Địa phương, doanh nghiệp “chung tay, góp sức”
Ngay trước phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3, dự kiến diễn ra hôm nay (2/4) tại Hà Nội, một hội nghị về thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng năm 2018 đã được tổ chức, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Tham dự Hội nghị không chỉ có các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như thường thấy, mà còn có sự xuất hiện của các doanh nghiệp tư nhân cả trong và ngoài nước, như Samsung, Honda, Toyota, Formosa, TH, Masan, Hòa Phát…
“Một điểm mới trong chỉ đạo điều hành năm nay, đó là ngay trong quý I, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế, có giải pháp thực hiện, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện để làm sao đạt mục tiêu tăng trưởng ở mức cao 6,7%. Năm ngoái, phải sau 6 tháng đầu năm, các kịch bản tăng trưởng mới được xây dựng”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nói như vậy.
Khi Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3, các kịch bản tăng trưởng kinh tế mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng sẽ chính thức được đưa ra thảo luận.
Trong đó, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh, với kịch bản 1, tăng trưởng GDP năm 2018 là 6,7%, tương ứng với mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức cao theo Nghị quyết của Quốc hội và mục tiêu phấn đấu của Chính phủ đề ra.
Còn kịch bản 2, tăng trưởng GDP năm 2018 là 6,8%. Kịch bản này được xây dựng bám sát kịch bản 1, trong đó chỉ thay đổi tăng trưởng của ngành công nghiệp, do xét thấy xu hướng tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo khá tốt.
“Chính phủ nhất quán đặt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay, dù Nghị quyết của Quốc hội chỉ quyết nghị ở mức 6,5 - 6,7%. Thậm chí, quan điểm của Thủ tướng là nếu có cơ hội, thì thúc đẩy tăng trưởng ở mức cao hơn”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Chia sẻ quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp khi phát biểu tại Hội nghị cũng đã thể hiện rõ sự “chung lưng, đấu cật” với Chính phủ trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
“Tăng trưởng GRDP của TP.HCM trong quý I đạt khá, tăng 7,64% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,4%). Trong những tháng còn lại của năm, TP.HCM sẽ tập trung quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất - kinh doanh.
Đồng thời, quyết liệt triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM”, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, một đầu tàu kinh tế của cả nước, đã nói như vậy.
Trong khi đó, Bắc Ninh - địa phương mà theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng là năm ngoái tăng trưởng cao, theo đó đã hỗ trợ lớn cho tăng trưởng kinh tế của cả nước - phấn đấu đạt mức tăng trưởng khoảng 11,5%, dù dự kiến con số trong năm nay khoảng 10,5% và dù Samsung, doanh nghiệp lớn nhất tại Bắc Ninh hiện nay đã tăng trưởng sản lượng rất mạnh vào năm ngoái, nên năm nay khó duy trì đà tăng trưởng như vậy.
“Dù thị trường thiết bị di động thế giới đang chững lại, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện sản xuất và xuất khẩu tăng khoảng 8-10% so với năm ngoái”, ông Bang Hyun Woo, Phó tổng giám đốc Samsung Electronics Việt Nam chia sẻ quyết tâm cùng Chính phủ Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Còn ông Phạm Văn Tân, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, toàn ngành dệt may phấn đấu năm nay sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 34-34,5 tỷ USD. Đây là một ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đạt kim ngạch cao sẽ hỗ trợ lớn cho tăng trưởng kinh tế.
Tìm thêm các động lực tăng trưởng mới
Mức tăng trưởng GDP 7,38% trong quý I/2018 được đánh giá rất cao. Ngay cả ông Takehiko Nakao, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khi có cuộc hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm 3 ngày tới Hà Nội, cũng đã đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhờ vậy, năm ngoái, nền kinh tế đã đạt mức tăng trưởng 6,81%.
Theo dự báo của ADB, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ vượt 7% trong năm 2018, với động lực là tăng trưởng xuất khẩu nhanh, tăng tiêu dùng nội địa và hoạt động đầu tưmạnh mẽ từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Những dự báo cho kinh tế Việt Nam 2018 được cho là khá tích cực, với động lực tăng trưởng lớn nhất nằm ở khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo
Những dự báo cho kinh tế Việt Nam 2018 cũng được cho là khá tích cực, với động lực tăng trưởng lớn nhất nằm ở khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo.
Tuy nhiên, ông Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, không được chủ quan để đảm bảo nền kinh tế có thể phát triển nhanh và bền vững.
“Đây là cơ hội tốt để Việt Nam đẩy mạnh cải cách nền kinh tế, tăng khả năng chống chọi với các tác động từ bên ngoài, cũng như làm sao tìm động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế”, ông Ngoạn nói.
Theo ông Ngoạn, Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ vừa làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nhận thấy rằng, chưa bao giờ ngành nông nghiệp Việt Nam có sức hút lớn, nhận được sự quan tâm của các nhà sản xuất cả trong và ngoài nước như hiện nay.
“Nhưng vấn đề là giải quyết bài toán đầu ra cho doanh nghiệp. Nếu chúng ta phát triển được công nghiệp chế biến, chế tạo trong ngành nông nghiệp thì sẽ giải quyết được bài toán này. Làm được điều này là chúng ta cũng đã tạo thêm được động lực mới cho tăng trưởng kinh tế”, ông Vũ Viết Ngoạn nói.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, vấn đề quan trọng nhất hiện nay chính là thị trường, thị trường và thị trường, nhất là trong bối cảnh xu hướng bảo hộ mậu dịch đang lan nhanh.
“Không xuất khẩu được là… chết. Có năng lực sản xuất tốt, quy mô nông sản hàng hóa lớn, nhưng quan trọng là phải tìm thêm được các thị trường mới để thúc đẩy xuất khẩu”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Các động lực tăng trưởng mới khác, theo đại diện của các bộ, ngành, còn nằm ở không chỉ thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế, mà còn cả khách du lịch trong nước; ở tận dụng các cơ hội do các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại trong thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư…
“Năm nay, chúng ta không đặt vấn đề tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô trong nước, mà vẫn giữ nguyên kế hoạch sản xuất 11,31 triệu tấn ở tất cả các kịch bản.
Tuy nhiên, tùy tình hình cụ thể về khả năng khai thác trong nước và diễn biến giá dầu quốc tế, Chính phủ có thể chủ động điều hành linh hoạt trong việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô trong nước”, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh nói