Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng: 10 tỷ USD xuất khẩu tôm vào năm 2030 là quá thấp

(ĐTCK) Chủ trì Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam diễn ra ngày 6/2 tại Cà Mau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng mục tiêu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra cho ngành tôm là xuất khẩu đạt giá trị 10 tỷ USD vào năm 2030 là quá thấp.

“Hôm qua, làm việc với Minh Phú (tập đoàn thủy sản) thì riêng Minh Phú đã quyết tâm đến 2021 xuất khẩu 2 tỷ USD. Vậy còn 8 tỷ USD nữa với 28 tỉnh có biển và nhiều doanh nghiệp lớn, tại sao không đạt 10 tỷ USD sớm hơn”, Thủ tướng nói. “Tôi đặt vấn đề với các đồng chí đến năm 2025 phải đạt 10 tỷ USD”.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thực tiễn đã chứng minh con tôm là đối tượng sản xuất hàng đầu của ngành nông nghiệp Việt Nam.

“Tiềm năng phát triển con tôm không chỉ là xuất khẩu 3 tỷ USD, 700.000 ha nuôi tôm như hiện nay, mà còn cao hơn nhiều miễn là chúng ta có khát vọng, có quyết tâm”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bày tỏ và mong muốn quyết tâm đó được đồng bộ từ Chính phủ, doanh nghiệp đến người dân.

Điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu (đặc biệt vùng Đồng bằng sông Cửu Long) rất phù hợp để nuôi tôm. Đặc biệt, xâm nhập mặn và kịch bản nước biển dâng dẫn đến nhiều vùng đất sẽ bị nhiễm mặn, có khả năng mở rộng diện tích nuôi tôm. Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, diện tích nuôi tôm nước lợ có khả năng mở rộng lên 800.000-1.000.000 ha, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, theo đại diện các doanh nghiệp, giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao. Nguyên nhân do giá thức ăn (chiếm 65%), chi phí con giống luôn ở mức cao. Bên cạnh đó, nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện...

Tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn xảy ra ở các cơ sở nuôi và chế biến nhỏ lẻ đang làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của sản phẩm tôm Việt Nam.

Ngoài ra, phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa bảo đảm. Hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, hệ thống cấp thoát nước không bảo đảm, các vùng nuôi thâm canh không có ao xử lý nước nên dễ xảy ra dịch bệnh. Nguồn nước dễ bị ô nhiễm do quá trình sản xuất và sinh hoạt, thuốc bảo vệ thực vật từ sản xuất nông nghiệp.

Công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh hiện đang rất hạn chế, chưa được quan tâm đầu tư, dẫn đến năng suất thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao. Mặc dù diện tích lớn nhưng sản lượng và giá trị thấp. Khu vực nuôi tôm quảng canh cần có những đột phá về giải pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ, về con giống.

Tin bài liên quan