Trên thông, dưới tắc

(ĐTCK) Phản ánh của doanh nghiệp địa phương cho thấy, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, các doanh nghiệp đã hồ hởi xung trận. Thế nhưng, khi triển khai họ đang “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”, vì bị cán bộ “hành”.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

“Bản thân tôi đã có nhiều năm điều hành doanh nghiệp, đồng thời phản ánh từ các doanh nghiệp là thành viên của hiệp hội cho thấy Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành Trung ương đang tạo ra những chuyển biến rõ nét bước đầu về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Thế nhưng, ở địa phương vẫn tiếp diễn tình trạng ‘hành’, ‘nắn bóp’ doanh nghiệp…”, chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp lớn, đồng thời là chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp của một địa phương phản ánh.

Thậm chí, vị này còn thuật lại lời của cán bộ công quyền nơi địa phương ông đang kinh doanh: “làm gì có chuyện chúng tôi đồng hành với các ông”.

Câu nói hàm ý cán bộ, công chức vẫn là bề trên, cai quản doanh nghiệp, chứ chưa phải tinh thần “phục vụ” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên yêu cầu, nhắc nhở bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương phải thực thi trong mối quan hệ với người dân, doanh nghiệp.

Đại diện cho tiếng nói của nhiều doanh nghiệp tại địa phương, vị chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp trên chia sẻ thêm, có công ty đi nộp hồ sơ, phải đi lại 2 - 3 lần, thậm chí có khi cả 10 lần vẫn chưa xong. Chỉ khi doanh nghiệp chịu “chung chi”, thì cán bộ nhẹ nhàng nói “cầm hồ sơ xuống một cửa là xong”. Đây là kiểu “nắn bóp” doanh nghiệp trắng trợn. Điều này cho thấy những cải cách từ Chính phủ, từ Trung ương chưa ngấm xuống nhiều địa phương.

Phản ánh của doanh nghiệp địa phương cho thấy, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, các doanh nghiệp đã hồ hởi xung trận. Thế nhưng, khi triển khai họ đang “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”, vì bị cán bộ “hành”. Thậm chí, có doanh nghiệp mạnh dạn đưa ra những góp ý mà bộ máy cán bộ, sở, ngành cần sửa đổi, thì bị cán bộ, công chức “trả thù”. Điều này khiến doanh nghiệp nản, làm cho nhiều chính sách cải cách về môi trường đầu tư, kinh doanh mà Chính phủ đang nỗ lực triển khai khó đi vào cuộc sống.

Để các bước cải cách mạnh mẽ mà Chính phủ đang theo đuổi ngấm xuống cấp địa phương, ý kiến từ doanh nghiệp cho rằng, điều quan trọng là Chính phủ cần có giải pháp để thanh lọc mạnh các cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây khó dễ cho doanh nghiệp, làm cản trở nỗ lực cải cách của Chính phủ. Chính sách tốt, nhưng cán bộ tồi, thì khó mang lại hiệu quả cải cách.

Muốn tạo đột phá về thanh lọc đội ngũ cán bộ, công chức, các cơ quan Trung ương nên vào vai là người đại diện doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp đi làm thủ tục với các sở, ngành ở địa phương, để “bắt tận tay” những cán bộ thoái hóa, từ đó mạnh tay xử lý để tạo sức răn đe. Một khi những “con sâu” này được loại bỏ, thì mới rộng đường cho các nỗ lực cải cách của Chính phủ được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả ở cấp cơ sở, từ đó mới giải phóng tốt sức sản xuất - kinh doanh trong người dân, doanh nghiệp.

Tin bài liên quan