Thu hẹp khoảng cách giữa các doanh nghiệp trong công nghiệp hỗ trợ

(ĐTCK) Mới đây, mô hình Trung tâm Công nghệ công lập tại địa phương (Local Public Technology Center (LPTC) – Kohsetsushi) hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phát triển và tham gia vào chuỗi giá trị trong công nghiệp hỗ trợ đã được Viện nghiên cứu Mitsubishi (Nhật Bản) đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu áp dụng tại Việt Nam. Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), để áp dụng được mô hình này, điều quan trọng nhất là cần thu hẹp được khoảng cách giữa các DN trong chuỗi giá trị, cũng như khoảng cách từ chính sách tới thực thi tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh

Mô hình LPTC đã được sử dụng khá thành công tại Nhật bản trong việc hỗ trợ phát triển DNNVV tham gia vào chuỗi công nghiệp hỗ trợ. Theo bà, liệu có thể áp dụng mô hình này tại Việt Nam?

Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, việc áp dụng mô hình này tại Việt Nam còn một số rào cản, do có nhiều khoảng cách lớn về trình độ phát triển, quy mô và mối liên kết giữa các DN Việt Nam, cũng như khoảng cách giữa đưa ra chính sách và tiến hành thực hiện trong lĩnh vực này.

Xét trên mối liên kết DN, có thể thấy liên kết giữa các DN trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện tại còn khá rời rạc, chưa có được mối liên kết chặt chẽ như mô hình Nhật Bản ngay từ đầu. Tại Nhật Bản, khi có một DN lớn, ngay lập tức sẽ xuất hiện các DN nhỏ trở thành nhà thầu phụ cho các DN lớn, sau đó dần lớn mạnh hơn. Trong khi đó, tại Việt Nam, gần như mỗi DN thực hiện một mảng rời rạc, không có mối liên kết nên DN nhỏ không có điều kiện tham gia vào chuỗi giá trị của DN lớn để phát triển.

Một cách biệt nữa là về mặt chính sách. Tại một số quốc gia áp dụng mô hình này, các đối tượng, lĩnh vực hỗ trợ và chính sách, cơ quan hỗ trợ tập trung có trọng tâm trọng điểm. Chúng ta hiện có rất nhiều chính sách cho DNNVV nhưng lại chưa tập trung được về cả lĩnh vực lẫn cơ quan hỗ trợ. Điều này dẫn tới tình trạng chính sách hỗ trợ có rất nhiều song vẫn không hỗ trợ đúng vấn đề DN cần nhất. Chương trình trình hỗ trợ của ta có đủ cả ưu đãi về thuế, tín dụng, nhân lực, khuyến khích công nghiệp hỗ trợ… nhưng các chính sách này không mới, không khác gì những ưu đãi đã có ở các văn bản pháp quy khác, vì vậy vừa thừa vừa thiếu.

Bên cạnh đó, một cách biệt nữa là liên kết giữa DN với các nhà cơ quan quản lý, viện trường chưa thực sự chặt chẽ, chưa đi sâu vào nghiên cứu lợi ích sát sườn cho DN. 

Theo bà, trước mắt cần làm gì để khắc phục những khoảng trống này, cũng như có thể xem xét áp dụng những điểm thành công của mô hình vào thực tiễn Việt Nam hiện nay?

Trước hết, xét về lĩnh vực hỗ trợ, ta cần phải xác định rõ và khoanh vùng ngành công nghiệp nào cần hỗ trợ hiện nay, từ đó mới xác định được lĩnh vực trọng tâm để hỗ trợ. Đối với đơn vị đầu mối hỗ trợ, nên thành lập trung tâm hỗ trợ công nghiệp kiểu này và do địa phương quản lý. Không nhất thiết tỉnh nào cũng phải có một trung tâm, mà có thể mang tính liên vùng, đặt tại nơi thuận tiện giao thông, đầy đủ về cơ sở vật chất và có nguồn nhân lực tốt đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ về kỹ thuật và công nghệ của DN.

Thực tế là tại Việt Nam đã có nhiều trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nên có một phương án khả thi là chúng ta chỉ cần lựa chọn nâng cấp các trung tâm hỗ trợ DN hiện có bằng việc đầu tư ban đầu các thiết bị máy móc. Tuy nhiên, cái khó nhất là làm sao duy trì trung tâm hoạt động có hiệu quả, sử dụng tốt ngân sách, bộ máy, con người…

Bên cạnh đó, một điểm hết sức quan trọng là định hướng và năng lực tư vấn của các trung tâm này cho DNNVV phải thay đổi so với trước đây, cần tư vấn tập trung và thực chất hơn, hướng đúng vào giải quyết vấn đề hỗ trợ kỹ thuật cho DN. Cần phải thấy rõ là DNNVV của Việt Nam phần lớn có quy mô rất nhỏ, rất thiếu và yếu về năng lực kỹ thuật, không đáp ứng được về quy mô và năng lực để ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, một trong những mục đích trước mắt mà trung tâm này cần hướng tới là hỗ trợ mang tính kỹ thuật cho DN nhỏ, giúp họ dần có đủ năng lực để lớn và mở rộng về quy mô, từ đó có thể tiếp nhận ứng dụng công nghệ và từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất hàng loạt của DN lớn. 

Mô hình này cũng đã được áp dụng tại một số nước láng giềng như Thái Lan và Malaysia, liệu ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ những quốc gia này trong ứng dụng vào Việt Nam?

Một số quốc gia, trong đó có Malaysia và Thái Lan, đã áp dụng mô hình này, nhưng không phải tất cả đều thành công. Vậy nên quan trọng là phải xác định được hiện tại Việt Nam đang ở trình độ nào, có thể làm gì, không thể áp dụng mô hình nguyên thể từ 2 nước này vào Việt Nam. Cá nhân tôi cho rằng, chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm từ Thái Lan, Malaysia, nhưng nên áp dụng mô hình tại Nhật Bản vì mô hình này có sự ưu việt chặt chẽ trong tính liên kết giữa các DN và giữa chính sách tới thực thi. 

Tin bài liên quan