TPP - cơ hội không của riêng ai

TPP - cơ hội không của riêng ai

(ĐTCK) Ngày mai (24/3), tại TP. HCM sẽ diễn ra Hội thảo “TPP với ngành dệt may và da giày: làm gì để tận dụng cơ hội?” do Báo Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tổ chức. 

Kể từ khi những thông tin về Hiệp định TPP được truyền thông mạnh mẽ, cổ phiếu của các công ty ngành dệt may trên TTCK được quan tâm đặc biệt. Khác biệt với vị thế khá lu mờ của cổ phiếu ngành này trước đó, trong 3 năm trở lại đây, các cổ phiếu ngành dệt may hưởng lợi từ TPP được xem như một trong những trụ cột của thị trường bởi tính ổn định về giá và cao về thanh khoản.

Tuy nhiên, TPP không chỉ mang lại cơ hội cho ngành dệt may mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa với cổ phiếu ở nhiều ngành khác, do DN ở các ngành này cũng đang hưởng lợi gián tiếp từ TPP. Như với cổ phiếu ngành xây lắp có thị giá cao nhất thị trường là CTD thì mảng nhà xưởng khu công nghiệp chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng doanh thu và lợi nhuận.

Nhiều dự án nhà xưởng khu công nghiệp lớn mà CTD triển khai có giá trị hợp đồng lớn nhưng chủ đầu tư nước ngoài đòi hỏi phải hoàn thành trong thời gian nhanh, chỉ 12 tháng. Xu hướng này đã bắt đầu từ mấy năm trước và hiện nay vẫn đang tiếp diễn do các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đón đầu cơ hội TPP có hiệu lực.

Ông chủ của CTCP Hùng Vương (HVG) Dương Ngọc Minh mới đây cũng chia sẻ tầm nhìn dài hơi khi phát triển mảng chăn nuôi heo công nghiệp. Theo đó, HVG sử dụng công nghệ chăn nuôi heo của Đan Mạch từ con giống. Trong khi đó, công nghiệp nuôi heo của  Đan Mạch xuất khẩu trên 300 triệu USD vào Nhật nên tới đây khi Việt Nam tham gia TPP, nếu DN sử dụng công nghệ của Đan Mạch tạo ra sản phẩm chất lượng tương đương thì đương nhiên sẽ có cửa vào thị trường Nhật.

Cũng trong ngành chăn nuôi và chế biến thức ăn, ứng cử viên nhà đầu tư chiến lược của Vissan (DN vừa IPO) là Tập đoàn CJ Cheijedang (Hàn QUốc) đã đưa ra cam kết, trong vòng 4 năm sẽ xây dựng Vissan trở thành công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến thực phẩm dựa trên năng lực R&A và ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất.

Lời hứa này của CJ cũng xuất phát từ thực tế là ngành thực phẩm chế biến của Việt Nam sẽ có thể tận dụng cơ hội từ TPP mang lại. Mặc dù ngành chăn nuôi heo, bò, gà có thể gặp thách thức từ TPP nhưng thực phẩm chế biến sử dụng thịt nhập khẩu với giá thành thấp hơn chăn nuôi trong nước 20%, lại có cơ hội xuất khẩu sản phẩm sang các nước trong khu vực nếu áp dụng công nghệ hiện đại.

Nhóm DN bất động sản gần đây đang hưởng lợi nhờ TPP và một số FTA thế hệ mới khác, bởi số nhà đầu tư nước ngoài đến mua nhà tại TP. HCM đang tăng lên. Người mua là các chuyên gia, người lao động nước ngoài tăng lên theo làn sóng thu hút FDI đang cao ở Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư trong nước bỏ tiền đầu tư các dự án có tiềm năng cho người nước ngoài thuê nhà.

Và nhìn tổng thể khi TPP và các hiệp định thương mại kích hoạt dòng vốn FDI vào Việt Nam là điều kiện tốt để ổn định tỷ giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô ở thời điểm hiện nay.

Vì vậy có lẽ câu hỏi “làm gì để tận dụng cơ hội” không chỉ đặt ra với các DN hưởng lợi trực tiếp từ như dệt may hay da giày mà với rất nhiều DN ở các ngành nghề lĩnh vực khác nhau, bởi có rất nhiều cơ hội mở ra từ TPP mà chúng ta chưa nhìn thấy hết.

Tin bài liên quan