Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2016 (VDF 2016) - Ảnh: Đức Thanh

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2016 (VDF 2016) - Ảnh: Đức Thanh

Thủ tướng muốn IFC hỗ trợ giải quyết nợ xấu một cách thực chất

Phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn rằng, Ngân hàng Thế giới, cụ thể là Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) hỗ trợ Việt Nam giải quyết nợ xấu một cách thực chất.     

Có mặt tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2016 (VDF 2016), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ sự cảm ơn đối với các đối tác phát triển khi đã có nhiều ý kiến đóng góp xây dựng, trách nhiệm về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam, cũng như đề xuất các giải pháp thiết thực, cụ thể trong thời gian tới.

Liên quan tới một trong những nội dung được các đối tác phát triển đề cập nhiều tại VDF 2016 -xử lý nợ xấu, Thủ tướng khẳng định, đây là vấn đề “hết sức quan trọng”, bởi nếu không xử lý tốt sẽ ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và tăng trưởng.

“Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý, nhất là về xử lý tài sản bảo đảm, nâng cao năng lực và cơ sở pháp lý của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), phát triển thị trường mua bán nợ. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng tự xử lý nợ xấu, gắn với cơ cấu lại nợ nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, bảo đảm công khai, minh bạch, tiếp cận chuẩn mực quốc tế”, Thủ tướng khẳng định.

Một cách thẳng thắn, Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh việc muốn “nêu vấn đề” với Ngân hàng Thế giới (WB), cụ thể là IFC giúp đỡ giải quyết nợ xấu một cách thực chất.

“Tôi xin tiết lộ là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và một đối tác tư nhân của Việt Nam cũng đang có kế hoạch mua lại một ngân hàng thương mại yếu kém của Việt Nam và có thể giới thiệu cho những đối tác khác để hỗ trợ Việt Nam trong xử lý nợ xấu và các ngân hàng yếu kém (bị mua lại với giá 0 đồng)”, Thủ tướng cho biết.

Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, với mức tăng trưởng GDP bình quân đạt 6,5 - 7% trong giai đoạn 2016 - 2020.

Trong khi đó, liên quan đến nợ công - cũng là một trong những nội dung được Chính phủ Việt Nam “đặt bài” các đối tác phát triển khuyến nghị chính sách, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã thừa nhận “nợ công ngày càng là một thách thức chính sách vĩ mô của Việt Nam”.

Do vậy, thời gian tới, cùng với việc huy động nguồn lực cho phát triển, Chính phủ sẽ chỉ đạo kiểm soát các dự án sử dụng vốn vay theo đúng mục đích, hiệu quả và trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Việc cấp bảo lãnh chính phủ sẽ được hạn chế tối đa. Tương tự, sẽ kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ của chính quyền địa phương, nợ đọng xây dựng cơ bản…; tiếp tục tái cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm chi phí vay vốn…

Phát biểu tại Diễn đàn VDF 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh việc Việt Nam “đã nhận thức rõ vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém phải quyết tâm, tập trung khắc phục để hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, với mức tăng trưởng GDP bình quân đạt 6,5 - 7% trong giai đoạn 2016 - 2020”.

Cũng nhất trí với các ý kiến cho rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm tới còn nhiều rủi ro, nhất là những biến động khó lường của giá dầu, xu hướng tăng bảo hộ thương mại (như việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP gặp nhiều trở ngại), tác động mạnh đến sản xuất, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam…, Thủ tướng khẳng định quan điểm xây dựng hệ thống hành chính quốc gia thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực hiện tốt nhiệm vụ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đây được coi là một nhiệm vụ quan trọng nhất của nhiệm kỳ 2016 - 2020.

Do vậy, trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tạo mọi thuận lợi cho phát triển sản xuất - kinh doanh; kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, kỷ cương, chuyên nghiệp; tập trung cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhũng nhiều, giảm thiểu chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính, xử lý nghiêm vi phạm…

Thủ tướng muốn IFC hỗ trợ giải quyết nợ xấu một cách thực chất  ảnh 1

Chủ đề của VDF 2016 là "Chính phủ kiến tạo và hành động - động lực mới cho phát triển "

Bên cạnh đó, theo khẳng định của Thủ tướng, cũng sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó chú trọng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quy hoạch, đầu tư, kinh doanh…

Việc tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cũng được Thủ tướng coi là một trọng tâm của năm 2017. Tương tự, là triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn, ưu tiên vốn cho phát triển hạ tầng trọng điểm, tạo sự lan tỏa và kết nối phát triển.

“Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn theo cơ chế thị trường trong thực hiện Kế hoạch 2016-2020. Thành lập cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Đối với các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài, mất vốn chủ sở hữu mà không thể tháo gỡ được thì xem xét cho bán, phá sản theo quy định của pháp luật”, Thủ tướng cam kết và nhấn mạnh việc Chính phủ Việt Nam khẳng định bảo đảm an sinh xã hội luôn là một nhiệm vụ ưu tiên.

Việc chủ động hội nhập quốc tế và nỗ lực để triển khai hiệu quả 12 hiệp định thương mại tự do đã ký cũng đã được Thủ tướng một lần nữa khẳng định.

Tin bài liên quan