Tiếp tục xây dựng nền tảng để sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại

Sau khi đánh giá “nhiều tiêu chí để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại dự kiến không đạt…”, Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đã đưa ra mục tiêu “tiếp tục xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Tiếp tục xây dựng nền tảng để sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại

Như vậy, có hai vấn đề đáng quan tâm. Thứ nhất là “nhiều tiêu chí để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại dự kiến không đạt”.

Cụ thể, GDP bình quân đầu người theo như dự kiến đến năm 2020 trong Dự thảo Văn kiện mới đạt 64-70% mức theo tiêu chí nước công nghiệp. Nếu những năm sau năm 2020 cũng tăng với tốc độ như dự kiến thời kỳ 2016-2020 (khoảng 8,7%/năm), thì phải mất 6 năm sau đó mới có thể đạt được mức trên 5.000 USD/người của nước công nghiệp. Đó là chưa kể mức bình quân theo tiêu chí sẽ cao lên nữa khi giá có thể còn được tính lại theo mức độ trượt giá của USD.

Một số vấn đề (và cũng là giải pháp) để sớm thực hiện mục tiêu này là: phục hồi tốc độ tăng trưởng GDP theo giá so sánh (phải đạt từ 7% trở lên); không nên kiềm chế lạm phát ở mức thấp quá như năm 2014 (tăng 1,84%) và 9 tháng đầu năm nay (tăng 0,4%), mà kiểm soát theo mục tiêu (thấp hơn tốc độ tăng GDP); ổn định tốc độ tăng của tỷ giá ở mức như bình quân thời kỳ 2011-2014 (tăng 2,05%/năm), hoặc bằng với tốc độ tăng của thời kỳ 2011-2015 (2,24%/năm - tương đương tốc độ tăng GDP của Hoa Kỳ).

Tỷ trọng nông, lâm nghiệp - thủy sản trong GDP năm 2014 ở mức 18,12% (hay tỷ trọng các nhóm ngành còn lại đạt 81,88%). Tỷ trọng này dù đã thấp hơn so với các năm trước, nhưng so với tiêu chí nước công nghiệp (10%) thì còn quá cao. Với mức giảm 0,12 điểm phần trăm 1 năm như trong 10 năm qua thì đến năm 2020 vẫn còn ở mức trên 15%. Đây là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất.

Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP trong mấy năm nay vừa còn thấp, vừa bị giảm (năm 2011 là 13,35%, 2012 là 13,28%, 2013 là 13,34%, 2014 là 13,18%), thì việc đưa lên trên 20% còn phải mất nhiều năm.

Tỷ trọng lao động làm việc trong nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản đã giảm liên tục mấy năm nay, nhưng mức giảm bình quân mỗi năm chưa được một điểm phần trăm. Nếu cứ với tiến độ này, đến năm 2020, tỷ trọng trên vẫn ở mức trên 40%- còn cao hơn nhiều tiêu chí của nước công nghiệp (35-40%).

Điều này làm năng suất lao động của Việt Nam, dù đã tăng lên, nhưng chủ yếu do chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các nhóm ngành và có sự đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2014, năng suất lao động của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản chỉ bằng 21,7% của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng, bằng 28,7% của nhóm ngành dịch vụ; của khu vực FDI (trực tiếp) cao gấp 6,1 lần của khu vực kinh tế trong nước. Do vậy, cần đưa vốn về khu vực nông thôn để thu hút lao động ở nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản sang làm công nghiệp, dịch vụ, để vừa nâng năng suất lao động chung, vừa đẩy nhanh tỷ lệ đô thị hóa theo phương thức “ly nông bất ly hương”; quan trọng hơn là tác động đến các yếu tố làm tăng năng suất lao động như khoa học - công nghệ, đào tạo...

Tỷ lệ đô thị hóa, thể hiện bằng tỷ trọng dân số thành thị của Việt Nam, đã tăng liên tục từ nhiều năm qua và năm 2014 đã đạt 33,1%, khả năng năm 2015 cũng chỉ đạt dưới 35% - thuộc loại thấp trong khu vực và trên thế giới. Với “tiến độ” như thời gian qua, đến năm 2020 cũng còn thấp hơn tiêu chí nước công nghiệp.

Vấn đề đối với Việt Nam là đưa vốn về nông thôn xây dựng các cơ sở công nghiệp - dịch vụ hình thành các thị trấn mới, mở rộng các thị trấn, thị xã, thành phố...

Điện sản xuất bình quân đầu người năm 2014 đạt xấp xỉ 1.546 Kwh; khả năng năm 2015, sản lượng điện tăng 12,3% (như 9 tháng), dân số tăng 1,07%, thì sản xuất điện bình quân đầu người năm 2015 tăng 11,1% so với 2014, hay đạt 1.718 Kwh. Nếu 5 năm tới, tốc độ tăng bình quân năm đạt bằng với thời kỳ 2011-2015 (tăng 10,3%), thì điện sản xuất bình quân đầu người năm 2020 sẽ đạt 2.805 Kwh - thấp hơn tiêu chí nước công nghiệp (3.000 Kwh). Với “tiến độ” như thời gian qua, thì phải năm 2021 mới đạt tiêu chí nước công nghiệp.

Chỉ số Phát triển con người (HDI) năm 2013 theo UNDP, Việt Nam đạt 0,638, đứng thứ 121 trên thế giới (cao hơn các con số tương ứng của năm 2012 là 0,617 và 127). Khả năng đến năm 2020, theo Dự thảo Văn kiện, đạt 0,67, cũng thấp hơn tiêu chí nước công nghiệp (trên 0,7).

Hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập (GNI) năm 2014 đạt 0,43; khả năng đến năm 2020 theo Dự thảo Văn kiện là 0,38 - 0,4 - chưa đạt được tiêu chí nước công nghiệp (0,32 - 0,38).

Tỷ lệ lao động qua đào tạo (tính theo số có bằng cấp, chứng chỉ) năm 2014 đạt 18,2% - cao hơn tỷ lệ 14,16 của năm 2010, hay tăng 3,6 điểm phần trăm, bình quân một năm đạt 0,9 điểm phần trăm. Khả năng năm 2015 đạt 19,1 và đến năm 2020 đạt 23,6 - thấp xa so với tiêu chí nước công nghiệp (55%).

Tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch hợp vệ sinh năm 2014 đạt 93%, sử dụng nước sạch còn thấp hơn. Dự kiến của Dự thảo Văn kiện đến năm 2020, tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch đạt dưới 92% - thấp hơn tỷ lệ theo tiêu chí của nước công nghiệp (100%).

Vấn đề thứ hai, cần cụ thể hóa các cụm từ “nền tảng”, “sớm” và “theo hướng hiện đại” bằng các chỉ tiêu chủ yếu, để có giải pháp thực hiện và đánh giá tiến độ qua các năm.

Sau khi đạt được mục tiêu ra khỏi nhóm thu nhập thấp là rất quan trọng, việc đưa ra mục tiêu trở thành nước công nghiệp là việc chuyển vị thế, là việc xác định đẳng cấp mới của đất nước.

Tin bài liên quan