Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Không chủ quan dù kinh tế phục hồi rõ nét

Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, GDP quý I tăng trên 6%, song theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, không nên quá chủ quan và phải hết sức coi trọng công tác điều hành, bởi tình hình kinh tế thế giới còn đầy biến động, giá dầu tiềm ẩn nhiều rủi ro...
Tổng cầu tăng đang tạo động lực cho sản xuất của doanh nghiệp. Ảnh: Hà Thanh

Tổng cầu tăng đang tạo động lực cho sản xuất của doanh nghiệp. Ảnh: Hà Thanh

Kinh tế hồi phục tích cực

Ngày mai (2/4), phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2015 mới chính thức diễn ra. Tuy nhiên, trước đó, chiều tối 30/3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Ban Chỉ đạo liên bộ về phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô đã có phiên họp thường kỳ quý I/2015.

Và thông tin trên được ghi nhận, đó là tất cả các thành viên Ban Chỉ đạo đều thống nhất quan điểm cho rằng, kinh tế vĩ mô đã ổn định vững chắc hơn, hồi phục tích cực hơn. Các vị Bộ trưởng còn chia sẻ rằng, con số tăng trưởng GDP 6,03% trong quý I/2015 đã khiến họ rất bất ngờ, thậm chí là… giật mình, nhất là khi mức tăng trưởng của quý I/2014 chỉ là 5,06%. “Có thể yên tâm về con số này bởi tất cả các phương pháp thống kê, so sánh đều chặt chẽ. Kinh tế vĩ mô đã hồi phục và ổn định vững chắc hơn”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Viện dẫn các con số về tốc độ tăng Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2015 lên tới 9,1%, tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng đạt mức 8,35%, tăng gần gấp đôi so với mức tăng 4,42% của cùng kỳ, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng có chung nhận định với Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong quý II khi mà hàng loạt dự án phân đạm, hóa chất, điện… sẽ được ngành công thương đưa vào vận hành trong thời gian tới. Tương tự, là các dự án FDI quy mô lớn.

“Năng lực sản xuất tăng thêm sẽ thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển. Cộng với việc kịch bản giá dầu thấp ở mức 40 USD/thùng sẽ không xảy ra, mà sẽ đạt khoảng 60 USD/thùng trong quý tới, kinh tế sẽ diễn biến tích cực hơn”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định.

Với tốc độ tăng trưởng GDP 6,03% trong quý I, các thành viên Ban Chỉ đạo đều cho rằng, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,2% trong năm nay là khả thi. Thậm chí, nếu nỗ lực, còn có thể đạt được con số 6,3 - 6,5%.

Khá lạc quan, Tổ trưởng Tổ công tác liên bộ về quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô Cao Viết Sinh cho biết, nhìn vào tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I/201 tăng tới 9,2% (sau khi trừ yếu tố giá cả), cao hơn nhiều mức tăng 5,1% của cùng kỳ, có thể thấy tổng cầu tiêu dùng có mức hồi phục đáng kể, xấp xỉ bằng mức tăng của những năm có tăng trưởng cao trước đây (như giai đoạn 2004 - 2006).

Tổng cầu tăng tạo động lực cho sản xuất của doanh nghiệp. Chính vì thế, kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê đối với xu hướng hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN ngành chế biến, chế tạo trong quý I/2015 cho biết, có 27,7% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng sản xuất cao hơn quý trước; có 40,4% DN có đơn hàng ổn định. Đồng thời, 25% số DN khẳng định có số đơn hàng xuất khẩu cao hơn trước trước và 50,3% có đơn hàng xuất khẩu ổn định.

Con số còn tích cực hơn ở quý II, khi 42,9% DN có đơn hàng xuất khẩu cao hơn quý I và có 43,1% số DN ổn định đơn hàng xuất khẩu.

“Đây là tín hiệu cho thấy, sản xuất sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi trong quý tới và tăng trưởng GDP cũng vậy”, ông Cao Viết Sinh nhận định.

Linh hoạt thực hiện chính sách tiền tệ, tỷ giá

Một con số được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình công bố tại cuộc họp. Đó là tăng trưởng dư nợ tín dụng đến nay đã đạt 1,92%, một con số tích cực so với mức tăng chỉ 0,04% của cùng kỳ. Là mạch máu nuôi dưỡng nền kinh tế, việc dư nợ tín dụng tăng cao cũng là dấu hiệu cho sự “thuận buồm” hơn của sản xuất - kinh doanh.

Mặc dù vậy, tại cuộc họp, Tổ công tác liên bộ về quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô đã đề xuất việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của năm nay lên 15 - 17%. “Tất nhiên, việc điều chỉnh này phải trên cơ sở tập trung cho sản xuất và kiểm soát cho vay bất động sản”, ông Cao Viết Sinh nói và cho rằng, cũng cần phấn đấu để giảm mặt bằng lại suất trung và dài hạn cho DN xuống 1-1,5%/năm. Trong khi đó, liên quan đến vấn đề tỷ giá, Tổ công tác cho rằng, dù thời gian qua, USD lên giá có tác động nhất định đến tâm lý thị trường, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng và tự do đều có xu hướng tăng, song vẫn nằm trong biên độ cho phép (hiện dao động quanh mức 21.460 - 21.520 VND/USD).

“Qua đánh giá, các thành viên của Tổ công tác cho rằng, việc USD lên giá có thể chưa tác động bất lợi nhiều đến xuất khẩu và nhập siêu. Mặt khác, đồng EUR và yên Nhật giảm giá là cơ hội để Việt Nam nhập khẩu máy móc, kỹ thuật công nghệ cao của EU và Nhật Bản với giá thành thấp; đồng thời có tác động tích cực làm giảm nợ vay nước ngoài của Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh bằng các đồng tiền này. Vì thế, trước mắt, chưa cần có thay đổi về định hướng điều hành chính sách tỷ giá đã được đề ra”, ông Cao Viết Sinh bày tỏ quan điểm.

Cũng theo ông Sinh, việc ổn định tỷ giá sẽ góp phần tạo niềm tin thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay và giảm chi phí đầu vào của DN. “Với mức dự trữ ngoại tệ hiện nay và cán cân thanh toán đang ở mức thặng dư, Ngân hàng Nhà nước có đủ điều kiện để ổn định tỷ giá”, ông Sinh khẳng định.

Mặc dù vậy, Tổ công tác cũng cho rằng, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của đồng USD để có giải pháp điều hành linh hoạt.

“Trong năm nay, đúng là chính sách tiền tệ và tỷ giá cần được hết sức lưu ý, bám sát tình hình để có biện pháp điều hành linh hoạt và hợp lý”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã khẳng định, trước mắt sẽ giữ ổn định tỷ giá, đồng thời theo dõi sát tình hình để có giải pháp hợp lý.

Kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô

Khẳng định nền kinh tế có phát triển bền vững hay không phụ thuộc rất lớn vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khi phát biểu kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo liên Bộ đã một lần nữa nhấn mạnh rằng, Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng GDP năm nay ở mức cao hơn mục tiêu đề ra là 6,2%, trong khi lạm phát chủ động kiểm soát ở mức dưới 5%.

“Để đạt được các mục tiêu đề ra, cần tiếp tục làm tốt công tác dự báo, phân tích, đánh giá tình hình để chủ động đề ra các giải pháp linh hoạt, hiệu quả; chủ động trong đề xuất cơ chế, chính sách cho phát triển. Trước hết, phải phấn đấu đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng 6,2%, xuất khẩu tăng 10%, đi liền với đó là kiểm soát tốt nhập khẩu; tiếp tục giữ vững ổn định về tỷ giá; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ trong điều hành, đảm ổn định kinh tế vĩ mô”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đó, Tổ công tác về quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô đã bày tỏ quan điểm rằng, việc tăng giá điện và giá xăng dầu trong quý I sẽ có tác động trực tiếp và gián tiếp đối với lạm phát trong quý II và tiếp tục có tác động trễ tới các quý tiếp theo. Tuy nhiên, Tổ công tác chỉ dự báo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm tăng khoảng 1 - 1,1% so với tháng 12/2014. Trong đó, đóng góp của mức tăng giá xăng, giá điện vào mức tăng chung của quý II là 0,8% và vào mức tăng chung 6 tháng khoảng 0,84%.

“Dù việc giá dầu thế giới còn diễn biến phức tạp, không loại trừ khả năng tăng cao trở lại, ảnh hưởng đến việc kiểm soát lạm phát, cũng như hạ mặt bằng lãi suất cho vay, nhưng lạm phát năm 2015 sẽ được kiểm soát ở mức 4%”, ông Cao Viết Sinh nhận định.

Lạm phát thấp được Tổ công tác cho rằng, là cơ hội để Việt Nam tiếp tục tiến tới cơ chế thị trường đối với các mặt hàng khác mà Nhà nước quản lý, như dịch vụ y tế, giáo dục, bên cạnh các mặt hàng (xăng dầu, điện) đã và đang thực hiện theo cơ chế thị trường.

Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, tốc độ hồi phục của nền kinh tế cũng trở nên rõ nét hơn. Tuy vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, không nên vội chủ quan do tình hình  kinh tế thế giới đầy biến động. “Chúng ta ngồi đây, nhưng chưa biết USD biến động thế nào. Giá dầu cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Do vậy, phải hết sức coi trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô”, Thủ tướng nói.

Tin bài liên quan