Trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tháng 7/2015, nhiều nhà đầu tư Mỹ bày tỏ sự quan tâm đến cơ hội hợp tác với các DN Việt

Trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tháng 7/2015, nhiều nhà đầu tư Mỹ bày tỏ sự quan tâm đến cơ hội hợp tác với các DN Việt

Từ cựu thù tới đối tác: Mối duyên lành với doanh nghiệp

(ĐTCK) Tháng 5 tới, dự kiến Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có chuyến thăm Việt Nam. Trước đó, vị tổng thống tiền nhiệm là George W. Bush đã có chuyến thăm Việt Nam và Sở GDCK TP. HCM vào năm 2006. Thực tế cho thấy, hai nước từ cựu thù đang ngày càng trở thành đối tác tốt.

Bước ngoặt mới

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, Tổng thống Barack Obama rất trông đợi chuyến thăm Việt Nam sắp tới, mong muốn đẩy mạnh hợp tác nhằm làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước trên các vấn đề chiến lược, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ…

Phát biểu ngày 21/4 vừa qua tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh: “Chúng ta trông đợi vào một tương lai tốt đẹp của hai nước trong 20 năm tới, khi mà mối quan hệ đối tác sẽ mang lại những lợi ích và giá trị tốt đẹp cho cả hai bên”. Vào thời điểm đó, không chỉ có 19.000 sinh viên, mà là 90.000 sinh viên Việt Nam sẽ học tập tại Mỹ, thậm chí con số này có thể lớn hơn. Nền kinh tế của hai nước đan xen nhiều hơn và các thành phố của hai bên sẽ kết nối trực tiếp với nhau.

Năm 2015, kim ngạch thương mại Việt - Mỹ đạt gần 40 tỷ USD, gấp vài chục lần so với 20 năm trước, thời điểm hai bên nối lại quan hệ. Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP, con số này sẽ tăng nhanh chóng, bởi giờ đây mối quan hệ Việt - Mỹ trở nên tốt đẹp và người dân Việt Nam coi Hoa Kỳ như một người bạn lớn. Hơn thế nữa, quan hệ hai nước đã bước sang trang mới: đối tác chiến lược.

Với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, trong 5 năm trở lại đây, Mỹ đã trở thành thị trường trọng điểm, với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao    

Còn nhớ, trong cuộc đối thoại giữa Tổng thống W. Bush với 5 doanh nhân hàng đầu Việt Nam nhân chuyến thăm TP. HCM ngày 20/11/2006, ông Tâm đã hỏi Tổng thống W. Bush: “Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã trở lại bình thường và sẽ trở thành đối tác. Với vai trò Tổng thống nước Mỹ, ông sẽ làm gì để quan hệ kinh tế xứng tầm với quan hệ chính trị mới tốt đẹp này?”.

Cho đến nay, quan hệ đối tác Việt - Mỹ đang ngày càng khăng khít hơn, trong đó động thái mới nhất chính là việc Việt Nam và Mỹ đầu năm 2016 đã cùng ký kết tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Động thái này được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa cho doanh nghiệp hai nước. 

Thị trường rộng mở

Với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, trong 5 năm trở lại đây, Mỹ đã trở thành thị trường trọng điểm, với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao. Câu chuyện của CTCP Vicostone là một ví dụ. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp này vào thị trường Mỹ là 13,58 triệu USD, tới năm 2015 đã tăng lên 63,02 triệu USD. Trong chiến lược phát triển của Vicostone, thị trường Mỹ đóng vai trò quan trọng hàng đầu.

Điều này được thể hiện qua việc Công ty đã thiết lập những cơ sở kho hàng và văn phòng bán hàng tại miền Nam, bờ Tây, bờ Đông nước Mỹ; riêng trong năm 2015 đã mở thêm 3 cơ sở kho hàng và văn phòng giao dịch tại Chicargo, Atlanta, Houston. Với chiến lược đầu tư trọng điểm đó, Mỹ hiện là thị trường lớn nhất, chiếm hơn 50% thị phần doanh thu và là thị trường có tốc độ tăng trưởng lớn nhất của Vicostone.

Với CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, từ lâu Mỹ đã trở thành thị trường chiến lược, năm 2015, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này đạt 214,4 triệu USD, tăng so với năm 2014 và chiếm 40,89% tổng kim ngạch xuất khẩu của Tập đoàn. Minh Phú đã thành lập Công ty Mseafood Mỹ, với vốn điều lệ 22,2 triệu USD tại California, chuyên nhập khẩu, phân phối thủy sản. Tương tự, Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn lớn nhất Việt Nam hiện nay, có kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt gần 100 triệu USD trong năm 2015, chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp này.

Đối với Tập đoàn Hoàng Huy, mối quan hệ với Tập đoàn Navistar (Mỹ), hiện là nhà sản xuất xe tải, xe đầu kéo hàng đầu thế giới với nhãn hiện International đã tạo ra động lực tăng trưởng mới cho Hoàng Huy. Ngoài phân phối xe Mỹ, Tập đoàn Hoàng Huy phát triển việc cung cấp dịch vụ sửa chữa và phân phối linh kiện xe tới toàn bộ khách hàng Việt Nam.

Có thêm đối tác này, Tập đoàn Hoàng Huy đã lên kế hoạch phân phối 2.000 xe/năm trong năm 2016, tương đương 2.100 - 2.200 tỷ đồng doanh thu cho phân khúc này. Theo đại diện Hoàng Huy, sản phẩm xe đầu kéo Mỹ có đóng góp lớn trong việc hoàn thành tốt kế hoạch kinh doanh quý I/2016 của Tập đoàn.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Mỹ cũng trở thành thị trường tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam. Số liệu của FPT cho thấy, Mỹ hiện là thị trường có tốc độ tăng trưởng lớn nhất trong các thị trường nước ngoài của Tập đoàn. Trong năm 2015, doanh thu của FPT từ thị trường Mỹ đạt 1.121 tỷ đồng (tương đương khoảng 49,5 triệu USD), tăng 37% so với năm 2014 và tập đoàn này đặt mục tiêu đạt mốc 100 triệu USD sau 5 năm tới.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho biết, mỗi đối tác nước ngoài có đặc điểm văn hóa riêng và nắm bắt được yếu tố này sẽ góp phần không nhỏ trong việc đem lại thành công cho các mối quan hệ hợp tác. Riêng với đối tác Mỹ, kết quả cuối cùng và đúng tiến độ luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Tại ĐHCĐ thường niên 2016 của nhiều doanh nghiệp niêm yết như FPT, Vicostone, Minh Phú, Vĩnh Hoàn…, mở rộng kinh doanh là mục tiêu được đề cập hàng đầu, trong đó tăng cường vị thế tại các thị trường truyền thống, có tiềm năng tăng trưởng như Mỹ đóng vai trò quan trọng.

Còn những doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng, phát triển khu công nghiệp như KBC thì tập trung nguồn lực để chuẩn bị sẵn các sản phẩm đón đầu cơ hội thu hút các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam trong năm 2016, trong đó các nhà đầu tư Mỹ là nhóm khách hàng quan trọng.

Cam kết cắt giảm thuế của Hoa Kỳ với Việt Nam trong TPP:

-Các mặt hàng công nghiệp (trừ dệt may): 85,6% tổng số dòng thuế công nghiệp được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực (74,2% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tương đương với 6 tỷ USD). Vào năm thứ 10, Hoa Kỳ sẽ xóa bỏ xấp xỉ 100% số dòng thuế công nghiệp.

-Thủy sản: xóa bỏ ngay hoặc vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (riêng cá ngừ chế biến, xóa bỏ thuế vào năm thứ 10).

-Giầy dép: 85% số dòng thuế giầy dép được xóa bỏ ngay (tương đương 39,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 1,15 tỷ USD), đồng thời 3,2% số dòng thuế kim ngạch lớn (58% kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD) Hoa Kỳ cam kết giảm ngay từ 40 - 55% mức hiện hành và xóa bỏ hoàn toàn thuế suất vào năm thứ 2.

-Đồ gỗ, cao su, dây cáp điện: xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu, trừ lốp ô tô (xóa bỏ thuế vào năm thứ 10) và 2 dòng thuế dây cáp điện (xóa bỏ thuế vào năm thứ 5).

-Sản phẩm nhựa: 50% số dòng thuế được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực, còn lại xóa bỏ sau, tối đa vào năm thứ 5.

-Điện, điện tử: khoảng 80% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay, một số mặt hàng còn lại được xóa bỏ vào năm thứ 3 đến năm thứ 5 và chỉ một số ít sản phẩm được xóa bỏ vào năm thứ 10.

-Dệt may: 73,1% số dòng thuế (1.182 dòng) được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, chiếm 46,1% kim ngạch (tương đương 3,5 tỷ USD). Thêm 7% số dòng thuế dệt may sẽ được xóa bỏ thuế vào năm thứ 5. Ngay tại thời điểm bắt đầu thực hiện Hiệp định, 19,7% số dòng thuế có kim ngạch lớn, chiếm tổng số 51,3% xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ được giảm thuế suất 35 - 40% so với mức hiện hành và được xóa bỏ hoàn toàn vào năm thứ 12.

Tin bài liên quan