Thiên đường thuế và nỗi lo chuyển giá

Thiên đường thuế và nỗi lo chuyển giá

Oxfam vừa công bố danh sách 15 thiên đường thuế và lên tiếng cảnh báo về các hành vi chuyển lợi nhuận thiếu minh bạch của các ngân hàng, tập đoàn đa quốc gia.

15 thiên đường thuế và nỗi lo của Việt Nam

Một báo cáo vừa được Oxfam chính thức công bố ngày hôm qua (18/5) cho biết, 100 tỷ USD là con số mà các nước đang phát triển (bao gồm Việt Nam) đang bị thất thu hàng năm do hoạt động tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Và một lần nữa, Oxfam cũng đã “điểm mặt, chỉ tên” 15 thiên đường thuế trên thế giới, như Bermuda, quần đảo Cayman, Hà Lan, Thụy Sỹ, Singapore, quần đảo British Virgin, Hồng Kông…

Thậm chí, theo ông Francis Weygiz, cố vấn cao cấp về thuế của Oxfam, có tới 90% các công ty lớn nhất trên thế giới đang mở các chi nhánh tại ít nhất 1 thiên đường thuế trên toàn cầu. Và bằng cách này, mức thuế suất của 50 tập đoàn đa quốc gia Hoa Kỳ phải đóng chỉ là 25,9%, thấp hơn gần 10% so với mức thuế quy định trong luật của nước này.

Năm 2016, ngành thuế đã thanh tra chống chuyển giá tại 329 doanh nghiệp; truy thu, truy hoàn và phạt 607,52 tỷ đồng, giảm lỗ 5.162,21 tỷ đồng   

Trên thực tế, điều này được hiểu rằng, các hoạt động chuyển giá đã được các ngân hàng, tập đoàn đa quốc gia khôn khéo thực hiện tại các thiên đường thuế. Câu chuyện nằm ở chỗ, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các thiên đường thuế này vào Việt Nam đã không ngừng tăng lên trong thời gian qua. Con số được Oxfam công bố vào cuối năm ngoái lên tới 47% trong vòng một năm.

Bởi thế, khi Oxfam công bố báo cáo này, dư luận lại một lần nữa đặt câu hỏi về “cuộc chiến” chống chuyển giá ở Việt Nam, cuộc chiến mà bấy lâu Việt Nam đã rất nỗ lực thực hiện.

Cuối năm 2016, khi công bố báo cáo về các thiên đường thuế, Oxfam đã lên tiếng cảnh báo rằng, “không có cơ chế quản lý phù hợp sẽ dẫn đến rủi ro là lợi nhuận của các khoản đầu tư này sẽ không được giữ tại Việt Nam”. 

Bà Babeth Ngoc Han Lefur, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, đã dẫn lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc rằng, “Việt Nam không phải là nơi chuyển giá, trốn trách nhiệm môi trường”, để nhấn mạnh việc Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong thực thi những chính sách về quản lý thuế, ví như Nghị định 20/2017/NĐ - CP về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết, nhằm “chống xói mòn cơ sở thuế từ chuyển lợi nhuận”.

Chống chuyển giá bằng cách nào?

Không thể phủ nhận, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã rất nỗ lực trong công tác chống chuyển giá. Nhiều cái tên như Metro, BigC, PepsiCo, Houlon... đã được cơ quan thuế đưa vào tầm ngắm để thanh tra chống chuyển giá. Theo số liệu từ Tổng cục Thuế năm 2016, ngành thuế đã thanh tra chống chuyển giá tại 329 doanh nghiệp; truy thu, truy hoàn và phạt 607,52 tỷ đồng, giảm lỗ 5.162,21 tỷ đồng. Con số chắc chắn sẽ còn tăng lên, bởi hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước ngày càng phức tạp.

“Chống chuyển giá là  chuyện không mới, thậm chí là rất cũ ở nhiều quốc gia. Điều tra chống chuyển giá rất khó vì không doanh nghiệp nào tự khai ra cả. Theo khảo sát của chúng tôi,  càng trong những ngành mà  doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, như dệt may, nhựa, hay những ngành có tài sản vô hình lớn như tài chính, bảo hiểm… thì nguy cơ chuyển giá càng cao”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói.

Thiên đường thuế và nỗi lo chuyển giá ảnh 1

Để chống chuyển giá, Nghị định 20/2017/NĐ-CP đã chính thức được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/5/2017. “Vòng kim cô” chống chuyển giá đã được thiết lập, nhất là khi theo quy định tại nghị định này, các doanh nghiệp nước ngoài phải nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia cho cơ quan thuế, trong trường hợp người nộp thuế là công ty mẹ tối cao tại Việt Nam có doanh thu hợp nhất toàn cầu trong kỳ tính thuế từ 18.000 tỷ đồng trở lên.

Quy định này được các chuyên gia của Oxfarm đánh giá cao. Tuy nhiên, theo ông Francis Weygiz, Việt Nam vẫn không yêu cầu công khai báo cáo lợi nhuận liên quốc gia để công chúng và nhà đầu tư đánh giá hành vi thuế của công ty. “Việc công khai báo cáo lợi nhuận liên quốc gia sẽ hạn chế được hành vi gian lận thuế của doanh nghiệp”, ông Francis Weygiz nói.

Cũng theo ông này, báo cáo lợi nhuận liên quốc gia chính là một công cụ hữu ích để thúc đẩy trách nhiệm đóng thuế đúng, đủ của doanh nghiệp và giải quyết vấn đề chuyển lợi nhuận tới thiên đường thuế, đặc biệt là khi báo cáo này được công khai ra công chúng.

“Do vậy, Việt Nam và các nước đang phát triển cần từng bước cải thiện hệ thống pháp luật về thuế, cân nhắc yêu cầu công khai báo cáo lợi nhuận liên quốc gia”, ông Francis Weygiz nói và nhắc tới việc tăng cường hợp tác quốc tế để chống chuyển lợi nhuận tới các thiên đường thuế.

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, báo cáo của Oxfam chính là một sự “đánh động” cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam. “Việt Nam vẫn phối hợp quốc tế để vá “lỗ hổng thuế” nhằm chống chuyển giá. Bản chất của chuyển giá là vấn đề toàn cầu, chứ không riêng của Việt Nam”, ông Thành nói.

Báo cáo của Oxfam cũng cảnh báo về cuộc đua xuống đáy về thuế và các chính sách ưu đãi thuế nhằm thu hút đầu tư tại Việt Nam. Song đó là một câu chuyện khác và Báo Đầu tư sẽ đề cập nội dung này trong bài viết tiếp theo.

Tin bài liên quan