan hành chính và bất lợi luôn nghiêng về doanh nghiệp.

Thực trạng của tự do kinh doanh hiện nay là hình tượng một cánh cổng tự do rất lớn, nhưng phía sau cánh cổng ấy lại một lối đi hẹp.

Tin bài liên quan