Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh

Trò chuyện với Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trước thềm Xuân mới

Trước thềm Xuân Ất Mùi 2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh - vị Bộ trưởng của nhiều chính sách đổi mới chia sẻ với Báo Đầu tư những trăn trở về các thách thức của nền kinh tế trong năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, cũng như về tiến trình cải cách thể chế kinh tế mà Việt Nam đang nỗ lực thực hiện.

Nỗ lực cho mục tiêu 2015

Thưa Bộ trưởng, chúng ta đã vừa có một năm 2014 thành công, với tăng trưởng GDP ấn tượng - 5,98% và lạm phát ở mức rất thấp. Nền tảng này liệu có giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,2% trong năm 2015 này, khi mà nhiều dự báo cho thấy kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn và bất ổn?

Năm 2014 đúng là một năm thành công của nền kinh tế Việt Nam. Sau mấy năm chao đảo vì lạm phát cao, chúng ta đã đặt mục tiêu trong vòng 3 năm phải ổn định kinh tế vĩ mô và đúng là đến cuối năm 2013, lạm phát đã giảm xuống mức thấp, kinh tế vĩ mô bắt đầu ổn định và đến năm 2014, đã ổn định bền vững hơn, lạm phát ở mức rất thấp, chỉ 1,84%. Ngoài ổn định vĩ mô, thì năm 2014, tăng trưởng kinh tế lần đầu tiên trong Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 đã đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng này ngày càng ổn định và vững chắc, và đó là nền tảng cơ bản để đảm bảo Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 6,2% trong năm 2015.

Mặc dù vậy, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, khó khăn, thách thức phía trước vẫn còn rất lớn và chúng ta phải hết sức nỗ lực cho việc thực hiện mục tiêu này. 

Đó là những thách thức gì, thưa Bộ trưởng?

Ở đây, tôi chưa muốn nói đến những thách thức lớn hơn như sự chậm phục hồi của kinh tế thế giới, hay sự bất ổn ở Biển Đông… tác động tới kinh tế Việt Nam như thế nào, mà chỉ muốn nhấn mạnh hai thách thức mà chúng ta phải giải quyết trong năm 2015 nhằm tạo đột phá cho nền kinh tế.

Thứ nhất, năm 2015 có thể nói là một năm khá đặc biệt vì chúng ta bắt đầu hội nhập ngày càng sâu rộng hơn, thực tiễn hơn với thương trường quốc tế. Chúng ta sẽ tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, bắt tay vào thực hiện một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, Hàn Quốc, với Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan, rồi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tất cả những yếu tố này đặt Việt Nam vào giữa một bên là cơ hội phát triển thị trường rộng lớn hơn và một bên là nguy cơ cạnh tranh gay gắt trên sân nhà. Nếu chúng ta không chuẩn bị tốt, thì không những không tận dụng được cơ hội để mở rộng thị trường, mà còn có nguy cơ bị thu hẹp.

Đây là điều tôi rất lo lắng, bởi thực tiễn hội nhập thời gian qua, chúng ta đàm phán gia nhập các hiệp định rất mạnh mẽ và hiệu quả nhưng khâu triển khai trong nước tới các doanh nghiệp (DN), tới chính quyền địa phương lại chưa được như mong đợi, thiếu các giải pháp cụ thể.

Điều thứ hai cần quan tâm cải thiện trong năm 2015 là sức khỏe của DN Việt Nam. Một nền kinh tế mạnh, tự chủ là phải có các DN nội địa mạnh, cả DN nhà nước và dân doanh. Nhưng thực tế thời gian qua cho thấy, sau một thời gian chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sức khỏe của các DN Việt Nam đã yếu đi nhiều. 

Vậy chúng ta sẽ phải làm như thế nào để có một đội ngũ DN đủ mạnh, thưa Bộ trưởng?

Có nhiều việc phải làm lắm. Ngay như câu chuyện hội nhập mà tôi nói ở trên, nếu muốn tận dụng được cơ hội thì chúng ta phải có sự chuẩn bị tốt và trước hết là bằng cách tuyên truyền, thông tin cho DN hiểu khi chúng ta thực hiện các cam kết FTA, thì DN sẽ đối mặt với những thách thức nào, cần những gì để vượt qua và tận dụng được cơ hội…

Chúng ta thực sự cần phải có nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa cho khu vực kinh tế tư nhân. Một chính sách thôi chưa đủ, bởi còn nhiều việc phải làm và việc gì cũng quan trọng. Việc sửa đổi Luật Đầu tư và Luật DN vừa rồi là giải pháp căn cơ nhằm tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển, bởi họ được làm những gì mà pháp luật không cấm, khả năng gia nhập thị trường được mở rộng, minh bạch trong đầu tư - kinh doanh. Nhưng còn chuyện tiếp cận tín dụng, chuyện hỗ trợ phát triển thị trường, phát triển thương hiệu, đổi mới công nghệ…, hay là chuyện “vườn ươm DN” và “ươm mầm tài năng”… Rất nhiều việc phải làm và vì thế, chúng tôi đã đề nghị xây dựng Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, nhằm quy tụ và thống nhất các chính sách hỗ trợ DN vào trong một luật.

Chúng ta phải làm sao tạo môi trường cho DN tư nhân trong nước phát triển, bởi họ phải trở thành lực lượng phát triển quan trọng nhất của đất nước. Ngay trong năm 2015 này, Việt Nam phải đưa ra nhiều chính sách hơn nữa nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt là để thúc đẩy DN tư nhân phát triển, trở thành nền tảng, động lực quan trọng nhất để đóng góp vào tăng trưởng và sự chuyển đổi của nền kinh tế Việt Nam. Nếu không làm được điều này, Việt Nam không có tăng trưởng tốt, không có một nền kinh tế tự chủ được.

Việt Nam cần nhiều vốn để phát triển đất nước, do vậy phải sử dụng tập trung và hiệu quả từng đồng vốn đầu tư công
 

Cải cách thể chế để tạo động lực mới

Quay trở lại với câu chuyện cải cách thể chế kinh tế nhằm tạo động lực tăng trưởng mới mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cá nhân Bộ trưởng là một trong những người khởi xướng. Những bước đi đầu tiên đã được thực hiện, Bộ trưởng có hài lòng với điều đó không?

Cái được lớn nhất trong tiến trình cải cách thể chế trong hơn một năm qua, theo tôi, đó là chúng ta đã tạo được sự đồng thuận trong xã hội, trong Đảng, trong Chính phủ về đòi hỏi tất yếu phải cải cách thể chế kinh tế. Chúng ta cũng đã thông qua được một số luật quan trọng nhằm triển khai thi hành Hiến pháp 2013, đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế, trong đó có những bộ luật hết sức quan trọng, tác động tích cực tới sản xuất -  kinh doanh của khu vực DN, thúc đẩy sự phát triển của đất nước, như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật DN (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh...

Thêm vào đó, khi cho ý kiến vào báo cáo kinh tế trình Đại hội Đảng lần thứ XII, cũng đã thống nhất tiếp tục cải cách thể chế kinh tế, đồng thời đưa ra được một số khái niệm như kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là như thế nào. Một số tư tưởng lớn cũng đã được thống nhất, như sử dụng công cụ thị trường trong phân bổ nguồn lực, trong giáo dục, y tế, dịch vụ công; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dùng nguồn lực của mình chăm lo cho người nghèo...

Bước chuyển nhận thức là yếu tố quan trọng nhất. Còn những việc cụ thể dù chúng ta đã làm nhưng chưa nhiều, chưa tạo được những động lực trong thực tiễn. Nhiều việc chúng ta phải làm ngay trong năm 2015, chứ không phải đợi Đại hội Đảng đầu năm 2016 thông qua rồi mới bắt tay vào làm, như vậy sẽ chậm trễ.

Với riêng ba luật Đầu tư công, DN và Đầu tư sửa đổi mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng cho rằng ba dự luật này sẽ tác động thế nào tới môi trường đầu tư, kinh doanh nói riêng và cả nền kinh tế Việt Nam nói chung, cũng như tiến trình cải cách thể chế của Việt Nam?

Việc Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư và Luật DN (sửa đổi) chính là sự thể hiện mạnh mẽ của cải cách thể chế kinh tế. Nếu như Luật Đầu tư công giúp nâng cao tính pháp lý về quản lý đầu tư công một cách chặt chẽ, hiệu quả hơn, tiến tới sử dụng hiệu quả đồng vốn của nhân dân cho phát triển kinh tế - xã hội, thì Luật Đầu tư và Luật DN sửa đổi có tư tưởng xuyên suốt, thống nhất và minh bạch về việc người dân và DN được quyền kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. Khi các luật này đi vào cuộc sống, chắc chắn sẽ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tốt cho người dân và DN. Tất nhiên còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như chính sách tín dụng, hay các điều luật khác liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhưng tôi tin rằng, việc sửa đổi hai luật gốc này sẽ tạo được làn sóng trong đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam.

Tuy nhiên, luật tốt rồi nhưng còn phải triển khai trong thực tế nữa, mà trước mắt là phải xây dựng được các nghị định, thông tư hướng dẫn. Bên cạnh đó, với Luật Đầu tư công, tôi nghĩ điều quan trọng là nhận thức của các cấp, các ngành về việc sử dụng vốn đầu tư công. Cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ, minh bạch hơn có thể đụng chạm một số nhóm lợi ích. Cũng còn phải xây dựng tốt kế hoạch đầu tư trung hạn. Sẽ còn những rào cản ở phía trước, nhưng quan điểm được thống nhất là một đồng vốn đầu tư công cũng phải được quản lý tốt. Chúng ta cần nhiều vốn để phát triển đất nước, nếu không chi tiêu tập trung và có hiệu quả thì sẽ có tội với đất nước, với những người nộp thuế.

Tương tự như thế với hai luật Đầu tư và DN sửa đổi, quan trọng cũng là khâu thực thi. Ở Việt Nam hiện nay, có hiện tượng người thực thi có thể vì lợi ích cá nhân mà lợi dụng kẽ hở để hành DN. Một bộ phận trong bộ máy công quyền của chúng ta vẫn nghĩ tới việc “quản”, mà không nghĩ rằng khi đổi mới thể chế kinh tế, chúng ta phải chuyển từ bộ máy quản trị, quản lý xã hội sang bộ máy phục vụ. Người dân, DN chính là những người làm ra của cải xã hội, nộp thuế để bộ máy công quyền có kinh phí hoạt động. Do vậy, bộ máy phải phục vụ người dân và DN, cũng có nghĩa là phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Chúng ta phải chuyển từ Nhà nước điều hành, quản lý sang Nhà nước kiến tạo phát triển.

Vì một nước Việt Nam thịnh vượng

Chúng ta đang nỗ lực cải cách, giống như gần 30 năm trước đã thực hiện công cuộc Đổi mới. Bộ trưởng có cho rằng, lần cải cách này sẽ giúp “xoay chuyển” tình thế của Việt Nam?

Trong 30 năm Đổi mới, chúng ta đã làm được rất nhiều việc để chuyển từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập toàn diện. Cũng đã đưa được một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu thành một nước có thu nhập trung bình, dù vẫn ở mức thấp. Đây là một thành quả quan trọng, mỗi gia đình, mỗi người dân Việt Nam đều cảm nhận được điều đó. Nhưng chúng ta đừng chỉ so sánh dọc, ta với ta 30 năm trước, mà phải so sánh ngang với các nước xung quanh có cùng xuất phát điểm.

Ta ở đâu, họ ở đâu? Phải nhìn vậy thì mới thấy được chúng ta giỏi ở điểm gì, thành công cái gì, cái gì chúng ta đã cố gắng thay đổi nhưng vẫn kém so với bạn bè để vươn lên, chứ không phải so sánh với 30 năm trước rồi bảo rằng được như vậy đã là tốt lắm rồi. Sang Thái Lan, Malaysia... thấy họ phát triển hơn ta thì phải xấu hổ chứ!

Nhìn lại 30 năm Đổi mới vừa qua, thành tựu lớn nhưng thách thức cũng lớn. Như tôi đã nói, những động lực tăng trưởng cũ, như dựa vào tài nguyên thiên nhiên, vào khai thác than, dầu, lao động giá rẻ, vào tăng vốn đầu tư để tăng trưởng..., tới đây trong môi trường cạnh tranh quốc tế sẽ không còn nhiều dư địa nữa. Muốn phát triển, phải dựa vào năng lực cạnh tranh quốc gia, vào động lực khoa học - công nghệ.

Người Việt Nam học giỏi, tâm huyết, có sức sáng tạo tốt nhưng chúng ta chưa biết cách biến lợi thế, tiềm năng này thành động lực phát triển. Nếu như nền kinh tế không dựa vào động lực khoa học - công nghệ thì không đủ sức cạnh tranh.

Thêm nữa, năng suất lao động của Việt Nam cũng thua kém rất nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines…, chứ chưa nói đến so với Mỹ, với Nhật. Đây là điều cần suy nghĩ, bởi trong hội nhập quốc tế và tăng trưởng sau này, yếu tố quan trọng nhất là năng suất lao động và khoa học - công nghệ. Đó là hai yếu tố có thể làm nên đột phá. DN nếu biết tận dụng tăng trưởng bằng khoa học - công nghệ và năng suất lao động thì sản phẩm rất cạnh tranh, đủ sức để đánh bại đối thủ khác để vươn lên.

Vì vậy, để tạo động lực tăng trưởng mới, phải cải cách thể chế kinh tế, đổi mới khoa học - công nghệ… Tôi nghĩ rằng, tất cả chúng ta đều hiểu được điều này. Quan trọng là làm sao Chính phủ có thể thúc đẩy các yếu tố này phát triển để tạo động lực mới cho nền kinh tế.

Vậy theo Bộ trưởng, chúng ta có làm được điều đó không? Bộ trưởng kỳ vọng thế nào về sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới?

Trong trung hạn, chúng tôi đang xây dựng Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5 - 7%. Còn trong dài hạn, chúng tôi đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới, trong đó có cả các giáo sư nhận Giải thưởng Nobel, cũng như các chuyên gia Việt Nam để xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035, để xem mình đang ở đâu và tiến tới như thế nào trong tương lai.

Chúng tôi cũng đã mở một trang thông tin điện tử liên quan nội dung này để huy động trí tuệ người dân cùng tham gia thảo luận về Báo cáo Việt Nam 2035. Chúng tôi muốn biết người dân muốn Việt Nam phát triển như thế nào vào năm 2035, cũng như hiến kế xem cần xác định hành động chiến lược và chính sách quan trọng gì để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành một quốc gia giàu có và hiện đại, mang lại sự thịnh vượng cho mọi người dân…

Tin bài liên quan