Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (Ảnh: TTXVN)

Tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị với Thụy Điển, Hungary và Séc

Hôm nay (6/6), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Thụy Điển, Hungary và Cộng hòa Séc.     

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Thụy Điển Urban Ahlin, Chủ tịch Quốc hội Hungary Kover Laszlo và Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Séc Milan Stech, đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu sẽ thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển, Hungary và Cộng hòa Séc từ ngày 6 đến ngày 14/4.

Việt Nam-Thụy Điển: Quan hệ hợp tác tốt đẹp 

Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (ngày 11/1/1969), cũng là nước có phong trào mạnh mẽ ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam (năm 1966). 

Trong bối cảnh quan hệ hai nước tiếp tục phát triển tích cực hơn 40 năm qua, quan hệ giữa hai Quốc hội ngày càng được tăng cường, hai bên phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế, đặc biệt là tại Liên minh Nghị viện Thế giới.

Việt Nam đã nhiều lần đón Tổng thư ký Quốc hội Thụy Điển thăm Việt Nam, làm việc về nội dung hợp tác trong khuôn khổ Dự án do Quốc hội Thụy Điển tài trợ cho Quốc hội Việt Nam (tháng 12 các năm từ 1997-2007). 

Thụy Điển là một trong những nước cung cấp viện trợ phát triển nhiều nhất và có hiệu quả nhất cho ngành văn hóa Việt Nam  

Thời gian qua, đầu tư của Thụy Điển vào Việt Nam tăng trưởng mạnh với 52 dự án, tổng số vốn đăng ký đạt 92,7 triệu USD (tháng 12/2016), đứng thứ 43/115 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. 

Các dự án của Thụy Điển có mặt tại 7 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng và Hưng Yên). Nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Thụy Điển sớm có mặt tại Việt Nam như: Ericsson, ABB, IKEA, Electrolux...

Thụy Điển là nước Tây Bắc Âu viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam (bắt đầu từ năm 1967), tổng viện trợ trên 3,5 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực y tế, cải cách kinh tế, xây dựng thể chế, nhà nước pháp quyền, cải cách hành chính, luật pháp, phát triển nguồn nhân lực, môi trường và biến đổi khí hậu... Sau năm 2013, Thụy Điển chấm dứt cung cấp viện trợ phát triển song phương cho Việt Nam, quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước chuyển sang quan hệ đối tác bình đẳng cùng có lợi.

Trước đây, với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Phát triển quốc tế Thụy Điển, hợp tác văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ hai nước phát triển mạnh. Thụy Điển là một trong những nước cung cấp viện trợ phát triển nhiều nhất và có hiệu quả nhất cho ngành văn hóa Việt Nam với những dự án trong các lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, nâng cao kỹ năng và nghiệp vụ trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình, báo viết của Việt Nam. Hai bên đã ký hai Hiệp định hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa và truyền thông. Hợp tác trong lĩnh vực âm nhạc, phim ảnh, nhạc kịch cũng đạt được những kết quả tích cực. 

Về giáo dục-đào tạo, Thụy Điển đã giúp Việt Nam đào tạo chuyên gia, kỹ sư, tiến sỹ trong các ngành lâm nghiệp, giấy, năng lượng, công nghệ sinh học, y học, báo chí. 

Bên cạnh đó, một số trường đại học lớn của Thụy Điển như trường Đại học Uppsala đã liên kết với trường Đại học Quốc gia Hà Nội mở các khóa đào tạo tại Việt Nam. 

Về du lịch, lượng khách Thụy Điển đến Việt Nam trong năm 2016 đạt 37.679 lượt, tăng 17% so với năm 2015. 

Từ lâu Việt Nam và Thụy Điển đã có quan hệ hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong thập niên 1970, Thụy Điển đã giúp Việt Nam xây dựng dự án Nhà máy giấy Bãi Bằng - một trong những nhà máy giấy lớn và hiện đại nhất Việt Nam. 

Chương trình "rừng, cây và con người" cuối thập niên 1980 đã góp phần tạo ra vùng nguyên liệu với hàng ngàn ha rừng và phát triển kinh tế-xã hội 5 tỉnh vùng trung tâm miền núi phía Bắc. 

Khi Việt Nam bước sang thời kỳ Đổi mới, hỗ trợ của Thụy Điển luôn gắn liền với ưu tiên chiến lược, chuyển dần từ hỗ trợ kỹ thuật sang nâng cao năng lực xây dựng và thực thi chính sách phát triển ngành với phương thức tiếp cận mới phù hợp với nền kinh tế thị trường...

Quan hệ Việt Nam-Hungary: Năng động, tích cực 

Việt Nam-Hungary thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 3/2/1950. Trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu của nhà nước và nhân dân Hungary. Năm 1990, Hungary thay đổi chế độ chính trị, tuy nhiên mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống vẫn được duy trì và gần đây có nhiều bước phát triển mới. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao. 

Quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước phát triển tích cực. Chủ tịch Quốc hội Kover Laszlo (tháng 11/2015), Phó Chủ tịch Quốc hội Gergely Gulya (tháng 1/2017) đã thăm Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm Hungary (tháng 6/2008), nhiều đoàn cấp Ủy ban của Quốc hội Việt Nam đã thăm Hungary trong những năm qua. 

Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước phát triển năng động. Tính đến năm 2016, Hungary có 15 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 50,66 triệu USD, đứng thứ 55 trong tổng số 105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. 

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Hungary gồm hàng dệt may, giày dép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Hungary sang Việt Nam gồm tân dược, máy móc, phụ tùng, hóa chất, thức ăn gia súc...

Hợp tác hai nước trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học môi trường được duy trì và phát triển. 

Hai nước thường xuyên tổ chức các Tuần lễ văn hóa Việt Nam-Hungary để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau cả về văn hóa, xã hội. 

Việt Nam-Cộng hòa Séc: Hợp tác trên nhiều lĩnh vực 

Thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 2/2/1950, từ đó đến nay Cộng hòa Séc luôn quan tâm thực hiện chính sách phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước liên tục phát triển. 

Hai bên duy trì trao đổi đoàn cấp cao, nổi bật là các chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Hạ viện Séc Zaôralếch (tháng 2/2006), Phó Chủ tịch Hạ viện V. Philip (tháng 4/2007 và tháng 11/2008), Phó Chủ tịch Thượng viện Milútsơ Hôxka (năm 2013), Chủ tịch Thượng viện Milan Stech (tháng 11/2015); các chuyến thăm Séc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (tháng 4/2009), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (tháng 9/2011), Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (tháng 9/2014). Cơ quan lập pháp hai nước thường xuyên cử đoàn cấp Ủy ban thăm làm việc nhằm trao đổi kinh nghiệm lập pháp, giám sát và các lĩnh vực chuyên môn. 

Cộng hòa Séc hiện có 34 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư là 89,9 triệu USD, đứng thứ 45/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.   

Trong những năm qua, việc trao đổi đoàn giữa hai nước diễn ra thường xuyên. Cộng hòa Séc là nước Đông Âu đầu tiên cấp ODA cho Việt Nam. Từ năm 2013, Cộng hòa Séc không xếp Việt Nam vào danh sách các nước nhận viện trợ phát triển ODA do sự tiến bộ trong phát triển kinh tế của Việt Nam những năm gần đây. 

Từ năm 1999 đến nay, Chính phủ Cộng hòa Séc tiếp tục cấp học bổng cho sinh viên và nghiên cứu sinh của Việt Nam (4-5 suất học bổng). Hai bên đang đàm phán ký mới Thỏa thuận hợp tác về giáo dục cho giai đoạn mới. Quan hệ hợp tác lao động bắt đầu được khôi phục sau nhiều năm gián đoạn. 

Ngày 3/7/2013, Chính phủ Séc quyết định công nhận người Séc gốc Việt như một dân tộc thiểu số thứ 14. Cộng đồng người Việt Nam tại Séc hiện có hơn 60.000 người. 

Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc trong những năm qua không ngừng được củng cố, phát triển. Kim ngạch thương mại hai chiều duy trì ở mức khá, năm 2013 đạt 238 triệu USD, năm 2014 đạt 294 triệu USD, năm 2015 đạt 248 triệu USD, năm 2016 đạt 249 triệu USD. 

Cộng hòa Séc hiện có 34 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư là 89,9 triệu USD, đứng thứ 45/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. 

Chuyến thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển, Hungary và Cộng hòa Séc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục củng cố, tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và ba nước nói trên, trong đó có quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Cơ quan lập pháp của ba nước.

Tin bài liên quan