Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

"Tôi nghĩ Thủ tướng muốn nghe sự thật bức xúc của doanh nghiệp"

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo dừng khởi tố hình sự vụ án chủ quán cà phê ăn uống “Xin Chào” ở huyện Bình Chánh (TP.HCM), ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, đây là thông điệp được người dân, doanh nghiệp chờ đón.     

Thưa ông, cho đến thời điểm này, có thể nói, vụ việc của chủ quán cà phê “Xin Chào” đã có cái kết có hậu... Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo dừng khởi tố. Nhưng để Thủ tướng Chính phủ phải xử lý một sự vụ như vậy có thực sự cần thiết không, thưa ông?

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất kịp thời. Đây là việc lớn, chứ không phải việc nhỏ. Vì vụ việc diễn ra vào lúc tư tưởng, chủ trương đổi mới kinh tế, cải cách môi trường kinh doanh đang diễn ra và đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Nếu không giải quyết hay không giải quyết theo tư tưởng mới, thì niềm tin về những cải cách mà Chính phủ đưa ra sẽ không đáng tin. 

Lý do là, nếu vụ việc vẫn được đưa ra tòa và có thể xử theo hướng có hậu, nghĩa là người chủ quán được xử vô tội hay xử cho tại ngoại, thì người dân, doanh nghiệp vẫn không thể an tâm với môi trường kinh doanh rủi ro, dễ bị hình sự hóa như vậy. Khi đó, thông điệp gửi tới môi trường kinh doanh sẽ rất khác với cách chỉ đạo dừng khởi tố của Thủ tướng Chính phủ.

Hơn thế, tôi cho rằng, Thủ tướng Chính phủ không thể xa lạ với doanh nghiệp, với các bức xúc cụ thể của doanh nghiệp. Khi muốn doanh nghiệp trở thành động lực của sự phát triển, thì Chính phủ phải là đối tác của doanh nghiệp, sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp, chứ không thể để họ cô đơn.

Tôi tin rằng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được người dân, doanh nghiệp ủng hộ, vì nó thể hiện thông điệp sẵn sàng hiện thực hóa những chủ trương, tư tưởng cải cách theo hướng thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Đây là thời điểm niềm tin cần được vun đắp bằng các hành động cụ thể.

Là một trong những người chắp bút để xóa bỏ cơ sở của tội kinh doanh trái phép trong Luật Doanh nghiệp, ông nhìn nhận vụ việc này thế nào?

Vụ việc này có thể coi là ví dụ điển hình cho sự trăn trở, khó khăn trong tư duy và thực hiện các quan điểm, chủ trương đổi mới của Hiến pháp, của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các chỉ đạo liên tục của Chính phủ về đề cao tính an toàn trong kinh doanh.

Vì quyền kinh doanh là quyền tự do của con người, nên luật pháp phải đảm bảo quyền này. Theo nghĩa đó, người dân có quyền kinh doanh và thông báo với cơ quan có thẩm quyền, kể cả chậm thông báo cũng không bị kết tội kinh doanh trái phép.

Cách ứng xử của cơ quan quản lý nhà nước cũng phải theo tinh thần này, kiểm tra để nâng cao tính tự nguyện thực thi pháp luật của hộ kinh doanh, hướng dẫn họ tuân thủ đúng, chứ không phải là tìm ra càng nhiều vi phạm để xử lý càng tốt; coi người dân và doanh nghiệp là đối tác của mình, chứ không phải là đối tượng. Đây là tính nhân văn của cách quản lý nhà nước hiện đại.

Chỉ khi đó mới tạo được niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào Chính phủ, vào chính sách đổi mới của Nhà nước và điều hành của Chính phủ và các cấp chính quyền, cũng như đảm bảo sự nhất quán giữa chủ trương chính sách và thực thi luật pháp.

Ngày 29/4 tới, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp đầu tiên của Chính phủ mới sẽ diễn ra. Liệu sẽ có những sự vụ tương tự được kêu lên Thủ tướng Chính phủ, thưa ông?

Nếu có sự vụ tương tự, tôi tin là doanh nghiệp sẽ kêu lên Thủ tướng trong dịp này, thay vì đến các cơ quan quản lý theo đúng quy trình...

Tôi nghĩ Thủ tướng Chính phủ muốn nghe sự thật, nghe bức xúc của doanh nghiệp, người dân để cảm nhận được tâm trạng của người kinh doanh, cảm nhận được thực trạng môi trường kinh doanh. Tất nhiên, việc xử lý các vấn đề kiến nghị với Thủ tướng cần theo nhóm và đảm bảo tính điển hình.

Nhưng tôi tin đây là cơ hội để Thủ tướng Chính phủ chia sẻ và cảm nhận cộng đồng doanh nghiệp.

Tin bài liên quan