Tốn 5.200 tỷ đồng nếu áp thuế mới từ đầu 2013

Tốn 5.200 tỷ đồng nếu áp thuế mới từ đầu 2013

(ĐTCK) Nếu áp dụng mức thuế mới từ ngày 1/1/2013, ngân sách nhà nước sẽ thất thu 5.200 tỷ đồng, trong khi nhiều công trình phúc lợi đang rất cần vốn.

Tốn 5.200 tỷ đồng nếu áp thuế mới từ đầu 2013 ảnh 1

Người dân mong chờ được áp thuế mới từ đầu năm tới để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn

 

Trong phiên thảo luận sáng ngày 15/11, không ít đại biểu Quốc hội có ý kiến đề nghị Luật thuế Thu nhập cá nhân sửa đổi lần này - với việc nâng mức khởi điểm chịu thuế lên 9 triệu đồng và giảm trừ cho người phụ thuộc lên 3,6 triệu đồng - cần áp dụng ngay từ ngày 1/1/2013 để hỗ trợ người dân trong bối cảnh thu nhập giảm sút. Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nếu áp dụng từ ngay đầu năm 2013, ngân sách nhà nước sẽ thất thu khoảng 5.200 tỷ đồng, trong khi nhiều công trình phúc lợi đang rất cần vốn. Vì vậy, thời điểm áp dụng Luật vẫn từ 1/7/2013 như Dự thảo.

 

Giảm thuế để thu hút chất xám

Là người “đăng đàn” góp ý đầu tiên, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định giảm thuế thu nhập cá nhân đối với các chuyên gia làm việc tại các khu công nghệ cao và các khu công nghiệp phần mềm. Sau khi viện dẫn hàng loạt lý do từ quy định của pháp luật hiện có đến thực tế việc thu hút nhân tài ở nhiều địa phương thời gian qua, đại biểu Thành cho rằng, việc giảm thuế cho các đối tượng này sẽ thu hút được lao động chất lượng cao trong và ngoài nước, từ đó nguồn thu “chắc chắn sẽ tăng lên về giá trị tuyệt đối do mở rộng được việc làm và thu hút được lao động, đặc biệt là những lao động có tri thức”.

Ở một góc nhìn khác, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho biết, hiện cả nước có 3,2 triệu hộ nộp thuế theo diện kinh doanh, nhưng chỉ có 194.000 hộ nộp thuế theo Luật thuế Thu nhập cá nhân, còn lại là thuế khoán, vì vậy cần có xem xét cụ thể về đối tượng này để đảm bảo công bằng.

“Theo quy định trong Dự thảo luật thuế mới sửa đổi lần này, chúng ta có miễn thuế cho người có thu nhập trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, việc này cần tính toán cho phù hợp”, ông Thường nói và ví dụ, một người lao động một tháng có thu nhập thuộc diện phải nộp thuế 5 triệu đồng thì theo quy định hiện hành phải nộp thuế 50.000 đồng, như vậy một năm nộp 600.000 đồng. Nhưng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, có người một năm thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng, mà họ lại không phải nộp một đồng thuế nào. “Tôi cho việc này là bất hợp lý. Vì vậy, cần điều chỉnh nội dung này”, ông Thường nói.

Đặc biệt, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) lại đề nghị, “nên đánh thuế theo tổng thu nhập thực, chứ không nên đánh thuế theo khoản thu nhập”.  Đại biểu Hải lý giải, việc trong luật phân chia thu nhập thành các nguồn chịu thuế và nguồn thu nhập không chịu thuế thì sẽ làm xuất hiện nguy cơ trốn thuế và cơ quan thuế sẽ không kiểm soát được, bởi chắc chắn trong xã hội không chỉ tồn tại những nguồn thu nhập được liệt kê trong Dự thảo, mà còn có nhiều nguồn thu nhập khác nữa. Đấy là chưa tính đến nguồn thu nhập mới sẽ xuất hiện cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội. “Không biết pháp luật sẽ xử lý ra sao đối với những nguồn thu nhập chưa có trong Dự thảo?”, đại biểu Hải đặt câu hỏi.

 

Kiến nghị giảm bớt bậc thuế

Nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình với kiến nghị “nên chăng chúng ta bỏ bớt mức thuế bậc 7, tức là mức 35%”. Theo đại biểu Trần Du Lịch (TP. HCM), quy định này mang lại khoản thu không nhiều, nhưng lại đem đến tâm lý rằng thuế khoá quá cao. Nếu như chúng ta bỏ bậc 7 thì Việt Nam sẽ nằm trong những quốc gia có thuế suất thuế thu nhập cá nhân ở mức dưới 30%, là mức rất cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Đồng tình với kiến nghị trên, đại biểu Trần Thanh Hải (TP. HCM) cũng đề nghị điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần theo hướng mức thuế suất cao nhất là 30% và thực hiện giãn khoảng cách giữa các mức thuế để đáp ứng được yêu cầu thu hút những chuyên gia lao động kỹ thuật cao của các nước đến làm việc tại Việt Nam, đáp ứng mục tiêu khuyến khích phát triển lực lượng lao động chất lượng cao trong nước. Đồng thời mức giảm này cũng tương thích với chủ trương giảm thuế thu nhập DN trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đại biểu Chu Đức Quang (Lạng Sơn) lại đề nghị, nên sửa biểu thuế suất theo hướng giãn khoảng cách các bậc thuế xuống còn 5 bậc thay vì 7 bậc, với các mức thuế suất 5%, 10%, 15%, 25% và 35%.

Được biết, Quốc hội dự kiến biểu quyết thông qua Luật thuế Thu nhập cá nhân sửa đổi vào ngày 22/11 tới đây.