Tổng công ty 36 quyết tháo lui khỏi Dự án BOT Quốc lộ 19

Tổng công ty 36 quyết tháo lui khỏi Dự án BOT Quốc lộ 19

Việc Tổng công ty 36 xin không tiếp tục đầu tư Dự án BOT Quốc lộ 19 (đoạn qua Bình Định và Gia Lai giai đoạn II) có thể khiến việc nâng cấp tuyến đường huyết mạch lên Tây Nguyên bị vỡ kế hoạch.

Sự kiện hy hữu

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã chính thức phát tín hiệu cho phép Tổng công ty 36 (Bộ Quốc phòng) được phép “buông” Dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 (đoạn Km 17+054,51 - Km 50+00 tỉnh Bình Định và đoạn Km 90+00 – Km 131+300 tỉnh Gia Lai - giai đoạn II) theo hình thức BOT (Dự án BOT Quốc lộ 19 - giai đoạn II).

Trong văn bản được phát đi vào giữa tuần này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng ý về nguyên tắc theo đề nghị của nhà đầu tư về việc dừng đầu tư giai đoạn II thuộc Dự án (không bao gồm hạng mục gia cố mái ta-luy dương đoạn tuyến qua đèo Mang Yang; vuốt nối đường giao dân sinh vào đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân do nằm trong phạm vi giai đoạn I của Dự án thuộc).

Được biết, Dự án BOT Quốc lộ 19 giai đoạn 1 đã hoàn thành và thu giá từ tháng 6/2016, với giá trị quyết toán theo đề xuất của đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền là 1.388,7 tỷ đồng.

Giai đoạn II Dự án có mục tiêu đầu tư bổ sung đoạn tuyến từ Km 90+00 – Km 108+00, 5 cầu (Cư An, Cà Tung, Lúc Khúc, Xà Huồng, Hà Tam) và hạng mục gia cố mái ta-luy dương đoạn tuyến qua đèo Mang Yang, vuốt nối đường giao dân sinh vào đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân, với chi phí đầu tư khoảng 391 tỷ đồng.

Đối với giai đoạn II, Bộ GTVT và nhà đầu tư đã ký thỏa thuận đầu tư từ tháng 1/2017, nhưng chưa tiến hành thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bổ sung.

Tuy nhiên, trong khi còn chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, nhà đầu tư đã tiếp nhận nguyên trạng hạng mục bổ sung và triển khai thi công trước một số hạng mục. Theo đánh giá của Bộ GTVT, việc làm này là chưa đúng với quy định, mang tính chất “cầm đèn chạy trước ô tô”.

Bên cạnh đó, việc Tổng công ty 36 có văn bản xin dừng không tiếp tục đầu tư giai đoạn II dự án đã làm ảnh hưởng đến tiến trình đầu tư đồng bộ Quốc lộ 19.

“Bộ GTVT phê bình nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ GTVT trong việc quản lý và thực hiện Dự án, đồng thời yêu cầu đến trước ngày 15/10/2017, các cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiêm túc báo cáo tiến trình thực hiện dự án về Bộ GTVT để xem xét trách nhiệm theo quy định”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết.

Ngon làm, khó buông

Để ra được quyết định hy hữu nói trên, Bộ GTVT đã phải cân nhắc rất kỹ và liên tục có các cuộc họp nhằm tìm ra giải pháp tối ưu nhất cho “sự cố” được dự báo là để lại khá nhiều hệ lụy này.

Trước mắt, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức tiếp nhận lại ngay các đoạn tuyến, các cầu trên Quốc lộ 19 hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng và phải xây dựng kế hoạch sửa chữa và bảo trì đảm bảo an toàn trước ngày 30/10/2017 bằng nguồn vốn từ Quỹ Bảo trì nhằm tránh gây bức xúc dư luận xã hội.

“Vụ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) nghiên cứu phương án bổ sung các đoạn tuyến, các cầu trên Quốc lộ 19 không đầu tư theo hình thức BOT vào Dự án “Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên” sử dụng vốn vay WB, hoặc báo cáo Bộ xem xét đầu tư bằng nguồn vốn hợp pháp khác”, ông Đông chỉ đạo.

Theo một lãnh đạo Vụ PPP (Bộ GTVT), Tổng công ty 36 sẽ không dễ dời khỏi Dự án. Ngoài “án kỷ luật” đang treo trước mắt, theo đề xuất của đại diện cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Ban Quản lý dự án 5 - Tổng cục Đường bộ Việt Nam), nhà đầu tư sẽ phải tự chịu các chi phí trong bước chuẩn bị đầu tư bổ sung (khoảng 3,4 tỷ đồng).

Cần phải nói thêm rằng, vào đầu tháng 9/2017, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, Tổng giám đốc Tổng công ty 36 đã ký văn bản xin Bộ GTVT dừng đầu tư do không thể xử lý một loạt vướng mắc nảy sinh sau hơn 1 năm “nhận việc”.

Là công trình hạ tầng trọng điểm, có nhiệm vụ kết nối các tỉnh Tây Nguyên với vùng duyên hải Nam Trung bộ, Dự án có mục tiêu cải tạo, nâng cấp 55,7 km Quốc lộ 19 đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, thời gian thực hiện từ tháng 12/2013 đến tháng 12/2015. 
Theo phương án tài chính (PATC) Dự án tạm tính ban đầu để ký hợp đồng BOT là 18 năm 4 tháng 23 ngày (1/1/2016 - 20/5/2034). Sau khi Kiểm toán Nhà nước và nhà đầu tư rà soát các chỉ tiêu đầu vào tính đến 31/3/2016 để chạy lại PATC, thời gian thu phí hoàn vốn chỉ còn lại 10 năm 9 tháng 26 ngày (giảm so với PATC ban đầu hơn 7 năm 6 tháng). 

Ngoài việc chưa thể thuyết phục được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư để ký phụ lục hợp đồng, nhà đầu tư cũng không nhận được “cái gật đầu” của Ngân hàng TMCP VietinBank (nhà tài trợ giai đoạn I). Quan trọng hơn, trong khi chưa được tăng giá dịch vụ theo lộ trình cam kết, số lượng phương tiện miễn giảm cho người dân địa phương lớn; lưu lượng phương tiện trên tuyến tăng trưởng không đạt kỳ vọng như phương án tài chính… đã ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả Dự án. Hệ lụy từ các yếu tố trên sẽ trầm trọng hơn nếu doanh nghiệp tiếp tục đầu tư giai đoạn II.

Lãnh đạo Tổng công ty 36 cho biết, việc phải hạch toán lỗ sẽ ảnh hưởng đến giá trị cổ phiếu của Tổng công ty đang niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của Tổng công ty, các cổ đông đã không chấp thuận việc đầu tư giai đoạn II do chưa đủ điều kiện pháp lý, không đảm bảo phương án tài chính và có nguy cơ gây hiểu lầm trong dư luận xã hội.

“Không chỉ dừng giai đoạn II, chúng tôi sẵn sàng chuyển nhượng Dự án cho các nhà đầu tư khác trong và ngoài nước có quan tâm”, ông Giáp cho biết.

Tin bài liên quan