Thúc tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc Bến Lức - Long Thành

Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài gần 58 km, trong đó đoạn qua TP.HCM dài 25km, qua các xã Bình Chánh, Tân Quý Tây, Hưng Long và Đa Phước (huyện Bình Chánh); các xã Nhơn Đức, Long Thới (huyện Nhà Bè) và xã Phước Khánh (huyện Cần Giờ).

Sơ đồ Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành. Ảnh: Nguồn Internet

Sơ đồ Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành. Ảnh: Nguồn Internet

Tổng diện tích đất bị giải tỏa khoảng 125 ha, có 1.162 hộ bị ảnh hưởng, kinh phí trả cho dân khoảng trên 1.064 tỷ đồng. Hiện nay, tình hình giải tỏa mặt bằng rất chậm do người dân chưa thỏa thuận đơn giá đền bù ở các nút giao chồng lấn ranh; người dân sau khi bị giải tỏa, còn đất ruộng xin tạm cư tại chỗ; người dân nhận được tiền đền bù rồi, xin được mua đất ruộng cất nhà định cư tại địa phương và nhiều người chưa nhận hết xuất đền bù…

Vừa qua, UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Hữu Tín - Phó chủ tịch UBND TP. HCM đã chỉ đạo các huyện có liên quan phải chú trọng việc ổn định đời sống nhân dân làm chính, tạo mọi điệu kiện có thể, linh hoạt trong chính sách để người dân ổn định chổ ở và không bị thiệt hại về quyền lợi khi phải di dời.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng vốn giai đoạn I lên đến 31.320 tỷ đồng (1,6 tỷ USD), là tuyến đường có suất đầu tư lớn nhất Việt Nam.

Trên tuyến cao tốc có 3 cầu lớn, trong đó cầu Bình Khánh (qua sông Soài Rạp; dài 2,76 km nối huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ của TP. HCM) có nhịp chính dài 375 m, trụ chính cao 155 m và cầu Phước Khánh (qua sông Lòng Tàu, dài 3,18 km nối huyện Cần Giờ - TP. HCM - với huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) có nhịp chính dài 300 m, trụ chính cao 135 m. Cả 2 cầu đều có kết cấu dây văng quy mô tương tự cầu Cần Thơ với khổ tĩnh không thông thuyền cao 55 m nhằm đảm bảo cho tàu biển trọng tải trên 50.000 DWT qua lại.

Theo chủ đầu tiw dự án là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), suất đầu tư của cao tốc Bến Lức - Long Thành cao là do phải đi qua vùng địa chất, thủy văn rất phức tạp thuộc vùng ven biển, cửa sông ở khu vực Đông Nam Bộ. Nhất là khu sinh quyển rừng Cần Giờ với nền địa chất rất yếu, nhiều sông ngòi, vùng sình lầy nên phải xây dựng hơn 20 km cầu và cầu cạn (cầu đôi).

Bên cạnh đó, một phần dự án đi qua đường vành đai 3 của TP. HCM nên cần đến 6 nút giao (chi phí đầu tư mỗi nút giao từ 500 tỷ đồng đến cả nghìn tỷ đồng), hàng trăm cống hộp dân sinh, cống thoát nước cùng các công trình phụ trợ để đảm bảo vận hành khai thác.

Tin bài liên quan