UBND tỉnh Quảng Ninh vừa quyết định tạm hoãn lễ khởi công Dự án vào ngày 27/3/2015 với lý do: điều kiện thời tiết bất thường

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa quyết định tạm hoãn lễ khởi công Dự án vào ngày 27/3/2015 với lý do: điều kiện thời tiết bất thường

Tổng mức đầu tư của sân bay Quảng Ninh là 7.494 tỷ đồng

(ĐTCK) UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, việc lựa chọn Sun Group làm nhà đầu tư BOT Cảng hàng không Quảng Ninh được thẩm định kỹ, đúng quy trình.

Theo ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Sun Group là doanh nghiệp trong nước được thành lập năm 2007, hoạt động trong các lĩnh vực: đầu tư xây dựng, bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng.

Tập đoàn này đang sở hữu nhiều dự án quy mô lớn với tổng số vốn đầu tư trên 22.000 tỷ đồng, trong đó có những thương hiệu lớn như: Khu nghỉ dưỡng 6 sao InterContinental Đà Nẵng; Sun Peninsula Resort; Novotel Đà Nẵng Premier Han River; Khu Công viên Châu Á Đà Nẵng.

Nhà đầu tư này cũng đang đầu tư một loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng đang trong giai đoạn xây dựng như: Quần thể khu du lịch và cáp treo Fansipan Sapa, Tổ hợp khách sạn với các thương hiệu 5, 6 sao nổi tiếng như JWW Marriott, Rizt – Carlton tại đảo Phú Quốc (dự kiến khánh thành vào năm 2016). Đặc biệt, Quần thể khu du lịch sinh tháu Bà Nà – Suối Mơ (Bà Na Hills) đã trở thành thương hiệu nổi tiếng được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến.

Cũng theo ông Đọc, tại Quảng Ninh, tỉnh này đã cấp phép cho Sun Group làm nhà đầu tư Dự án công viên đại dương Hạ Long với tổng mức đầu tư đăng ký trên 6.000 tỷ đồng. Hiện tập đoàn này đang tích cực triển khai giai đoạn I để có thể đưa vào khai thác vận hành trong năm 2015 hệ thống cáp treo Nữ hoàng, vòng xoay khổng lồ Mặt trời Hạ Long.

Đối với Dự án cảng hàng không Quảng Ninh, ngoài phần vốn ngân sách tỉnh chi cho GPMB và các hạ tầng đồng bộ đấu nối đến chân công trình, phần vốn mà nhà đầu tư này bỏ ra là 6.760 tỷ đồng.

Điều đáng nói là dù sở hữu một loạt các dự án hoành tráng như báo cáo tài chính năm 2013 được kiểm toán bởi công ty AASC, vốn chủ sở hữu của Sun Group chỉ là 1.663 tỷ đồng. Để làm sân bay Quảng Ninh, nhà đầu tư cam kết đưa 751 tỷ đồng thuộc nguồn vốn chủ sở hữu; phần vòn lại sẽ được vay vốn thương mại từ BIDV và VP Bank.

Liên quan đến việc quản lý khai thác cảng hàng không Quảng Ninh, Sun Group đề xuất đối với diện tích đất đai cảng hàng không thuộc sở hữu của Nhà nước Việt Nam. Nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thông qua việc xây dựng vận hành cảng trong thời gian quy định trong hợp đồng.

Các công trình cơ bản bao gồm: đường hạ cất cánh, đường lăn và sân đỗ thuộc sự quản lý của nhà đầu tư và do nhà đầu tư chịu trách nhiệm khai thác, bảo trì. Các công trình quản lý điều hành bay và thông tin tín hiệu sẽ được sở hữu, quản lý, khai thác bởi các công ty quản lý bay nhà nước. Các công trình khác như: Nhà ga hành khách, Nhà ga hàng hóa, khu cấp nhiên liệu, khu cung cấp suất ăn, khu bảo dưỡng tàu bay do Nhà đầu tư sở hữu, khai thác, bảo trì theo quy định của hợp đồng BOT.

Theo Quyết định của tỉnh Quảng Ninh, sân bay Quảng Ninh sẽ được xây dựng tại xã Đoàn Kết thuộc Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh có diện tích sử dụng là 288,38 ha. Sân bay cấp 4 E này sẽ có 1 đường hạ cất cánh kích thước 3.000 mx45 m, đảm bảo khai thác tàu bay B777 hoặc tương đương; 4 vị trí đỗ máy bay bao gồm 2 vị trí A321, 2 vị trí B777; 1 nhà ga 2 cao trình rộng 17.650 m2, công suất 2 triệu hành khách/năm ( nhà ga hàng hoá được bố trí trong nhà ga hành khách đáp ứng công suất tối thiểu 10.000 tấn/năm).

Tổng mức đầu tư của sân bay Quảng Ninh là 7.494 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị là 5.256,9 tỷ đồng; chi phí GPMB là 734,2 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư nói trên chưa bao gồm chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng (khoảng 2 năm) và lợi nhuận của nhà đầu tư. Theo tính toán, để hoàn vốn nhà đầu tư cần tới 45 năm.

Hiện thời hạn khởi công Dự án vẫn chưa được xác định cụ thể. Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định tạm hoãn lễ khởi công Dự án từng được xác định là ngày 27/3/2015 với lý do điều kiện thời tiết bất thường.

Tin bài liên quan