Thủ tướng: Thách thức lớn nhất của ASEAN là phát triển không đều

Là một trong 6 diễn giả tham gia phiên thảo luận về cộng đồng ASEAN tại Diễn đàn Kinh tế thế giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ những thách thức, đồng thời bày tỏ sự lạc quan về tương lai của khu vực.

Thủ tướng Việt Nam là diễn giả đầu tiên được mời chia sẻ ý kiến trong phiên thảo luận về cộng đồng ASEAN tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Hồi đáp liên tiếp 3 câu hỏi, ông khẳng định vai trò, vị trí của khu vực đối với nền kinh tế thế giới với trên 600 triệu dân và GDP 2.600 tỷ USD.

"Trên thế giới, cứ 11 người lại có một người từ ASEAN. Các nước sẽ tiếp tục hợp tác nhau để phát triển và đưa khu vực thành nền kinh tế lớn thứ 4, thứ 5 thế giới. Đó là tầm nhìn chung của 10 nước", người đứng đầu Chính phủ nói.

Về thách thức lớn nhất của ASEAN hiện tại, Thủ tướng cho rằng đó là sự không đồng đều, cả về thể chế kinh tế và sự phát triển nói chung. ASEAN còn chưa hội nhập sâu vào kinh tế thế giới để thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực và bắt kịp các khu vực khác. Khoảng cách về phát triển này, đặc biệt giữa các nhóm quốc gia trong khối, là vấn đề ASEAN cần cùng nhau giải quyết. Các nước cần chia sẻ kinh nghiệm về chính sách pháp lý.

Toàn văn phiên thảo luận

Nhận định về tình hình hiện tại của ASEAN, Thủ tướng nêu rõ ASEAN có 3 trụ cột để thúc đẩy tăng trưởng là chính trị, kinh tế và văn hóa. Về chính trị, 10 nước ASEAN đang cùng nhau duy trì môi trường hòa bình, ổn định và thống nhất, đặc biệt là với các quốc gia láng giềng hữu nghị.

Về góc độ kinh tế, các nước đã thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, bắt đầu hoạt động từ năm 2016. Người dân và các thực thể pháp lý đã được phép di chuyển tự do trong khối. Thương mại và đầu tư tại ASEAN vẫn tiếp tục tăng trưởng hằng năm. Về văn hóa, ASEAN đang thúc đẩy trao đổi trong khu vực, nhằm đẩy mạnh du lịch và nhiều lĩnh vực khác.

Thủ tướng cho biết mỗi năm, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, các nước đều bàn bạc những vấn đề trong khu vực và trên thế giới, và tập trung vào kinh tế và việc làm thế nào hỗ trợ lẫn nhau. Việc này cần giải pháp của các đối tác phát triển và các tổ chức tài chính lớn trên thế giới để giải quyết vấn đề khác biệt và vượt qua các thách thức.

Khi nói về những áp lực từ Mỹ và Trung Quốc, Thủ tướng cho biết quan điểm của Việt Nam là "khép lại quá khứ và hướng đến tương lai". Các nước nên hỗ trợ nhau những vấn đề về kinh tế để cùng phát triển, còn các xung đột khác sẽ phải giải quyết bằng ngoại giao.

Vì vậy, quan điểm của Việt Nam là ủng hộ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) và sáng kiến "Một vành đai, một con đường" do Trung Quốc khởi xướng, để giúp cải thiện cuộc sống cho người dân các nước. Ông cũng cho biết trong một cuộc họp trước đó, Thủ tướng Trung Quốc – Lý Khắc Cường đã tuyên bố phải xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) trong năm 2017. Việc này có thể gìn giữ hòa bình và phát triển thương mại. Ông cũng không cho rằng xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ xảy ra, vì tất cả các nước phải có trách nhiệm với thế giới. Các bên có thể bàn bạc để giữ môi trường hòa bình.

thu-tuong-thach-thuc-lon-nhat-cua-asean-la-phat-trien-khong-deu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tự tin về tương lai của ASEAN.

Phiên thảo luận còn có sự góp mặt của Thủ tướng Campuchia - Samdech Techo Hun Sen, Chủ tịch CIMB (Malaysia) - Nazir Razak, Giám đốc Lippo - John Riady (Indonesia), Giáo sư Kinh tế Quốc tế thuộc Đại học Indonesia - Mari Elka Pangestu và Tổng giám đốc Học viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế - John Chipman.

Các diễn giả đã chia sẻ quan điểm về nhiều vấn đề liên quan đến sự phát triển của ASEAN, trong đó có tính hình hiện tại, các thách thức lớn nhất để thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập, những ảnh hưởng tiềm tàng khi xu hướng trên toàn cầu thay đổi... Bên cạnh đó, áp lực từ chính quyền mới tại Mỹ của ông Donald Trump, tác động từ những vấn đề với Trung Quốc lên thương mại và sự đoàn kết của ASEAN cũng được thảo luận một cách thẳng thắn.

Tuy nhiên, các diễn giả đều tin tưởng vào sự thống nhất và tốc độ tăng trưởng chậm nhưng chắc chắn của ASEAN. Họ nhận xét các nền kinh tế trong khu vực đều đa dạng, cởi mở và có thế mạnh về sự hòa bình, ổn định. Vì thế, các nước sẽ cùng nhau hợp tác giải quyết những thách thức lớn hiện tại, thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực và bắt kịp thế giới.

Nhiều ý kiến chia sẻ quan điểm Đông Nam Á cần thời gian để phát triển. Bà Mari Elka Pangestu cho rằng trong bối cảnh cả thế giới đang lo ngại về bảo hộ, về đóng cửa thương mại, ASEAN vẫn đang cởi mở và tiến lên, dù tốc độ bị chỉ trích là chậm chạp. Bà cho rằng lợi thế lớn nhất của ASEAN là sự hòa bình và đoàn kết.

Đại diện CIMB thì cho rằng các nước cần làm nhiều hơn nữa để tạo ra độ nhận diện chung và xây dựng cộng đồng. Bên cạnh đó, các lãnh đạo cần kiên nhẫn khi phát triển, cùng nhau nâng tốc độ tăng trưởng từ 5% lên 7% và giảm hàng rào phi thuế quan.

Thủ tướng Campuchia - Hun Sen nhận định việc các nước ASEAN về chung một mái nhà là một thành tựu, giúp các nước có nhiều mối quan hệ hợp tác quốc tế, thành lập được cộng đồng kinh tế. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là thu hẹp khoảng cách phát triển và việc này cần thời gian. Ông cũng cho rằng ASEAN cần rút ra bài học từ EU - sau khi người Anh bỏ phiếu chọn rời khối này, để củng cố sự đoàn kết. Thủ tướng Hun Sen cũng bác bỏ quan điểm cho rằng các nước ASEAN là của Chính phủ, mà khẳng định là của người dân, đồng thời muốn WEF hỗ trợ để Mỹ xóa khoản nợ cho nước này từ thời chiến tranh cách đây vài chục năm.

Trước câu hỏi về việc thế giới và ASEAN có thể thay đổi ra sao sau khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, lãnh đạo Campuchia cho biết các quan điểm về ngoại giao và an ninh của ông Trump sẽ tác động đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Ông cho rằng việc này có thể khiến Trung Quốc và Mỹ mâu thuẫn, đồng thời tăng áp lực lên ASEAN. Tuy nhiên, các nước có thể khuyến khích các cuộc đối thoại để giải quyết những vấn đề này.

Khi tổ chức diễn đàn này, WEF nhận định ASEAN đã phát triển rất nhanh và mạnh trong vài thập kỷ qua. Những câu hỏi đặt ra hiện tại là khu vực này sẽ xây dựng độ nhận diện và bảo vệ sự toàn vẹn của mình như thế nào. Phiên thảo luận sẽ giải quyết các vấn đề như: Làm cách nào để đánh giá sự cân bằng về cạnh tranh và hợp tác giữa các nước thành viên? Cách hợp tác để tạo ra hệ sinh thái chính sách bao trùm và cộng đồng văn hóa vững mạnh hơn, đồng thời Tìm ra những giá trị chung giúp xác lập hình ảnh của ASEAN trên toàn cầu.

Thủ tướng Việt Nam là một trong hơn 40 nguyên thủ quốc gia tham dự WEF tại Davos (Thụy Sĩ) năm nay. Ngoài góp mặt trong các phiên thảo luận của diễn đàn, Thủ tướng còn tham gia nhiều hoạt động bên lề, quảng bá về các thành tựu và tiềm năng của Việt Nam, nhằm tìm cơ hội hợp tác phát triển kinh tế.

thu-tuong-thach-thuc-lon-nhat-cua-asean-la-phat-trien-khong-deu-1

Phiên thảo luận đề cập đến khá nhiều vấn đề thời sự của ASEAN như căng thẳng trên Biển Đông, ảnh hưởng của chính sách lãi suất Mỹ tới khu vực...

Trước đó vào chiều 19/1 (theo giờ Thụy Sĩ), Thủ tướng đã tham dự và phát biểu tại 3 phiên thảo luận, về "Tương lai nền sản xuất dưới góc độ chiến lược khu vực", "Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm trong một thế giới đa cực" "Triển vọng ASEAN sau chặng đường 50 năm thành lập và phát triển".

Người đứng đầu Chính phủ cũng gặp Chủ tịch Alibaba - Jack Ma và đề nghị ông hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp với doanh nghiệp Việt. Trong buổi gặp, Thủ tướng cũng mong muốn các công ty như Alphabet, Prudential, Qualcomm và Carlyle mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.

Thủ tướng cũng đã gặp gỡ nguyên thủ nhiều nước, các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới, lãnh đạo các tổ chức như WB, WEF, ADB, WTO, các công ty tài chính thành viên của WEF và cơ quan báo chí quốc tế.

WEF Davos là hội nghị thường niên lớn nhất của WEF, quy tụ lãnh đạo cấp cao các nước, tổ chức quốc tế lớn và các tập đoàn hàng đầu thế giới. Sự kiện năm nay có hơn 3.000 đại biểu, trong đó có hơn 40 nguyên thủ quốc gia. Hội nghị có khoảng hơn 400 phiên thảo luận với chủ đề "Lãnh đạo trách nhiệm và hành động".

Tin bài liên quan