Bến Tre hiện có nhiều doanh nghiệp chế biến dừa, sản phẩm thế mạnh của địa phương. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty Chế biến dừa Lương Quới

Bến Tre hiện có nhiều doanh nghiệp chế biến dừa, sản phẩm thế mạnh của địa phương. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty Chế biến dừa Lương Quới

Tiếp sức cho doanh nghiệp, doanh nhân tỏa sáng

(ĐTCK) Những năm gần đây, đời sống kinh tế - xã hội của người dân Bến Tre không ngừng được cải thiện, trong đó GDP năm 2016 đạt 7,5%, thu nhập bình quân đạt 37 triệu đồng/người. Một trong những nhân tố góp phần mang lại kết quả trên chính là tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh cũng như sự nỗ lực của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tỉnh nhà.  

Nghị quyết Đại hội X, Đảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2020, Bến Tre phấn đấu nâng mức sống của người dân tỉnh nhà ngang bằng mức sống của người dân trong khu vực, phát triển 1.400 doanh nghiệp tư nhân trong nước và 20 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2017 đã được Tỉnh ủy Bến Tre chọn làm năm “hành động”.

Đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn góp phần tạo ra nhiều việc làm cho người lao động tại địa phương.

Trước đó, năm 2016, Bến Tre được xem là một trong những tỉnh tiên phong phát động thực hiện chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, mục tiêu của Chương trình đưa ra là phấn đấu cao hơn chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh là giai đoạn 2016 – 2020, là phát triển 2.500 doanh nghiệp, phát triển mới 25.000 hộ kinh doanh cá thể. Và cũng trong năm 2016, chỉ số PCI của tỉnh đứng hàng thứ 12.

Những điều này cho thấy khát khao của hệ thống chính trị và nhân dân Bến Tre trong quyết tâm phát triển kinh tế, không để bị tụt lại sau các tỉnh trong khu vực và trong nước.

Một trong những nội dung không thể thiếu trong các chuyến thăm, làm việc của các đồng chí lãnh đạo Trung ương đến tận cơ sở sản xuất là động viên doanh nghiệp tiếp tục vươn lên. Hiện tại, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp được trao trọng trách cũng như tạo nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển và hội nhập vào dòng chảy của nền kinh tế thế giới, làm giàu cho bản thân, đóng góp cho xã hội.

Theo thống kê, đến 13/3/2017, toàn tỉnh có trên 3.169 doanh nghiệp, 46.000 hộ kinh doanh cá thể. Nếu chỉ tính riêng ở ngành dừa, khoảng 20 năm trước đây, nổi bật là Công ty TNHH Sản xuất kẹo dừa Đông Á, với câu chuyện bà già đi kiện ở Trung Quốc để đòi lại thương hiệu, thì nay, nổi trội lên doanh nghiệp dẫn đầu như Công ty Chế biến dừa Lương Quới, Thành Vinh, Vĩnh Tiến...

Sản phẩm từ dừa của Bến Tre hiện có mặt ở 105 quốc gia và vùng lãnh thổ. Không lâu nữa, tỉnh sẽ thành lập Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu. Không khí người người khởi nghiệp, nhà nhà khởi nghiệp sẽ càng trở nên sôi nổi hơn.

Mấy năm gần đây, sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vào GDP của Bến Tre đã tăng vượt bậc. Cụ thể: năm 2015 là 28%, năm 2016 là 30%; đóng góp vào ngân sách của tỉnh năm 2016 là 38,77%.

Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp còn góp phần quan trọng cùng tỉnh thực hiện chính sách an sinh xã hội. Theo thống kê chưa đầy đủ, số tiền này hàng năm vượt xa con số hàng chục tỷ đồng. Tùy theo đặc thù ngành hàng mà các doanh nghiệp có sự hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng thụ hưởng.

Chẳng hạn, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bến Tre có chương trình hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, tình thương, làm cầu đường và tặng học bổng hàng năm giá trị hàng tỷ đồng. Có doanh nhân còn tham gia là thành viên Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh.

Trong ngành ngân hàng, các thành viên hàng năm đều tổ chức cuộc thi việt dã dành cho học sinh, sinh viên, tặng học bổng, hiến máu tình nguyện... VNPT Bến Tre hay Prudentinal đồng hành với các giải việt dã, tặng học bổng do Báo Đồng Khởi tổ chức... Những hoạt động có đa dạng về hình thức, nhưng tựu trung lại đều nhằm mục tiêu chia sẻ, hướng về cộng đồng.

Đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn góp phần tạo ra nhiều việc làm cho người lao động tại địa phương.

Theo thống kê mới nhất, hai khu công nghiệp của tỉnh có trên 20.000 công nhân lao động đang làm việc. Mỗi cơ sở kinh doanh cá thể giải quyết việc làm cho từ 2 - 10 lao động. Việc truyền nghề cho lao động phổ thông cũng là vấn đề đáng chia sẻ ở Bến Tre. Cụ thể, có 74.409 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ lao động được truyền nghề chiếm 15%.

Nhìn lại sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua, chúng tôi cho rằng đây là những nỗ lực rất đáng trân trọng.

Để tiếp nối những nỗ lực này, các địa phương cần tiếp tục tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho doanh nhân, doanh nghiệp ngày càng phát triển. Khi có sự đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhân dân, đặc biệt là nỗ lực vươn lên về số lượng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, chắc chắn kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ phát triển, góp sức vào sự phát triển chung của kinh tế đất nước.

Tin bài liên quan