Theo Dự thảo Nghị định, sản xuất vàng miếng là ngành thực hiện độc quyền nhà nước

Theo Dự thảo Nghị định, sản xuất vàng miếng là ngành thực hiện độc quyền nhà nước

Trớ trêu quy định hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước

(ĐTCK) Không ít chuyên gia lên tiếng về những quy định và căn cứ chưa hợp lý mà Bộ Công thương đưa ra trong Dự thảo Nghị định về hàng hoá, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại, còn giới doanh nghiệp lại e ngại lĩnh vực hoạt động mình trót đầu tư bị thu hẹp.

Một nhà đầu tư đã tham gia mua lượng lớn cổ phần một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thủy lợi của Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn khi doanh nghiệp này cổ phần hóa lo ngại, nếu dịch vụ quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện, kè biển trong trường hợp giao kế hoạch, trở thành độc quyền nhà nước thì doanh nghiệp của ông sẽ bị thu hẹp thị trường, thậm chí, nhân công lâm vào cảnh thất nghiệp như chơi.

Nhà đầu tư không hiểu vì sao, thủy lợi, vốn là lĩnh vực cần khuyến khích nhiều nhà đầu tư tham gia để tăng tính cạnh tranh, giảm giá thành dịch vụ, hạ giá đầu vào cho ngành nông nghiệp lại cấm các nhà đầu tư tư nhân tham gia.

Tương tự là dịch vụ nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà (trừ hàng miễn thuế). Hiện Bộ Công thương đang triển khai các thủ tục để cổ phần hóa Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, tức là cho phép các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thuốc lá. Vậy vì lý do gì lại hạn chế các nhà đầu tư tư nhấn tham gia vào hai dịch vụ trên, đặc biệt thuốc lá điếu và xì gà không phải hàng hóa thiết yếu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với người dân?

Dẫn chứng nhiều quy định hiện hành nhằm “phản pháo” danh mục mà Bộ Công thương dự thảo, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho biết, Dự thảo Nghị định cũng như Luật Thương mại năm 2005 cần được xem lại, vì không còn phù hợp với các quy định mới của Hiến pháp cũng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2014 và Bộ luật Dân sự năm 2015.

Ông Đức chỉ ra, Hiến pháp năm 1992 và 2013 không còn bất kỳ quy định nào về việc độc quyền nhà nước. Như vậy, việc duy trì độc quyền nhà nước là trái với Hiến pháp.

Ông Đức cũng cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp đều được Nhà nước "bảo đảm bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế" theo quy định tại khoản 1, điều 5, Luật Doanh nghiệp năm 2014. Như vậy, đã không còn việc phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp phi nhà nước.

Bên cạnh đó, hiện nay, Nhà nước chỉ cấm các doanh nghiệp không được đầu tư kinh doanh trong 7 ngành nghề, theo quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, còn lại được tự do đầu tư kinh doanh hoặc khi đáp ứng được các điều kiện đối với 243 ngành, nghề theo quy định tại điều 7 về "ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện", Luật Đầu tư năm 2014, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2016. Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm.

Ông Đức phân tích thêm, hiện nay, "quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng" theo quy định tại khoản 2, điều 2 Bộ luật Dân sự năm 2015. Như vậy, từ năm 2017 trở đi, quyền dân sự của cá nhân và pháp nhân chỉ bị hạn chế theo quy định của luật thay vì nghị định, thông tư như trước đây.

"Khác với trước đây, khi sản phẩm hàng hoá, dịch vụ độc quyền nhà nước gắn liền với nhiệm vụ của doanh nghiệp nhà nước, hiện nay sản phẩm, hàng hoá độc quyền nhà nước vẫn có thể do các doanh nghiệp phi nhà nước đảm nhận việc sản xuất, xuất nhập khẩu, cung ứng, thực hiện", ông Đức nói.

Việc giữ sân cho các doanh nghiệp nhà nước ở 20 ngành nghề, dịch vụ độc quyền theo dự thảo Nghị định mà Bộ Công thương soạn thảo, theo giới chuyên gia sẽ dẫn đến tình trạng xin-cho trở lại hoặc tạo đất cho các doanh nghiệp “chân gỗ”,  không có năng lực thực sự nhưng có lợi thế giấy phép, “bán cái” bằng hình thức hợp tác với các doanh nghiệp bên ngoài.

Ngay ở khái niệm độc quyền, khi đóng góp ý kiến cho dự thảo này cũng cho rằng cần làm rõ. Dự thảo đang thiết kế theo hướng độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại hay hoạt động thương mại độc quyền nhà nước chỉ do cơ quan nhà nước có quyền hoặc các doanh nghiệp nhà nước thực hiện.

Tuy nhiên, thông lệ quốc tế hiện nay cho thấy, các hoạt động thương mại độc quyền nhà nước có thể được thực hiện bởi các doanh nghiệp được nhà nước giao thực hiện, tức là không giới hạn ở doanh nghiệp nhà nước. Điều này được thể hiện trong Điều 17, Hiệp định GATT của WTO khi Việt Nam tham gia.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho ra đời một nghị định hướng dẫn về độc quyền nhà nước trong lĩnh vực thương mại là phản thị trường, cản trở cạnh tranh, đi ngược lại xu thế cải cách.     

Dự thảo quy định Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại gồm:

1. Hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện cụ thể)

2. Sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp

3. Sản xuất vàng miếng

4. Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng

5. Phát hành xổ số kiến thiết

6. Nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà (trừ hàng miễn thuế)

7. Hoạt động dự trữ quốc gia

8. In, đúc tiền

9. Phát hành tem bưu chính Việt Nam

10. Sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ pháo hoa và các dịch vụ liên quan

11. Truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia, xây dựng, vận hành thủy điện đa mục tiêu và điện hạt nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội

12. Vận hành hệ thống đèn biển, hệ thống luồng hàng hải công cộng

13. Quản lý, vận hành, khai thác đài thông tin duyên hải

14. Dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm cứu nạn

15. Quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị do Nhà nước đầu tư

16. Quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện, kè biển trong trường hợp giao kế hoạch

17. Cung ứng dịch vụ lâm nghiệp tại rừng đặc dụng (trừ khu rừng bảo vệ cảnh quan được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế)

18. Xuất bản (không bao gồm in và phát hành)

19. Duy trì, quản lý, khai thác mạng bưu chính công cộng

20. Cung ứng dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí

Tin bài liên quan