TP.HCM kiến nghị áp dụng cơ chế đặc thù với một số dự án giao thông cấp bách

UBND TP.HCM kiến nghị được áp dụng cơ chế chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với dự án đầu tư theo cơ chế đối tác công - tư (PPP).

Hàng loạt dự án cấp bách dậm chân tại chỗ

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong những năm qua, Thành phố đã đạt được nhiều thành công trong việc phát triển các dự án giao thông trọng điểm, tạo nền tảng cho kinh tế phát triển. Tuy nhiên, không ít dự án giao thông trọng điểm thuộc diện cấp bách được công bố quy hoạch từ lâu, nhưng vẫn dậm chân tại chỗ, như 5 dự án bãi đậu xe ngầm của Thành phố, Dự án Mở rộng xa lộ Hà Nội, Dự án Giảm ùn tắc giao thông tại khu Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất…

Bên cạnh đó, người đứng đầu UBND TP.HCM cho biết, ngay cả các dự án như di dời Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây cũng đang là mối lo ngại của Thành phố khi tiến độ triển khai đang rất chậm, dù đã áp dụng cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư.

UBND TP.HCM đã giao Sở Giao thông - Vận tải nghiên cứu phương án đẩy mạnh việc phát triển các Dự án giao thông để báo cáo UBND Thành phố

Theo ông Phong, một số dự án cấp bách đang đứng yên và cần giải pháp tài chính để sớm hoàn thành như đường vành đai 2 đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội, từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng, từ nút giao An Lạc đến đường Nguyễn Văn Linh; đường trên cao số 1; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 22; xây dựng cầu Cần Giờ; cầu Thủ Thiêm 4; bãi đậu xe ngầm công viên Tao Đàn; nạo vét khai thông rạch Ông Nhiêu, trung tâm điều khiển hệ thống giao thông đô thị thông minh TP.HCM…

Được biết, các dự án hạ tầng giao thông quan trọng nói trên có tổng vốn đầu tư rất lớn và ảnh hưởng nhiều tới đời sống nhân dân.

Tìm lời giải cho bài toán tài chính

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, TP.HCM sẽ gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các dự án giao thông cấp bách và trọng điểm. Đặc biệt, việc điều tiết ngân sách để lại địa phương giảm từ 23% xuống còn 18% trong giai đoạn 2017 - 2020 sẽ càng khiến ngân sách TP.HCM thêm thiếu hụt.

Bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho rằng, ngay cả khi tỷ lệ điều tiết ngân sách địa phương duy trì ở mức 23% như trong vài năm gần đây, thì phần vốn dành cho đầu tư phát triển cũng vẫn thiếu hụt.    

Theo bà Thắng, tính toán sơ bộ việc tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố giảm từ 23% xuống còn 18% trong giai đoạn 2017 - 2020 sẽ làm cho ngân sách Thành phố hụt khoảng 50.000 tỷ đồng, tức mỗi năm hụt khoảng 10.000 tỷ đồng. Các dự án theo 7 chương trình đột phá được Thành phố lên kế hoạch thực hiện cho giai đoạn năm 2016 - 2020 lên đến 364.180 tỷ đồng, nhưng khả năng ngân sách chỉ cân đối được khoảng 150.000 tỷ đồng, tức là còn thiếu hơn 200.000 tỷ đồng.

TP.HCM kiến nghị áp dụng cơ chế đặc thù với một số dự án giao thông cấp bách  ảnh 1

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, để giải quyết khó khăn đó, Thành phố đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để Thành phố áp dụng cơ chế chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với dự án đầu tư theo cơ chế PPP. Đó là các dự án hạ tầng nhằm giảm ùn tắc giao thông, có tính khả thi cao, mang lại lợi ích cho xã hội.

“Một số dự án được UBND Thành phố liệt kê trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt gồm nhiều dự án về giao thông cần thực hiện cấp bách để kéo giảm ùn tắc tại khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, trung tâm Thành phố, các cửa ngõ Thành phố hiện là những điểm thường xuyên bị ùn tắc. Nhưng đó mới chỉ là một số dự án cấp bách trong lĩnh vực giao thông, chưa nói đến nhiều dự án ở các lĩnh vực khác cũng đang “khát vốn” như lĩnh vực cấp thoát nước, văn hóa xã hội khác”, ông Phong nói.

Một giải pháp khác được lãnh đạo UBND TP.HCM đưa ra để bù đắp khoản thiếu hụt hơn 200.000 tỷ đồng cho 7 chương trình đột phá được UBND TP.HCM đưa ra là phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, tạm ứng nguồn vốn nhàn rỗi kho bạc bổ sung cho chủ đầu tư phát triển, xúc tiến để được giải ngân các khoản vay từ Ngân hàng Thế giới (WB), tập trung các nguồn vốn vay ODA…

Để giải quyết khó khăn tài chính, chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Tuấn, giảng viên Trường đại học Ngoại thương TP.HCM cho rằng, TP.HCM cần rà soát các khoản phí, lệ phí, đề xuất Trung ương giao quyền cho Thành phố tự chủ các khoản thu từ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, xử lý nước thải, khai thác các nguồn thu từ quảng cáo công cộng, thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn, rà soát các quỹ nhà đất để tạo nguồn thu từ chuyển nhượng và đấu giá quỹ nhà đất dôi dư, rà soát các quyết định giao đất và hợp đồng thuê đất để định giá lại, rà soát các quỹ nhà tái định cư để bán những nhà đang thừa… Đây sẽ là những nguồn thu mang lại khoản tiền đáng kể để giảm nhẹ gánh nặng cho Thành phố.

Bên cạnh đó, để tiến hành triển khai nhanh các dự án giao thông trọng điểm, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, đã giao Sở Giao thông - Vận tải nghiên cứu phương án đẩy mạnh việc phát triển các dự án này để báo cáo UBND Thành phố.

Tin bài liên quan