Thống nhất liên kết, hợp tác 21 nền kinh tế thành viên APEC

Tuần lễ Hội nghị Bộ trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 24 và các cuộc họp liên quan do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì vừa khép lại tại TP.HCM. Ba văn kiện quan trọng đã được thông qua gồm “Sáng kiến về thúc đẩy khởi nghiệp APEC”, “Chiến lược phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa xanh, bền vững và sáng tạo” và “Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng phụ trách doanh nghiệp nhỏ và vừa lần thứ 24”.

Xương sống của nền kinh tế thành viên APEC

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Bộ trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 24 (SMEMM 24), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, mọi kế hoạch hợp tác với những mục tiêu tốt đẹp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ chỉ trở thành hiện thực nếu các nền kinh tế thành viên có lòng tin, sự quyết tâm hợp tác cùng nhau để gìn giữ môi trường hòa bình, bảo đảm an ninh, an toàn cho sự tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, dòng vốn đầu tư…

Thống nhất liên kết, hợp tác 21 nền kinh tế thành viên APEC ảnh 1

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 24 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì diễn ra tại TP.HCM Ảnh: H.P

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được xem là xương sống của nền kinh tế APEC, nhưng quy mô, năng lực quản trị, trình độ công nghệ... của DNNVV tại mỗi nền kinh tế mỗi khác, không đồng đều. Vì vậy, tính liên kết, hợp tác, hỗ trợ được đặt lên hàng đầu trong mối quan hệ giữa 21 nền kinh tế thành viên.

“Chúng tôi mong nhận được sự hợp tác của APEC về tăng cường năng lực hệ thống thuế nhằm khuyến khích sản xuất - kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, công bằng, đồng thời ngăn chặn vấn nạn về chuyển giá, ‘tránh’ nộp thuế… của một số nhà đầu tư nước ngoài. Tôi cũng đề nghị các chuyên gia cấp làm việc (SOM) nghiên cứu việc thành lập một quỹ hỗ trợ, khuyến khích các DNNVV tăng cường kết nối với các tập đoàn công ty đa quốc gia, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị.

Những bước tiến mạnh mẽ của công nghệ số, sự biến đổi không ngừng của kinh tế thế giới, những cơ hội và điều kiện phát triển mới cho DNNVV, đang đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với các cơ quan hỗ trợ DNNVV phải theo kịp xu thế của thời đại kỹ thuật số, tạo môi trường thuận lợi và áp dụng các phương pháp hỗ trợ hợp lý để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển các DNNVV.

Hướng tới mục tiêu đó, Hội nghị lần thứ 24 các Bộ trưởng phụ trách DNNVV APEC tập trung thảo luận chủ đề “Tăng cường khả năng cạnh tranh và đổi mới của DNNVV trong thời đại kỹ thuật số”, chia sẻ kinh nghiệm, các điển hình về thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các DNNVV, cũng như thảo luận và đưa ra các sáng kiến nhằm đẩy mạnh các hoạt động hợp tác giữa các cơ quan hỗ trợ DNNVV trong thời gian tới, để các DNNVV thực sự là một động lực mới, tạo ra xung lực mới cho sự phát triển bền vững của các nền kinh tế APEC.

Nội dung thảo luận của Hội nghị đã tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn: tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận thị trường và tham gia nhiều hơn, sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu; thiết lập môi trường kinh doanh thuận lợi để DNNVV tiếp cận dễ dàng hơn, tốt hơn các công nghệ mới thông qua việc cải thiện năng lực quản lý, đào tạo, tư vấn và kết nối kinh doanh; tăng cường tinh thần kinh doanh của các DNNVV APEC trong thời đại kỹ thuật số thông qua khuyến khích khởi nghiệp và tuân thủ đạo đức kinh doanh.

Hội nghị đã thông qua 3 văn kiện quan trọng nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển DNNVV trong cộng đồng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, Sáng kiến về thúc đẩy khởi nghiệp và Chiến lược phát triển DNNVV xanh, bền vững và sáng tạo dự kiến sẽ được trình Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC vào tháng 11 tới tại TP. Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chủ trì Hội nghị SMEMM 24 cho biết, toàn phiên thảo luận tại Hội nghị đã có trên 30 bài tham luận và phát biểu của Bộ trưởng, Trưởng đoàn các nền kinh tế thành viên. Đây là những bài học, kinh nghiệm tốt và thể hiện sự thống nhất cao về tầm quan trọng của khu vực DNNVV các nền kinh tế thành viên APEC cũng như sự cần thiết từ các chương trình hỗ trợ khu vực này của các Chính phủ.

“Tôi tin rằng, những nội dung đã thảo luận và kết luận, kết quả của Hội nghị và đề xuất của chúng ta sẽ góp phần định hướng cho các chính sách và hành động cụ thể để phát triển DNNVV trong thời gian tới, nhất là trong điều kiện của nền kinh tế công nghệ số với vai trò ngày càng tăng của tri thức và công nghệ. Qua đó, sẽ góp phần định hình mô hình tăng trưởng mới, động lực mới dựa trên đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, cũng như góp phần thực hiện chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” của năm APEC Việt Nam 2017”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.

Tiếng nói chung về mối liên kết, sự đồng thuận

Trước đó, tại Hội nghị Nhóm công tác DNNVV APEC lần thứ 45 và các sự kiện bên lề Hội nghị Bộ trưởng APEC về DNNVV, các đại biểu tiếp tục trao đổi về những thay đổi mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những cơ hội mới sẽ được tạo ra, mở ra những hướng phát triển mới cho các DNNVV của các nền kinh tế, các điển hình về kinh doanh, đổi mới và tiếp cận tài chính, hệ sinh thái kinh doanh và tiếp cận thị trường, tiềm năng hợp tác và xác định những lĩnh vực ưu tiên để tăng cường khả năng cạnh tranh cho phát triển DNNVV.

Thống nhất liên kết, hợp tác 21 nền kinh tế thành viên APEC ảnh 2

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng (ngồi giữa) tại buổi họp song phương cùng Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản trước Hội nghị SMEMM 24. 

Các trao đổi và thảo luận tại Hội nghị đã góp phần quan trọng xây dựng tương lai chung của APEC, trong đó các DNNVV có vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng khu vực trong bối cảnh nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh chóng.

Bên lề Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có buổi trao đổi và làm việc với ngài Pedro Carlos Olaechea Alvarez Calderon, Bộ trưởng Bộ Sản xuất Peru. Hai bên đã thống nhất rằng, thời gian tới, để tăng cường mối quan hệ, hai bên cần đẩy mạnh trao đổi thông tin sâu rộng, tăng cường phối hợp triển khai xúc tiến đầu tư, thương mại, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư 2 nước hiểu biết thêm về môi trường đầu tư và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của mỗi nước; xây dựng kênh liên lạc giữa các cơ quan phụ trách đầu tư trực tiếp nước ngoài của 2 nước, đa dạng hoá các hình thức đầu tư, giảm chi phí đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Sản xuất Peru cho biết, DNNVV tại Peru cũng là mối quan tâm hàng đầu, đóng góp lớn vào nền kinh tế của đất nước khi chiếm đến 97%. “Thúc đẩy DNNVV phát triển là thách thức lớn, bởi khái niệm quy mô doanh nghiệp nhỏ giữa các nước cũng khác biệt. Tôi mong muốn qua Hội nghị, APEC có thể thảo luận và đưa ra một quy chuẩn”, Bộ trưởng Bộ Sản xuất Peru cho biết.

Đại diện này chia sẻ, ở châu Âu hoặc Thụy Sỹ chủ yếu là doanh nghiệp vừa, còn Peru chủ yếu là doanh nghiệp rất to hoặc rất nhỏ, trong khi doanh nghiệp vừa rất ít. Do đó, thách thức được đặt ra trong việc chuyển giao doanh nghiệp nhỏ sang doanh nghiệp lớn.

Chia sẻ vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là vấn đề chung của các nước thành viên APEC. Trước hết, sự hỗ trợ cần đến từ Nhà nước, sau đó là các doanh nghiệp lớn, ngoài việc bổ trợ cho nhau về vốn, mặt bằng, sản xuất..., còn là sự hợp tác, chia sẻ các mô hình, kinh nghiệm. 

21 nền kinh tế thành viên APEC chiếm khoảng 39% dân số thế giới, chiếm 57% GDP và gần 50% kim ngạch thương mại toàn cầu.
DNNVV chiếm khoảng 97% số doanh nghiệp, tạo 60% việc làm và quan trọng hơn là nguồn động lực cho tăng trưởng, đổi mới và sáng tạo tại các nền kinh tế APEC.

Trước khi tham dự  Hội nghị SMEMM 24, đoàn Bộ trưởng Bộ Sản xuất Peru đã đến thăm Công ty Vĩnh Hoàn và bày tỏ sự ấn tượng trong việc nuôi trồng thủy sản. Peru là quốc gia nổi tiếng với đánh bắt xa bờ và mới chỉ bắt đầu nuôi trồng thủy sản. “Ngư dân đánh bắt xa bờ thì đời sống rất bấp bênh khi ra biển 5 lần chỉ đánh bắt được 1 lần. Peru muốn xây dựng và phát triển các trại giống..., mà Vĩnh Hoàn là một trong những mô hình đáng học hỏi”, Bộ trưởng Bộ Sản xuất Peru nói.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng còn có cuộc trao đổi với ông Hiraki Daisaku, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản. Hai bên thảo luận về vấn đề như kết nối với các DNNVV hai nước theo hình thức công nghiệp phụ trợ; khuyến khích và hỗ trợ DNNVV Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam theo chủ trương của Chính phủ Nhật Bản hiện nay; ủng hộ thông qua JICA để có những khoản tài trợ, hỗ trợ đến các cơ quan và cộng đồng DNNVV Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là mối quan hệ hai nước đang ở thời kỳ phát triển rực rỡ, nhất khi trở thành đối tác chiến lược sâu rộng, toàn diện ở một tầm cao. Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu với nền kinh tế Việt Nam như đứng đầu về ODA, FDI,...

“Chúng tôi hết sức coi trọng sự giúp đỡ từ Chính phủ cũng như doanh nghiệp Nhật Bản. Trước làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, chúng tôi khẳng định vẫn coi trọng và mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ hơn nữa  vào Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đầu tư trên những lĩnh vực lợi thế của Nhật Bản. Mong muốn có sự gắn bó, hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp Nhật Bản nói chung và DNNVV nói riêng, kể cả đã hoặc chưa đầu tư vào Việt Nam có thể hỗ trợ cho DNNVV Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng cũng cho rằng, sự hỗ trợ này cần xuất phát từ phía Chính phủ cho đến các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp Nhật Bản, dựa trên tinh thần là đối tác chiến lược của nhau. Nhật Bản có thể tham gia các quỹ của Việt Nam như Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ Khởi nghiệp sáng tạo, Quỹ Đổi mới công nghệ... Ngoài ra, Nhật Bản hỗ trợ về mặt nghiên cứu phát triển như dùng chung Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật giữa DNNVV hai nước hoặc liên kết trong các lĩnh vực khác như đào tạo, công nghệ thông tin, tư vấn, chuyển giao công nghệ,...

“Thực tế, chúng tôi biết Việt Nam đang triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì sẽ sẵn sàng tham gia hỗ trợ. Chính phủ Nhật Bản cũng tăng cường hỗ trợ công nghệ thông tin cho các DNNVV như công nghệ tự động, trí tuệ nhân tạo... Điều này giúp tiết giảm chi phí kinh doanh, giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người kinh doanh”, ông Hiraki Daisaku nói.

Tin bài liên quan