Cần có sự gắn kết 2 khu vực kinh tế trong và ngoài nước để tạo sức mạnh tổng thể

Cần có sự gắn kết 2 khu vực kinh tế trong và ngoài nước để tạo sức mạnh tổng thể

TS. Trần Đình Thiên: "Hạn mặn và khô hạn sẽ tác động ghê gớm và lâu dài..."

(ĐTCK) “Hệ thống ngân hàng Việt Nam thời gian qua đã được cải cách khá vững chắc. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải nhìn nhận một thực tế rằng, bản thân ngân hàng không thể nhanh chóng tự giải quyết được các vấn đề còn tồn tại”, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết. 

Ông dự báo thế nào về kinh tế vĩ mô Việt Nam 2016?

Thứ nhất, đà phục hồi tăng trưởng kinh tế nói chung khá tốt, vững chắc dần lên trong vài năm qua; ổn định vĩ mô, biểu hiện qua chỉ số lạm phát, cũng tốt lên nhiều. Nhưng tôi xin nhấn mạnh: nhìn chung là vậy, nhưng đi vào cụ thể vẫn còn nhiều tồn tại.

Chẳng hạn, cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do gắn với hội nhập là tích cực, giúp Việt Nam thu hút đầu tư và bảo đảm tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, mặt tiêu cực là với độ mở cửa hội nhập rất mạnh, trong khi năng lực trong nước cải thiện chưa rõ ràng, chậm chạp, có nhiều DN yếu, thì việc mở cửa mạnh lại là điểm bất lợi. Dường như tăng trưởng của nền kinh tế nước ta đang dựa ngày càng nhiều vào khu vực đầu tư nước ngoài, trong khi sức khỏe của khu vực trong nước rất chậm được cải thiện.

Ngay cả trong trường hợp mở cửa giúp nền kinh tế phục hồi nhờ đầu tư nước ngoài cũng hàm chứa cả yếu tố bất lợi cho khu vực trong nước, nếu không cải thiện được chính sách kết nối giữa 2 khu vực này.

Hai khu vực này vẫn tách biệt, không liên kết nên không lan tỏa được ảnh hưởng tích cực. Chưa kể, khu vực trong nước yếu đi tương đối là một vấn đề cơ cấu rất nghiêm trọng. Đây là điểm hàm chứa những gợi ý chính sách lớn cho năm 2016 và cả những năm sau.

Thứ hai, tình hình khô hạn và nhiễm mặn nặng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên gần như là một thảm họa thiên tai mang tầm quốc gia, đặc biệt là khi nó diễn ra tại một vùng được coi là chủ lực nông nghiệp, thủy sản của cả nước. Tác động tiêu cực, theo tôi, sẽ ghê gớm và lâu dài. Nguyên do thảm họa không chỉ bởi thiên nhiên, mà còn ở con người, ở chính sách của các quốc gia đầu nguồn nước, nên chứa đựng những căng thẳng về mặt tâm lý xã hội, xung đột lợi ích quốc gia và các nhóm xã hội. Nó còn gắn với năng lực dự báo và khả năng ứng phó tương lai của Nhà nước.

Tình hình khô hạn và nhiễm mặn nặng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên gần như là một thảm họa thiên tai mang tầm quốc gia, đặc biệt là khi nó diễn ra tại một vùng được coi là chủ lực nông nghiệp, thủy sản của cả nước.

Thứ ba, tình hình quốc tế có nhiều diễn biến tiêu cực khó lường. Kinh tế Trung Quốc có xu hướng xấu đi rõ rệt. Nguyên nhân của xu hướng này không phải là câu chuyện chu kỳ, mà là vấn đề cơ cấu và đã được các chuyên gia dự đoán từ lâu. Việc chỉnh sửa cơ cấu, thay đổi mô hình tăng trưởng của một nền kinh tế đồ sộ với cấu trúc lớn như của Trung Quốc là điều không dễ dàng. Nó sẽ ảnh hưởng rất mạnh tới kinh tế Việt Nam từ cả góc độ giá cả chứng khoán - tiền tệ và từ phía hàng hóa, công suất sản xuất dư thừa dễ dàng tràn sang Việt Nam, một thị trường "dễ tính", gần kề và thiếu năng lực phòng vệ. Đây là những vấn đề rất lớn và theo tôi, là đặc biệt nghiêm trọng, cần có giải pháp ứng phó hiệu quả và phản ứng chính sách ở tầm chiến lược.

Như vậy, bối cảnh phát triển của năm 2016 là rất khác, nhiều thách thức. Đứng trước những thách thức đó, rõ ràng cần tạo nền tảng ổn định vĩ mô lâu dài, tạo lập một cơ cấu kinh tế mới có năng lực ứng phó với các điều kiện đang thay đổi nhanh. Trước hết, cần nhanh chóng ổn định bộ máy lãnh đạo mới để tập trung sớm và nhiều hơn cho các vấn đề dài hạn, trong đó có những chương trình tái cơ cấu ở tầm ứng phó với hội nhập và những tác động tiêu cực ở bên ngoài.

TS. Trần Đình Thiên 

Với những nhận định về kinh tế vĩ mô như trên, theo ông, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ như thế nào?

Hệ thống ngân hàng Việt Nam thời gian qua đã được cải cách, với những biện pháp bài bản, đạt được những thành tích khá vững chắc, tạo niềm tin lớn trong xã hội. Nếu tiếp tục đà cải cách này, hệ thống ngân hàng sẽ là một trụ cột đáng tin cậy giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, tôi đã đề cập nhiều lần đến câu chuyện ngân hàng không giải quyết được vấn đề của mình, mà lý do cơ bản là môi trường kinh doanh nói chung của nền kinh tế không tốt, dẫn tới khu vực DN có nhiều vấn đề, trong khi Chính phủ chi tiêu nhiều, phải "nhờ cậy" hệ thống ngân hàng huy động vốn.

Khi khu vực DN quá yếu, ngân hàng khó có thể phục vụ DN tốt. Vài năm qua, môi trường kinh doanh chủ yếu được cải thiện trong lĩnh vực ngân hàng, còn nợ công, nợ ngân sách, tình trạng thiếu vốn đầu tư công, DN yếu kém và gặp nhiều khó khăn… là những vấn đề chưa được giải quyết, sẽ tác động tiêu cực rất lớn đến hoạt động của ngân hàng.

Ngân hàng có thể đã giải quyết được một số vấn đề lớn, rất quan trọng. Nhưng nhìn sâu vào bên trong, dễ nhận thấy thực lực của hệ thống còn rất yếu. Nhiều ngân hàng yếu kém, nợ xấu của toàn hệ thống còn nhiều. Đây là lý do khiến lãi suất huy động và cho vay mãi không xuống thấp được, ngay cả khi lạm phát rất thấp.

Bên cạnh đó, ngân hàng còn mua trái phiếu Chính phủ với khối lượng lớn, lãi suất không hề thấp. Tất nhiên, về nguyên tắc, rủi ro khi mua trái phiếu chính phủ bằng 0, nhưng câu chuyện khối lượng vay lớn, lãi suất không thấp, kết hợp với kỳ hạn ngắn của trái phiếu (ở nước ta kỳ hạn này ngắn một cách lạ thường) sẽ gây áp lực rất lớn đến việc trả nợ.

Trong thời gian tới, dễ có những biến động lớn gắn với TTCK và luồng vốn đầu tư từ nước ngoài không kiểm soát được. Tôi muốn đặc biệt lưu ý đến những biến động mạnh, khó lường của TTCK Trung Quốc trong thời gian qua và những tác động của nó lên hệ thống tài chính toàn cầu.

Phối hợp chính sách tài khóa - tiền tệ, phối hợp đầu tư công với hoạt động ngân hàng, thu hút đầu tư nước ngoài gắn với hoạt động củng cố ngân hàng cần được đưa vào chương trình nghị sự của NHNN, nếu không, những câu chuyện trong ngắn hạn như lãi suất, tỷ giá hối đoái, đến câu chuyện chiến lược như tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đều khó giải quyết được.

Tất nhiên, chúng ta phải quay về vấn đề cốt lõi: ngân hàng phục vụ ai, để thấy rằng, cần có một chiến lược chung cho DN, thay đổi được định hướng, văn hóa của DN, tái cấu trúc hệ thống DN, nếu không, tình hình sẽ rất căng thẳng.

Bình luận về câu chuyện nợ xấu, ông sẽ nói gì?

Chúng ta cần khẳng định rằng, chưa một quốc gia nào giải quyết nhanh được nợ xấu. Việt Nam không thể là ngoại lệ, nhất là khi hệ thống ngân hàng của ta còn non yếu.

Nợ xấu chỉ được giải quyết triệt để thông qua thị trường mua bán nợ. Trong khi đó, ở Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có thể chế quan trọng này. Hiện nay, nợ chủ yếu được "gom" vào Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), “dồn thành đống”, sau đó ngân hàng xử lý được bao nhiêu thì xử, không hề có thị trường mua bán nợ.

Với thực tế như vậy, chúng ta nên chấp nhận câu chuyện xử lý nợ xấu là bài toán có thể kéo dài, nhất là trong bối cảnh thị trường mua bán nợ kém phát triển, hoặc đặt ra mục tiêu VAMC có cấu trúc, tiềm lực đủ mạnh để tự xử lý thị trường mua bán nợ nhanh hơn, giải quyết nợ xấu tốt hơn. Tuy nhiên, không dễ để có một VAMC như vậy.

Ngoài ra, với thực trạng DN nhỏ, yếu như hiện nay, trong bối cảnh cạnh tranh hội nhập, nguy cơ nợ xấu là vấn đề "tự sinh" hơn là "tự giải". Do đó, nợ xấu là vấn đề không nhỏ và dự báo sẽ còn gia tăng.

Cá nhân tôi tin rằng, các ngân hàng đã xử lý được một khối lượng nợ xấu đáng kể. Nhưng với các tồn tại nêu trên, khó có thể khẳng định chắc chắn về xu hướng giảm nhanh của nợ xấu.

Song song với bối cảnh hội nhập hiện nay, câu chuyện được đề cập nhiều là nền kinh tế cần bao nhiêu ngân hàng và giải pháp phá sản ngân hàng có cần được thực hiện?

Nếu có quá nhiều ngân hàng và ngân hàng nào cũng cạnh tranh vô tội vạ, chẳng hạn trong huy động vốn, đặc biệt tại các nhà băng yếu kém, cạnh tranh sẽ rơi vào bức tranh méo mó khủng khiếp.

Cũng vì lý do đó, tôi đánh giá rất cao vai trò của NHNN trong nỗ lực thiết lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo an toàn hệ thống, tổ chức hệ thống để hoạt động tốt, tạo niềm tin trong xã hội suốt thời gian qua.

Tất nhiên, con đường là đầy chông gai. Ngân hàng là thể chế đẳng cấp cao nhất của nền kinh tế thị trường. Để tạo lập ra nó, chúng ta đang phải “bò” từ thị trường bậc thấp lên nên chắc chắn sẽ có rất nhiều khó khăn, trong khi còn phải cạnh tranh với những đối thủ mạnh hơn mình. Như vậy, cần có cách nhìn thật bình tĩnh, một hệ giải pháp bài bản, hệ thống, với bản lĩnh vững vàng như cách điều hành hệ thống của NHNN thời gian qua. Kỳ vọng rằng, chúng ta có thể biến niềm tin hiện tại trở thành sự thực.

Nhuệ Mẫn thực hiện.
Tin bài liên quan